Trong khi đó, báo cáo mới đây của SSI Research cũng cho thấy xu hướng tăng vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán hàng đầu thị trường Việt Nam nhờ tâm lý thị trường tích cực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà thăng hoa nhờ dòng tiền đổ mạnh. Chốt phiên giao dịch tuần từ 17 – 21/5, VN – Index tiếp tục tăng 17,57 điểm (+1,4%) và chốt mức 1.283,93 điểm.
Chứng khoán Việt Nam tăng trưởng, doanh nghiệp tăng huy động vốn qua cổ phiếu
Nhân thời điểm thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tích cực, nhiều ngân hàng, doanh nghiệp bất động sản và các công ty chứng khoán tại Việt Nam đã đồng loạt chạy đua huy động vốn bằng cổ phiếu, từ đó có thêm kinh phí để mở rộng phát triển kinh doanh.
Hiện đang là thời điểm kết thúc mùa đại hội cổ đông 2021 tại Việt Nam. Dù vậy, vấn đề tăng vốn chỉ đang bắt đầu nóng lên. Theo SSI Research, tăng vốn có thể góp phần nâng đỡ giá cổ phiếu của ngành ngân hàng và bất động sản từ nay đến cuối năm 2021.
SSI Reseach thống kê cho thấy, trong năm 2017-2018, nhiều ngân hàng tư nhân như Techcombank (TCB), VPBank (VPB), TPBank (TPB)... đã có những đợt tăng vốn để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn. Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank (VCB) và BIDV (BID) được tăng vốn năm 2019.
Sau khi được bổ sung nguồn vốn, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu. Vì vậy, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research, năm 2021 này, có khoảng 16 ngân hàng lên kế hoạch tăng đáng kể vốn điều lệ.
Cụ thể, theo kế hoạch, vốn điều lệ tại các ngân hàng này dự kiến tăng 82.700 tỷ đồng (+31% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó 61.800 đồng (chiếm 75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu, 18.300 tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ - phát hành quyền mua cổ phiếu, 2.600 tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP (cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên ngân hàng).
Đồng thời, từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thắt chặt việc trả cổ tức tiền mặt của các ngân hàng, khuyến khích trả cổ tức cổ phiếu hoặc dùng nguồn lực để xử lý hết trái phiếu VAMC (Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam).
Chỉ có các ngân hàng quốc doanh Vietcombank (VCB), BIDV (BID) và Vietinbank (CTG) là được hưởng ngoại lệ trả cổ tức tiền mặt do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.
Ngoài ra, trong năm 2021, cổ tức cổ phiếu của các ngân hàng quốc doanh cũng được hỗ trợ bởi nghị định 121/2020, cho phép Chính phủ bơm vốn vào các ngân hàng có tỷ lệ sở hữu nhà nước trên 50%.
Nhóm chuyên gia của SSI Research lưu ý rằng, kể từ năm 2018, các ngân hàng Techcombank (TCB), VPBbank (VPB) và Sacombank (STB) đã chấm dứt chính sách trả cổ tức cổ phiếu. Trong khi đó, hầu hết ngân hàng thương mại cổ phần có tỉ lệ cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao hơn so với quá khứ, do Ngân hàng Nhà nước không cho phép trả cổ tức tiền mặt trong năm 2020 và 2021.
SSI cũng nhận thấy, một số ngân hàng như HDBank (HDB), MSB (MSB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LPB) đã xử lý hết trái phiếu VAMC ngay trong năm 2020 và có thể trả cổ tức cổ phiếu.
Cần lưu ý, đa phần việc phát hành mới cổ phiếu của các ngân hàng đã nằm trong kế hoạch trước đây và được tái khởi động trong năm nay.
Bất động sản dân cư: Xu hướng huy động từ trái phiếu sang cổ phiếu
Cần nhắc lại rằng, trước khi Nghị định 81 được ban hành, các công ty bất động sản rất chuộng việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tăng vốn.
Trong năm 2020, các công ty bất động sản đã phát hành 191.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, chiếm hơn 40% tổng giá trị phát hành. Từ đầu năm 2021 đến nay, các công ty trong lĩnh vực này đã phát hành thêm 53.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Năm 2021, thị trường chứng khoán có phần thuận lợi hơn với top 20 cổ phiếu bất đọng sản dân cư lớn nhất.
Theo đánh giá của SSI Research, có 7 công ty lên kế hoạch tăng vốn năm 2021, dự kiến khoảng 18.700 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ, phát hành quyền mua cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi và 434 tỷ đồng thông qua cổ phiếu ESOP.
