Kiểm tra công tác chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Bình Dương
Tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, sáng 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra việc thực hiện phòng, chống dịch và hoạt động sản xuất kinh doanh tại tỉnh Bình Dương. Đây là một trong các địa phương xuất hiện các chùm ca bệnh, chuỗi lây nhiễm khiến tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nơi đang điều trị cho 146 bệnh nhân mắc Covid-19, người đứng đầu Chính phủ động viên, mong muốn lãnh đạo bệnh viện, các y bác sĩ tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, phục vụ người bệnh, nhân dân tốt nhất, chú trọng công tác điều trị thông thường bên cạnh điều trị bệnh nhân, đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các quy định, quy trình phòng chống dịch để tránh bị lây nhiễm chéo ngay tại cơ sở điều trị.
Đối với các ca nhiễm Covid-19, bệnh viện cần thực hiện tốt nhiệm vụ chữa bệnh, ngăn ngừa lây nhiễm chéo; đẩy mạnh kết nối với các cơ sở y tế khác trong hội chẩn, điều trị, tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu khoa học và xây dựng lý luận. Thủ tướng cũng lưu ý:
“Cần có chế độ chính sách cho cán bộ, y bác sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt; kết hợp hài hòa giữa khoa học, y học, xã hội học, tâm lý học trong điều trị bệnh nhân cả về mặt bệnh lý và tâm lý”.
Tiếp đó, Thủ tưởng cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến tham quan và kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất và phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Nhà máy sữa Việt Nam (thuộc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk), ở khu công nghiệp Mỹ Phước II, thị xã Bến Cát. Báo cáo Thủ tướng, Tổng giám dốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết công ty hiện nằm trong nhóm 40 công ty sữa có doanh thu cao nhất toàn cầu, doanh thu năm 2020 đạt gần 60.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 11.000 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 10 năm qua đạt 42.000 tỷ đồng. Công ty cũng đã áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống dịch tại nhà máy để đảm bảo an toàn cho công nhân.
Tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương việc thực hiện “mục tiêu kép”: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Người đứng đầu Chính phủ đánh giá giá cao nỗ lực của lãnh đạo công ty đã khắc phục khó khăn vượt qua dịch Covid-19, chăm lo tốt cho đời sống công nhân viên, người lao động. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, với tinh thần năm sau cao hơn năm trước, ngay cả trong điều kiện dịch bệnh.
Cũng trong sáng 27/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về tình hình phòng chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế.
Giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, theo tình hình dịch tễ
Chiều 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã triệu tập cuộc họp với 8 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhằm tìm ra các giải pháp cấp bách để đối phó với dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng dự cuộc họp tại đầu cầu TP.HCM có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo một số Bộ, cơ quan Trung ương, TP.HCM. Tham dự tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang dự cuộc họp tại các đầu cầu địa phương.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tuớng cho biết TP.HCM và 7 tỉnh đều đạt tăng trưởng GRDP trên 5% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn cùng kỳ năm ngoái.
“Kết quả này cho thấy, cả nước đang đi đúng hướng, hệ thống chính trị vào cuộc rất tích cực, nhiều đồng chí “miệt mài, trăn trở với công việc”, người dân tham gia hưởng ứng tích cực để thực hiện “mục tiêu kép”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc, có bộ phận lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hoặc lo sợ, mất bình tĩnh, hoảng hốt, đưa giải pháp chưa thực sự phù hợp tình hình, nên hiệu quả chống dịch và sản xuất kinh doanh đều thấp, tác động tiêu cực tới việc thực hiện “mục tiêu kép” và đời sống nhân dân. Điều đáng mừng là các địa phương, đơn vị đã có kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp.
Thủ tướng cũng đưa ra nhiều bài học từ đợt dịch hiện nay. Trong đó, ông Phạm Minh Chính lưu ý về bài học khoanh vùng ổ dịch theo “3 lớp”: Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định.
Một bài học khác là không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”, tức là phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhắc đến bài học về nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả; không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Theo người đứng đầu Chính phủ, TP.HCM và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp; nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc thực hiện “mục tiêu kép” là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. “Chống được dịch để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn”.
Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp phù hợp với từng kịch bản để các cấp ủy lãnh đạo, các cấp chính quyền triển khai thực hiện, tránh bị động, lúng túng.
Đối với TP.HCM, Thủ tướng cho rằng, phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài các ca bệnh trong khu cách ly, cần lưu ý còn một số ca mắc không rõ nguồn lây. Vì thế, phải xét nghiệm diện rộng hơn để truy vết; xét nghiệm nhanh hơn, thần tốc hơn trong vùng có dịch, khu cách ly, khu phong tỏa. Cùng với đó, thực hiện giãn cách, phong tỏa, cách ly một cách linh hoạt, không theo địa giới hành chính mà theo tình hình dịch tễ.