Mắc bệnh lý nền nặng, bệnh nhân Covid-19 ở An Giang đã tử vong
Chiều 4/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam ghi nhận 360 ca mắc mới, trong đó có 4 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Trị; 356 ca được phát hiện trong nước tại TP.HCM (169 ca), Bình Dương (76 ca), Long An (52 ca), Tiền Giang (29 ca), Quảng Ngãi (8 ca), Phú Yên (5 ca), An Giang (5 ca), Đồng Tháp (4 ca), Nghệ An (3 ca), Huế (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Bến Tre (1 ca), Bắc Giang (1 ca), Đà Nẵng (1 ca).
Hiện Việt Nam có tổng cộng 18.075 ca ghi nhận trong nước và 1.858 ca nhập cảnh. Số lượng ca Covid-19 mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 16.505 người. Trong đó, 5.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Cả nước có 14 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Quảng Nam.
Cũng trong chiều 4/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh An Giang cho biết đã ghi nhận một bệnh nhân nhiễm Covid-19 trên địa bàn tử vong do nhiều bệnh nền nặng.
Cụ thể, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Châu Đốc, bệnh nhân 16.660 (L.T.L., nữ, 52 tuổi, cư ngụ ấp Tân Khánh, thị Trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đã tử vong vào khoảng 6 giờ cùng ngày với chẩn đoán: Ung thư vú di căn phổi; tràn khí, tràn dịch màng phổi phải, bị nhiễm Covid-19; viêm phổi do virus; bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insuline; suy thận mạn giai đoạn 3; suy tim; bệnh trào ngược dạ dày – thực quản; loét dạ dày.
Thủ tương Chính phủ yêu cầu các tỉnh, các ngành chi viện phía Nam chống dịch
Tại cuộc họp trực tuyến với 8 tỉnh, thành phố phía Nam về công tác phòng, chống dịch vào sáng 4/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những phương châm, phương pháp, cách làm trong phòng, chống dịch như đang thực hiện là đúng hướng, không có vướng mắc, song dịch vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi mọi việc cần được thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn, trên tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, TP.HCM là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước. Do đó, tình hình dịch bệnh tại thành phố có ảnh hưởng lớn đến các tỉnh trong khu vực; việc phòng chống dịch cũng khó khăn, phức tạp hơn và đòi hỏi phải tập trung ưu tiên chỉ đạo, xử lý.
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành đã và đang bổ sung lực lượng cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam, đồng thời yêu cầu các ngành Y tế, Quân đội, Công an, các tỉnh, thành phố không có dịch và dịch đã được kiểm soát tốt tiếp tục chi viện cho những địa phương nếu cần thiết.
Người từ vùng dịch đến Bình Thuận có kết quả âm tính cũng phải cách ly y tế
Ngày 4/7, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn khẩn về việc tăng cường kiểm soát, quản lý người từ các tỉnh, thành có dịch đến tỉnh Bình Thuận. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 5/7/2021.
Công văn nêu rõ, trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, yêu cầu tất cả người dân từ các tỉnh, thành có dịch về, đến tỉnh Bình Thuận phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Trường hợp không có giấy xét nghiệm thì phải thực hiện test nhanh, có trả phí theo hướng dẫn của chốt kiểm soát dịch.
Sau khi vào địa bàn, người dân về, đến từ các tỉnh, thành có dịch phải tiếp tục thực hiện cách ly y tế theo quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh. Các đơn vị liên quan mua sắm test nhanh để thực hiện và thu tiền test nhanh đúng bằng mức giá đã mua, theo quy định ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế (không được tính thêm bất kỳ chi phí nào khác).
Chốt kiểm soát dịch thực hiện test nhanh nếu đủ điều kiện hoặc hướng dẫn người dân đến nơi thực hiện test nhanh, nhưng phải đảm bảo có kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào địa bàn. Địa phương kiểm tra, rà soát các tuyến đường vào, cần thiết thì bổ sung thêm chốt kiểm soát dịch để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện vào địa bàn, chú ý các tuyến đường nhỏ để chốt chặn hoặc phân luồng cho phù hợp.