“Số còn lại là kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua cổ tức cổ phiếu. Điều này được dự báo sẽ hỗ trợ đáng kể cho khả năng tăng trưởng trung hạn của các công ty”, SSI Research nhấn mạnh.
Vì sao các Công ty chứng khoán đổ dồn tăng vốn?
Hiện ở Việt Nam, cả 5 công ty chứng khoán niêm yết lớn nhất là Chứng khoán SSI, Chứng khoán Bản Việt (VCI), Chứng khoán TP.HCM (HCM), Chứng khoán VNDirect (VND), Chứng khoán MB (MBS) đều lên kế hoạch tăng vốn.
Trong số đó, 6.400 tỷ đồng từ phát hành quyền mua cổ phiếu, phát hành riêng lẻ - trái phiếu chuyển đổi và 813 tỷ đồng qua ESOP.
“Việc tăng vốn này được kỳ vọng sẽ giúp các công ty chứng khoán mở rộng kinh doanh, đặc biệt là hoạt động cho vay ký quỹ (margin) với giới hạn theo luật định là hai lần vốn chủ sở hữu”, SSI đánh giá.
Các chuyên gia của SSI Research cũng nhận định, với tâm lý thị trường tích cực, đây có thể là thời điểm thuận lợi để tăng vốn cổ phần.
Theo SSI Research, do tác động pha loãng lợi nhuận là không đáng kể, tăng vốn có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu của hai ngành nêu trên từ nay cho đến cuối năm 2021. Đồng thời, SSI Research duy trì khuyến nghị tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu bất động sản dân cư và cẩn trọng hơn đối với nhóm ngân hàng do triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.
Mặc dù vậy, SSI Research chỉ ra cơ hội ở các cổ phiếu như: CTG, TCB và VCB; đồng thời cũng đưa VPB, TPB và STB vào danh sách theo dõi do có yếu tố tác động tích cực đến từ việc tăng vốn (VPB, TPB) cũng như lợi nhuận hồi phục sau khi xử lý hết nợ xấu.
Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng sắp tăng vốn điều lệ gấp đôi
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC – Mã VCI) của Chủ tịch Nguyễn Thanh Phượng vừa thông qua Nghị quyết phát hành tăng vốn. Thời gian dự kiến thực hiện trong Quý II hoặc Quý III/2021 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt thông báo cho biết sẽ phát hành mới 166,5 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (tức cổ đông sở hữu một cổ phiếu có một quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm).
Nguồn vốn thực hiện sẽ được lấy từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính kiểm toán 2020.
“Thời gian dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2021, khi có chấp thuận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của công ty chứng khoán dự kiến tăng gấp đôi, từ 1.665 tỷ đồng hiện tại lên 3.330 tỷ đồng”, theo VCI.
Động thái này của Chứng khoán Bản Việt diễn ra trong bối cảnh VCI có chuỗi ngày cổ phiếu lập kỷ lục giá cao mới. Cụ thể, chứng khoán Bản Việt quyết định phát hành cổ phiếu thưởng (chia tách) theo tỷ lệ 1:1 lúc này trong bối cảnh cổ phiếu VCI tăng dữ dội, gấp 3,5 lần trong vòng 1 năm qua, từ mức 20.000 đồng/cp lên trên ngưỡng 75.000 đồng/cp.
Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng tăng giá mạnh thời gian gần đây nhờ kỳ vọng vào kết quả kinh doanh 2021.
Giá cổ phiếu VCI tăng giữa lúc thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động tích cực thời gian qua khi giao dịch bình quân gần đây thường xuyên đạt trên 1 tỷ USD mỗi phiên. Thanh khoản tăng cao giúp các công ty chứng khoán gia tăng doanh thu và lợi nhuân vào thời điểm này.
Trước đó, hồi giữa tháng 5, Chứng khoản Bản Việt cũng đã phát hành thành công 900.000 cổ phiếu ESOP với giá 15.000 đồng/cp, qua đó tăng vốn điều lệ lên 1.665 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành ESOP và chia thưởng cổ phiếu tỷ lệ 1:1 được Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 thông qua.
Thực tế, đối với VCSC, không chỉ phát hành tăng gần gấp 2 lần vốn, Chứng khoán Bản Việt cũng lên kế hoạch huy động 750 tỷ trái phiếu nhằm tăng quy mô vốn hoạt động công ty, trong đó có kế hoạch bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ, thanh toán phí liên quan đến đợt phát hành trái phiếu, bổ sung vốn chi hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Về tình hình kinh doanh, quý I/2021, như Sputnik Việt Nam đã thông tin, Chứng khoán Bản Việt ghi nhận doanh thu thuần (bao gồm doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính) đạt 782 tỷ đồng, tăng 105% so với quý I/2020 và tương đương 38% kế hoạch cả năm 2021.
