Các chuyên gia của IISS đã đánh giá các quốc gia theo nhiều thông số về sức mạnh trong không gian mạng, bắt đầu từ mức độ số hóa nền kinh tế đến mức độ tích hợp các nguồn lực CNTT vào tổ hợp công nghiệp-quốc phòng và khả năng tiến hành các cuộc tấn công quân sự có sử dụng vũ khí mạng. Kết quả là, các quốc gia được chia thành ba nhóm theo mức độ phát triển trong lĩnh vực IT. Ở cấp độ đầu tiên, với tư cách là một nhà lãnh đạo, không có ai khác ngoài Hoa Kỳ. Ở cấp độ thứ hai là Trung Quốc, Nga, các đối tác của Mỹ trong Liên minh Năm Mắt, cũng như Israel. Ở cấp độ thứ ba có Nhật Bản và Ấn Độ - hai nước từng dẫn đầu về CNTT, nhưng bây giờ nằm trong số những nước tụt hậu. Họ được xếp ngang hàng với CHDCND Triều Tiên, Iran và Việt Nam.
Báo cáo “thiên vị chính trị”
Bản báo cáo này có thể bị cáo buộc thiên vị về chính trị. Sự phân tích được thực hiện với thiên hướng đối với các hoạt động tấn công trong không gian mạng. Hoa Kỳ đã nhiều lần cáo buộc Nga và Trung Quốc về các cuộc tấn công của hacker. Tuy nhiên, không có bằng chứng xác thực đầy tính thuyết phục về hoạt động độc hại của hai nước này. Matxcơva và Bắc Kinh phủ nhận những cáo buộc như vậy. Báo cáo của IISS viết rằng, Trung Quốc và Nga đang tăng cường khả năng tấn công của họ, nhưng đồng thời, họ không quan tâm đúng mức đến an ninh của cơ sở hạ tầng thông tin của chính họ. Đồng thời, theo nghiên cứu này, Hoa Kỳ đang bảo vệ hợp lý không gian mạng của mình, đồng thời sẵn sàng tấn công mạng có độ chính xác cao vào các đối thủ của mình. Các chuyên gia IISS rút ra kết luận rằng, Hoa Kỳ đang vượt trước các quốc gia khác về sự phát triển của công nghệ CNTT. Và Trung Quốc đang tụt hậu 10 năm so với Hoa Kỳ về mức độ phát triển năng lực và khả năng của mình trong không gian mạng.
Dù báo cáo “thiên vị về chính trị”, nhưng, có cả những nhận xét hợp lý trong đó. Chuyên gia Trung Quốc về công nghệ Internet Liu Xingliang nói với Sputnik rằng, Trung Quốc đã thực hiện những bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, khi nói đến nghiên cứu cơ bản và phát triển, thì Bắc Kinh gặp vấn đề trong lĩnh vực này.
Trước đó, Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei đã thừa nhận rằng, Trung Quốc vẫn còn nhiều điều phải học hỏi từ Mỹ về khoa học và công nghệ, theo SCMP. Theo ý kiến của ông, dù Hoa Kỳ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, nhưng, Trung Quốc vẫn nên coi Mỹ là người thầy của mình. CEO Huawei khẳng định rằng, trong giai đoạn khó khăn, công ty vẫn nên mở cửa với thế giới bên ngoài, duy trì hợp tác với các đối tác nước ngoài, ra mắt những sản phẩm độc đáo.
Trung Quốc tụt hậu so với Mỹ
Vấn đề của Huawei cho thấy rõ Trung Quốc đang tụt hậu so với Hoa Kỳ trong lĩnh vực nào. Mặc dù công ty giữ vị trí hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ viễn thông - ở nhiều quốc gia, bao gồm cả EU, thị phần thiết bị Huawei trong mạng di động là hơn 40%, nhưng, hóa ra, nếu không có công nghệ Mỹ thì công ty gặp khó khăn. Ở đây nói về chip: sau khi Mỹ cấm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc sử dụng công nghệ của mình, Huawei buộc phải bán bộ phận điện thoại thông minh giá rẻ cho Honor. Nói về phần mềm - Huawei đã khẩn trương phát triển hệ điều hành của riêng mình khi đối mặt với các vấn đề với Android. Công ty cũng phụ thuộc vào Hoa Kỳ về nhiều thành phần vi điện tử khác.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã nhận thức được vấn đề phụ thuộc vào công nghệ. Kế hoạch 5 năm mới được thông qua vào mùa xuân năm nay ưu tiên cho việc phát triển trong nước các nghiên cứu và đổi mới cơ bản. Năm ngoái đã có thông tin rằng, Trung Quốc có kế hoạch “bơm” 1,4 nghìn tỷ USD trong vòng 6 năm đến 2025 để phát triển các công nghệ mới và cơ sở hạ tầng mới. Nhân tiện, ở một số khía cạnh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Trung Quốc vượt trước Mỹ: ví dụ, trong thanh toán di động, chuyên gia Liu Xingliang nói.
