Lần đầu tiên Bộ Công an đưa ra đề xuất, quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm về chơi họ, hụi, biêu, phường.
Cầm CMND, CCCD: Phạt đến 6 triệu
Bộ Công an vừa công bố dự thảo lần 2 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là hành vi mua bán dâm, vấn đề phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bạo lực gia đình (thay thế Nghị định số 167/2013) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Theo đó, Bộ Công an đề xuất phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với hành vi làm giả Chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân (CCCD) (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), sử dụng CMND hoặc CCCD giả; thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại CMND hoặc CCCD; mua, bán, thuê, cho thuê CMND hoặc CCCD; mượn, cho mượn CMND hoặc CCCD để thực hiện hành vi trái pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định 167/2013, việc cầm cố, thế chấp CMND chỉ bị xử phạt khi hành vi này thực hiện nhằm mục đích thực hiện một hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, ở dự thảo mới, Bộ Công an quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này. Theo đó, người dân chỉ cần thực hiện hành vi thế chấp, cầm cố CMND hoặc CCCD sẽ bị xử phạt theo mức phạt trên.
Xử mạnh hành vi mua, bán dâm, có thể trục xuất người nước ngoài nếu vi phạm
Theo Bộ Công an, một số quy định trong Nghị định 167/2013 liên quan đến các hành vi lợi dụng kinh doanh để thực hiện các hành vi mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh chưa hướng dẫn cụ thể.
Điều này dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, thiếu cơ sở pháp lý xử phạt các cơ sở kinh doanh dịch vụ khi nhân viên các cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống mại dâm tại cơ sở.
Vì thế, Điều 24 dự thảo đề xuất phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi mua dâm; phạt tiền từ 2-5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng một lúc. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Đối với hành vi bán dâm, dự thảo nghị định đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000-500.000 đồng; phạt tiền từ 1-2 triệu đồng trong trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng một lúc. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được đối với hành vi vi phạm quy định.
“Người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam”, Bộ Công an lưu ý.
Ngoài ra, Điều 26 dự thảo quy định về hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm. Trong đó, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi mua, bán khiêu dâm, kích dục.
Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm.
Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong những hành vi như dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm; góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm; môi giới mua dâm, bán dâm.
Riêng hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.
Để bịt các kẽ hở, dự thảo nghị định cũng đề xuất phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh. Người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự từ 6-12 tháng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Bộ Công an tái khẳng định, người nước ngoài có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.
Tăng nặng mức phạt sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm
Bộ Công an đề xuất phạt tiền 5- 8 triệu đồng đối với các hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm (trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu).
Nghị định 167/2013 không quy định chi tiết về từng hành vi nêu trên, chỉ nêu chung chung rằng xử phạt 100.000-300.000 đồng đối với các hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Thời gian qua, dư luận rất bức xúc trước tình trạng hàng loạt vụ sàm sỡ, quấy rối tình dục, nhất là trong thang máy chung cư, công sở...liên tiếp xảy ra. Tuy nhiên, mức phạt đối với hành vi này theo Nghị định 167/2013 lại rất thấp, trung bình chỉ 200.000 đồng, không đủ sức răn đe.
Khắc phục bất cập này, tại dự thảo nghị định thay thế, Bộ Công an đã liệt kê cụ thể tên của các hành vi quấy rối (sàm sỡ, quấy rối tình dục, khiêu dâm, kích dục), đặc biệt là nâng mức xử phạt tới hơn 25 lần so với quy định hiện hành.
Bộ Công an đề xuất mức phạt hành vi mua số lô, số đề
Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.
Dự thảo nêu mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật; đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép; cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Bộ Công an cũng đề xuất phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc; tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.
Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây: Làm chủ lô, đề; tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề; tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề
Báo cháy giả sẽ có thể bị phạt bao nhiêu?
Cũng tại dự thảo này, Bộ Công an đề xuất phạt tiền 4 - 6 triệu đồng đối với các hành vi báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả; không báo cháy, sự cố, tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn.
Thời gian qua, nhiều đơn vị công an rất bức xúc với tình trạng cố tình báo cháy giả để trêu đùa, “giết thời gian”. Hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn. Với việc nâng cao mức phạt, cơ quan chức năng hy vọng sẽ không còn tình trạng báo cháy giả tràn lan.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất tăng mức phạt đối với nhiều hành vi liên quan đến PCCC, cao nhất là 50 triệu đồng.
Theo Bộ Công an, một số hành vi vi phạm về PCCC tại Nghị định 167/2013 có mức phạt tương đối thấp, chưa có tính răn đe, dẫn đến có tình trạng một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tồn tại tâm lý là chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với việc chấp hành đúng quy định của pháp luật hoặc có tư tưởng xem nhẹ các sai phạm đó.
Quy định phạt về chơi hụi, chơi họ, chơi phường, biêu
Đáng chú ý trong dự thảo lần này, lần đầu tiên có quy định phạt về vi phạm khi chơi hụi, chơi họ, chơi phường.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất bổ sung riêng một điều luật quy định mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm về họ, hụi, biêu, phường. Nghị định 167/2013 không có nội dung này.
Dự thảo quy định phạt 2- 5 triệu đồng đối với hành vi không thông báo cho các thành viên về nơi cư trú mới trong trường hợp có sự thay đổi; không thông báo đầy đủ về số lượng dây họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi tắt là họ), phần họ, kỳ mở họ hoặc số lượng thành viên của từng dây họ mà mình đang làm chủ họ cho người muốn gia nhập dây họ…
Mức phạt 5-10 triệu đồng được áp dụng với hành vi không thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây họ có giá trị các phần họ tại một kỳ mở họ từ 100 triệu đồng trở lên hoặc tổ chức từ hai dây họ trở lên.
Riêng hành vi lợi dụng việc tổ chức họ để cho vay lãi nặng hoặc huy động vốn trái pháp luật sẽ bị phạt 10-20 triệu đồng.