Lợi nhuận trước thuế đạt 364 tỷ, tăng 306% và thực hiện 29% kế hoạch cả năm. Thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.762 đồng, tăng 144%.
Tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) trong 4 quý gần nhất đạt 20%. Nếu loại trừ chênh lệch từ đánh giá tài sản theo giá thị trường thì ROE là 22,2%.
Trong Quý I, VCSC chiếm 5,62% thị phần môi giới trên sàn HOSE, đứng thứ 5 sau VPS, SSI, HSC và VNDS.
Ngoài ra, đối với Bản Việt, nguồn thu lớn còn đến từ mảng tư vấn, bảo lãnh phát hành và đầu tư đa dạng.
Năm 2021, Bản Việt kỳ vọng doanh thu 2.050 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.250 tỷ đồng. Những con số trên được đưa ra dựa trên tình hình hiện tại của thị trường chứng khoán Việt Nam và xây dựng trên cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh 1.250 điểm vào cuối năm 2021.
Cùng với đó, so với năm 2020, VCI kỳ vọng doanh thu tăng 18,5% và lợi nhuận trước thuế tăng hơn 31%. Cổ tức dự kiến trong mức 10-15%.
Theo khẳng định của Bản Việt trước đó, động lực chính của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2021 là tình hình bệnh dịch được kiểm soát. Dịch Covid-19 sẽ dần được đẩy lùi với việc sản xuất và phân phối vaccine rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới năm nay, trong đó có Việt Nam.
Chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mới
Chốt phiên phiên giao dịch ngày 21/5, thị trường chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mới với các chỉ số “đẹp” và tích cực. Riêng thanh khoản trên sàn HOSE đã đạt hơn 1 tỷ USD.
Cụ thể, VN-Index tăng 5,71 điểm lên 1.283,93 điểm - mức điểm cao lịch sử của chỉ số này, trong khi đó, lượng thanh khoản đạt gần 699 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 23.677,4 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Toàn sàn có 257 mã tăng giá, 162 mã giảm giá và 43 mã giảm. Diễn biến đáng mong đợi khi nhiều chỉ số liên tục cán mốc cao lịch sử này của thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là nhờ sự hỗ trợ của dòng tiền chảy mạnh.
Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, khoảng đầu giờ chiều nay, hiện tượng nghẽn lệnh lại diễn ra trên sàn HOSE khiến nhiều người không thể đặt lệnh mua bán.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 2,89 điểm lên 297,99 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 142,47 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 3.233,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 130 mã tăng giá, 88 mã giảm giá và 56 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 1,88 điểm lên 81,63 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 120,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 1.361 tỷ đồng. Toàn sàn có 228 mã tăng giá, 147 mã giảm giá và 91 mã đứng giá.
Đặc biệt, trong rổ cổ phiếu VN30 có 18 mã tăng và 11 mã giảm. Các mã tăng giá đang chú ý như: BID tăng 6,9% lên mức giá trần, PLX tăng 5,5%, PDR tăng 4,1%, SBT tăng 3,1%, VRE tăng 2,9%, TCH và KDH đều tăng 2,5%, JVC tăng 1,5%...
Cố phiếu nhóm ngân hàng cũng diễn tiến tích cực. Theo đó, PGB, BVB, BID còn tăng lên giá trần, trong khi đó, các mã ACB, SHB, EIB, SSB, TCB, NVB, KLB, OCB, MBB, VPB, MSB cũng ở chiều tăng giá.
Tuần này (17-21/5), thị trường chứng khoán đóng cửa phiên giao dịch với chỉ số VN-Index có tuần thứ ba tăng điểm liên tiếp (ba phiên đi lên và hai phiên điều chỉnh).
Trong đó, VN-Index chạm mức cao nhất và thấp nhất trong tuần lần lượt tại 1.289,03 điểm và 1.249,02 điểm, đóng cửa tăng 17,57 điểm (+1,4%) và chốt mức 1.283,93 điểm.
Nhận định về giao dịch tuần kế tiếp (24 – 28/5), VN – Index, có thể tiếp tục tăng điểm để xác lập đỉnh mới và những nhà đầu tư đã mua vào các vị thế ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đồng thời có thể gia tăng tỷ trọng nếu thị trường có nhịp điều chỉnh mạnh về quanh ngưỡng 1.230 điểm. Hy vọng, thị trường chứng khoán sẽ giữ được đà tăng nhờ dòng tiền đổ mạnh cùng tâm lý tích cực của giới đầu tư.