Tuy vậy, Covid-19 vẫn không thể ‘quật ngã’ Việt Nam. Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, Việt Nam vẫn là điểm sáng cho nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn.
Nhiều dự án FDI với dòng vốn lớn vẫn đang chờ tiến vào quốc gia Đông Nam Á này. Điều gì khiến Việt Nam trở thành quốc gia hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài như vậy?
Tăng trưởng GDP Việt Nam nửa đầu 2021 dự kiến đạt 5,8%
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Ngiên cứu, quản lý kinh tế Trung ương (CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), làn sóng Covid-19 thứ 4 này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tăng trưởng GDP quý II/2021 và 6 tháng đầu năm.
Theo vị chuyên gia, bên cạnh những tác động tương đồng với ba đợt dịch trước, đợt dịch thứ 4 này còn có những đặc trưng khác.
Theo ông Cung, thứ nhất, đợt dịch này đã gây đảo lộn sản xuất tại một số khu công nghiệp ở Bắc Giang và Bắc Ninh. Thứ hai, sản lượng công nghiệp giảm do việc ngừng hoặc thu hẹp sản xuất của một số doanh nghiệp lớn, đặc biệt ở những doanh nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo. Thứ ba, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm chế tác có thể giảm và nhập siêu có thể quay trở lại trong thời gian tới.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM nêu rõ, kết hợp các tác động cũ và mới của 4 đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây, tăng trưởng kinh tế quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn đáng kể so với kế hoạch dự kiến.
Dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 43% dự toán, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm ước đạt 34,15% kế hoạch (cùng kỳ đạt 34,85%).
Những rủi ro của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế cũng được Công ty Chứng khoán Mirae Asset đưa ra trong Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây.
Theo đó, VnEconomy dẫn phân tích của Mirae Asset cho rằng tăng trưởng kinh tế trong quý 2/2021 có thể thấp hơn kỳ vọng do tính chất phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 mới đây. Một số yếu tố tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như giá cả vật liệu tăng đột biến, đặc biệt là thép xây dựng, dịch Covid-19 bùng phát trở lại khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến công tác giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, đà tăng của hoạt động bán lẻ chậm lại do đợt bùng dịch lần 4 cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa và doanh số bán lẻ.
Với những diễn biến của đợt dịch lần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo quy mô GDP 6 tháng đầu năm 2021 đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8%. Mức tăng dự báo này thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (tăng 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật tại quý 1/2021 (tăng 7,19%).
Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp và vẫn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, phía Mirae Asset lại cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục trong hai quý cuối năm 2021 và năm sau nhờ loạt 6 yếu tố: Thứ nhất, phản ứng chống dịch kịp thời và kiểm soát được dịch nhanh chóng, đi kèm với việc thúc đẩy tiến trình tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng trong nước cải thiện.
Thứ ba, nhu cầu bên ngoài cũng phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai vaccine toàn cầu và các gói hỗ trợ kích thích kinh tế ở các đối tác thương mại lớn giúp xuất khẩu tăng trưởng hai con số và thúc đẩy các hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước. Thứ tư, Việt Nam đã và đang là điểm đến hấp dẫn của sự chuyển dịch làn sóng FDI toàn cầu. Thứ năm, Chính phủ tiếp tục tăng cường đầu tư công. Và thứ sáu, lạm phát và tỷ giá duy trì ổn định.
Vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Dù tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay thấp hơn dự kiến, nhưng phải khẳng định rằng, việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 đã góp phần vào việc đưa tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lên top cao nhất trong các quốc gia Châu Á, lọt vào nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới năm qua.
Chính thành quả này đã giúp Việt Nam nhận được đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư nước ngoài, vẽ nên bức tranh tươi sáng cho triển vọng kinh tế Việt Nam. Rất nhiều dự án FDI lớn đang chờ vào Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Torben Minko cho rằng, thành tích chống dịch của Việt Nam đang tạo niềm tin rất lớn cho doanh nghiệp châu Âu. Tại Việt Nam, hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp được duy trì, tình trạng người lao động mất việc được hạn chế, chuỗi cung ứng được đảm bảo.
Theo đánh giá của EuroCham, Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ đầu năm 2021. Niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu cũng ngày càng tăng cao. Triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong quý tới, theo dự báo của EuroCham, cũng tăng 12% so với quý trước.
Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham cho biết, quý I/2021 một lần nữa khẳng định rằng, Việt Nam đang tiếp tục mở cửa nền kinh tế. Trong khi nhiều nước khác vẫn đang vất vả vật lộn với dịch bệnh, Việt Nam có thể đảm bảo hoạt động của các công ty tại đây không gặp nhiều gián đoạn. Đây là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm tăng niềm tin với các doanh nghiệp Châu Âu.
“Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các thành viên EuroCham đều tích cực về tương lai của chính công ty họ và lạc quan về triển vọng môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam”, chuyên gia Alain Cany đánh giá.
Theo ông Alain Cany, chỉ số BCI hiện đã tăng trở lại mức trước khi có Covid-19 - đây là một thành tựu đáng kể và là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu song song là vừa chống dịch vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam Michele Wee cho rằng, về trung hạn, nguồn vốn FDI vào Việt Nam sẽ duy trì mạnh mẽ.