Trung Quốc đang củng cố tiềm lực khoa học và công nghệ của riêng mình
Năm ngoái, Trung Quốc lần đầu tiên vượt Mỹ về số lượng bài báo về khoa học tự nhiên. Tỷ trọng của Trung Quốc trong khối lượng nghiên cứu khoa học toàn cầu là 19,9%, trong khi tỷ trọng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này là 18,3%. Về chất lượng, các bài báo khoa học của Trung Quốc vẫn kém hơn tác phẩm Mỹ, mặc dù khoảng cách này không quá lớn. Trong số các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, Hoa Kỳ chiếm 29,3% và Trung Quốc chiếm 21,9%.
Tuy nhiên, nghiên cứu cơ bản của các công ty Mỹ chuyển thành sản phẩm được cả thế giới sử dụng, còn Trung Quốc vẫn chưa thể tự hào về những thành tựu tương tự. Ví dụ: Google sở hữu cả Android và nền tảng máy học Tensorflow mà các chuyên gia AI trên khắp thế giới, bao gồm cả Trung Quốc, đang sử dụng. Nhân tiện, Facebook cũng có một nền tảng tương tự phổ biến không kém. Trung Quốc đã cố gắng phát triển các sản phẩm mã nguồn mở của riêng mình như nền tảng học sâu mã nguồn mở PaddlePaddle. Nhưng nó không có nhu cầu lớn ngay cả với các nhà phát triển Trung Quốc. Huawei đã ra mắt hệ điều hành Harmony OS 2.0 được phát triển dưới dạng mã nguồn mở. Tuy nhiên, theo chuyên gia Liu Xingliang, Trung Quốc sẽ không thể đuổi kịp và vượt Mỹ trong ngắn hạn, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.
Nhưng, trong trung hạn, Trung Quốc có mọi cơ hội thành công. Rốt cuộc, điều mà bây giờ có thể gọi là niềm tự hào của nước Mỹ - những công ty công nghệ cao lớn nhất và những khám phá quan trọng nhất, thường được thực hiện bởi những người không phải gốc Mỹ. Người đồng sáng lập công ty xử lý đồ họa Nvidia - Huang Renxun (Jen-Hsun Huang) là người gốc Hoa. Fei-Fei Li - giám đốc phòng thí nghiệm AI của Đại học Stanford đã đi đầu trong lĩnh vực máy học và nhận dạng mẫu, đồng thời đóng vai trò hàng đầu trong dự án Maven của Lầu Năm Góc. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Marco Polo tại Học viện Paulson, những người gốc Hoa có phần đóng góp to lớn vào nền khoa học Mỹ. Ví dụ, trong số các bài khoa học được trình bày tại sự kiện thường niên lớn nhất của ngành - Hội nghị quốc tế về Thần kinh học - hơn một nửa được viết bởi nhân viên của các viện nghiên cứu và công ty Mỹ: Google, Microsoft Research, Đại học Stanford, Đại học Carnegie Mellon, Viện công nghệ Massachusetts. Trong số này, 30% do các nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện. Hầu hết trong số họ được học trung học tại CHND Trung Hoa, và sau đó đến Hoa Kỳ để học tại các trường đại học Mỹ. Hiện nay, một vấn đề lớn đối với Trung Quốc là thu hút những chuyên gia tài năng nhất. 9 trong số 10 nhà khoa học Trung Quốc được đào tạo tại Hoa Kỳ vẫn làm việc tại quốc gia đó. Khi mức sống ở Trung Quốc tăng lên, xu hướng này cũng có thể thay đổi.