TP.HCM đã có hơn 12.000 trường hợp mắc Covid-19
Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và công tác triển khai tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay, qua kiểm tra công tác ngày 10/7, thành phố ghi nhận 1.403 ca mắc Covid-19, phần lớn ở các khu cách ly và phong tỏa. Trong đợt dịch thứ 4 (bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay), TP.HCM đã có hơn 12.000 trường hợp mắc Covid-19.
Hiện thành phố đang triển khai đồng bộ các biện pháp trong cách ly, xét nghiệm và điều trị. Cụ thể, khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng. Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị với 50.000 giường để tiếp nhận, điều trị ca nhiễm Covid-19.
Về công tác xét nghiệm, UBND TP.HCM chỉ đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức phải có kế hoạch xét nghiệm cụ thể, hợp lý, theo nguyên tắc “Rõ – Nghiêm – Nhanh – Hiệu quả” và ưu tiên xét nghiệm ở các nơi có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) và khu công nghệ cao (KCNC), thành phố đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân làm việc (gồm cả công nhân làm việc toàn thời gian và thời vụ) để lên kịch bản xử lý khi có ca nhiễm F0 xuất hiện và định kỳ xét nghiệm Covid-19 cho công nhân.
Tạo điều kiện cho các bếp ăn nghĩa tình và hoạt động từ thiện giúp người nghèo
Liên quan đến việc một số cửa hàng tiện lợi còn có hiện tượng hàng về chậm, tại một số thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, lãnh đạo TP.HCM cho biết đã triển khai bổ sung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Lượng hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ổn định. Qua kiểm tra tại các hệ thống siêu thị, giá cả hàng hóa không tăng so với thời điểm trước khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16.
Theo Sở Công Thương TP.HCM, thành phố đã triển khai “Siêu thị mini 0 đồng”, hoạt động như mô hình siêu thị, đảm bảo giãn cách; thí điểm chợ nghĩa tình online; tổ chức bán hàng lưu động bù vào số chợ truyền thống, chợ đầu mối tạm dừng hoạt động.
Thực hiện công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn, thành phố đã hỗ trợ 45.000 người với kinh phí 10 tỷ đồng. Ước tính tổng kinh phí cho công tác này lên tới gần 900 tỷ đồng. Các địa phương vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho người lao động nghèo khoảng 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các bếp từ thiện, các hoạt động chăm lo cho người yếu thế do MTTQ và đoàn thể vẫn tiếp tục hoạt động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh TP.HCM đã tổ chức tốt hoạt động lưu thông, phân phối hàng hoá những ngày qua, điều chỉnh, xử lý kịp thời những bất cập, vướng mắc nảy sinh.
Bảo đảm đầy đủ vật tư, trang thiết bị chống dịch
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu khẳng định, thành phố đã tập trung chấn chỉnh để đưa hoạt động xét nghiệm theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đi theo từng khu vực với các mức độ khác nhau (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ, “bình thường mới”); cân đối khả năng xét nghiệm, lấy mẫu của các trung tâm đảm bảo ăn khớp, trả kết quả sớm.
Tập trung chấn chỉnh từng khâu (lấy mẫu tận nhà, không chạy theo số lượng), các lực lượng khẩn trương lấy mẫu trường hợp F1 trong các khu phong tỏa và khu vực lân cận. Ngoài ra, thành phố còn thành lập các đội lấy mẫu lưu động.
Trong 24 giờ qua, thành phố đã lấy 29.053 mẫu (16.086 mẫu xét nghiệm nhanh, 2.221 mẫu đơn và 4.385 mẫu gộp RT-PCR). Những ngày tới, TP.HCM tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm nhưng làm đến đâu chắc đến đấy, xác định những khu vực trọng điểm, nguy cơ tập trung F0 cao để hướng dẫn rất kỹ cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP.HCM tập trung xét nghiệm theo các hướng chỉ điểm của hoạt động điều tra, phân tích dịch tễ cho đúng, cho trúng, có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, ưu tiên lực lượng đi xét nghiệm tại nhà những người thông báo có triệu chứng, người già yếu, có bệnh nền.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên yêu cầu các khu cách ly tập trung phải khắc phục ngay những bất cập, bất hợp lý, đảm bảo các yêu cầu cần thiết cho người tham gia cách ly tập trung, đặc biệt liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe, bữa ăn hằng ngày. Để đảm bảo vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, UBND TP.HCM đã thành lập Trung tâm mua sắm thiết bị phục vụ cho chiến dịch gồm 2 nguồn (xã hội hóa và ngân sách nhà nước).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho biết thêm, Trung ương sẽ ưu tiên nguồn vắc-xin phòng Covid-19 cho TP.HCM. Tuy nhiên, thành phố phải lập kế hoạch tổ chức tiêm rất chi tiết. Các điểm tiêm vẫn phải thực hiện nghiêm các quy định, đặc biệt là bảo đảm khoảng cách, không được tập trung đông người.
Ông Vũ Đức Đam cho rằng, đến thời điểm hiện tại, TP.HCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm, đi vào nề nếp rất nhanh, dù còn điểm này, điểm khác không thể tránh khỏi trên một địa bàn đông dân.