“Là một trong những nước thành công nhất thế giới về kiểm soát dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,91%, cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các quốc gia châu Á, lọt top các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới năm qua”, chuyên gia nhận định.
“Việt Nam là quốc gia nằm trong Top đầu của khu vực ASEAN được doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn đầu tư trong thời gian tới”, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội nhận định.
Đại diện JETRO cho biết, với quy mô dân số lớn (dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050), tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, thị trường Việt đang được xem là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước có mức tăng trưởng kinh tế hằng năm thuộc hàng tốt nhất khu vực, quy mô GDP ngày càng lớn nên càng thu hút sự đầu tư của nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn từ Nhật Bản: AEON, Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi...
Việt Nam là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI
Ông Đỗ Nhật Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, các bộ ngành từ trung ương đến địa phương đã rất nỗ lực để vừa chống dịch, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư.
Khi có dịch, chỉ khoanh vùng một số khu vực nhất định nhưng vẫn hỗ trợ sản xuất, chuyển máy móc thiết bị sang địa phương ngoài vùng dịch để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đổ vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp nhưng tính đến 20.5, lượng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Những con số trên cho thấy, chính sách linh hoạt của Chính phủ Việt Nam khi ứng phó dịch bệnh đã phát huy tác dụng.
Mới đây, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn là Moody’s, S&P và Fitch đồng loạt nâng triển vọng lên "Tích cực".
Theo tổ chức S&P, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt để phục hồi vững chắc trong vòng 1-2 năm tiếp theo nhờ các giải pháp hiệu quả cao của Chính phủ để kiềm chế dịch trong nước.
Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á về thu hút FDI, ổn định tăng trưởng xuất khẩu, với nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế đối ngoại vững chắc.
Quyết định giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của S&P và việc điều chỉnh tăng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên “Tích cực” là sự ghi nhận thành tựu phát triển kinh tế ấn tượng và những cải cách liên tục trong khâu hoạch định chính sách tại Việt Nam.
Vì sao Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn các nhà đầu tư?
Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn thu hút được vốn FDI mạnh mẽ, điều này được cộng đồng quốc tế biểu dương mạnh mẽ. Năm 2021, xu hướng dòng vốn FDI vào Việt Nam còn tăng hơn so với cùng kỳ, điều này cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới bất ngờ.
Đáng chú ý, quy mô dự án FDI đã tăng lên đáng kể. Trong 5 tháng tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 8,83 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn điều chỉnh cũng có xu hướng tương tự khi tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt tới 3,86 tỷ USD tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, dù vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Xuất, nhập khẩu của khu vực FDI vẫn tiếp tục tăng trong 5 tháng đầu năm, xuất siêu 12,6 tỷ USD kể cả dầu thô, bù đắp phần nhập siêu gần 12,5 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 131 triệu USD.
Cùng với đó, Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI do tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, FTA đã đem lại lợi thế cho Việt Nam trong tiếp cận thị trường tự do của 55 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia thuộc nhóm G20.
“Đó là một trong những lý do để Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài”, Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.
Nói về việc đầu tư thêm 100 triệu USD cho dự án giấy 1 tỷ USD, Chủ tịch Tập đoàn Cheng Loong (Đài Loan - Trung Quốc) Cheng Tsun Hui cho Báo quốc tế biết, đây là một bước phát triển mới trong chiến lược đầu tư của tập đoàn tại Việt Nam.
Còn ông Kenneth Atkinson, thành viên HĐQT Hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham) cho hay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, ghi dấu ấn thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2019...
Những thành công này đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn và nguồn vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, số vốn FDI đăng ký mới và đăng ký điều chỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt, có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.
Việt Nam đã chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Cùng với đó, rà soát lại các ưu tiên, ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có công nghệ thấp, tốn diện tích, tiêu hao năng lượng cao, rủi ro môi trường và các doanh nghiệp không có kế hoạch gắn kết lâu dài tại Việt Nam.
Chính phủ đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài để hỗ trợ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp nước ngoài lớn nắm bắt kịp thời các cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam, một loạt dự luật quan trọng đối với các hoạt động đầu tư, kinh doanh được ban hành, cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án quy mô lớn được bổ sung…
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, xét về tính bền vững của các dự án đầu tư FDI, nếu theo tiêu chí môi trường thì có thể bảo đảm vì Việt Nam có kinh nghiệm trong thẩm định và quyết định dự án nào không tốt cho môi trường.
“Tuy nhiên, để tận dụng xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, Việt Nam cần có chính sách dài hạn trong phát triển công nghiệp phụ trợ. Đây là bước đi cần thiết để giảm tình trạng gia công đã kéo dài từ rất lâu trong nền sản xuất, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn”, ông Lộc nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, địa phương nào có sự chủ động về hạ tầng, nhanh nhạy trong việc giải quyết vướng mắc, tích cực tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, thủ tục thì sẽ mời gọi được các tập đoàn đa quốc gia, những “ông lớn” trong xu hướng chuyển dịch đầu tư.
Chuyên gia Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Các địa phương cũng phải nỗ lực hơn nữa, pháp lý cần minh bạch, rõ ràng hơn, bảo đảm tính dài hạn nhằm tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.