Xâm phạm vùng biển của Trung Quốc
Ông Tian Junli, phát ngôn viên Bộ chỉ huy tác chiến phía Nam của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyên bố: tàu khu trục tên lửa Benfold của Mỹ đã xâm phạm lãnh hải của CHND Trung Hoa ở Biển Đông. Ông nói: hành động của người Mỹ phá hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định trong khu vực. Như đã nêu trong tuyên bố của Bộ chỉ huy, tàu Mỹ đã đi vào vùng biển của quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp mà không được phép. Một nhóm của Hải quân Trung Quốc đã đi kèm Benfold và đưa ra cảnh báo.
Đến lượt mình, Bộ tư lệnh Hạm đội 7 Hoa Kỳ nói rằng tàu khu trục Benfold "bảo vệ các quyền và tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế".
Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu kinh tế và xã hội Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Tiến sĩ Kinh tế, Giáo sư Andrei Ostrovsky bình luận về tình huống này.
"Trên thực tế, khoảng 5 quốc gia tuyên bố chủ quyền với các đảo này, bao gồm Việt Nam, Philippines và Indonesia. Trung Quốc đề cập đến các tài liệu từ thế kỷ 14 về việc khai khẩn các đảo này. Và hiện tại, Trung Quốc đã củng cố ở đó. Trung Quốc đi theo hướng riêng của nó. Bắc Kinh đã vạch ra sáng kiến "Một vành đai, một con đường" và cụ thể thực hiện nó, bao gồm cả tình hình các vùng biển phía Nam: Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21 ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á và tới châu Phi - tất cả các tuyến đường biển.Trung Quốc đang thực hiện các chương trình có lợi phần lớn cho những nước tham gia sáng kiến này vì nó được Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á và Quỹ Con đường tơ lụa tài trợ", - Andrei Ostrovsky nói.
Tranh chấp Biển Đông
Căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn trong nhiều năm do yêu sách của một số nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các quốc gia liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu vùng lãnh thổ này là Việt Nam và Trung Quốc. Ngoài ra, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Philippines cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo. Ngoài vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được các chuyên gia đánh giá là nơi tập trung trữ lượng dầu và khoáng sản lớn.
Tại các Hội nghị, họp báo quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn thể hiện rõ lập trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, Hà Nội nhiều lần tái khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đó, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông, vốn đã được xác lập phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) cũng như Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên COC.
Đọc thêm: