Một nghiên cứu được công bố trên cổng thông tin khoa học Frontiers đã so sánh dữ liệu phát thải khí nhà kính từ 167 thành phố ở 53 quốc gia. Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu về lượng phát khí thải - nước này có 23 thành phố trong danh sách trên, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải và Hàm Đan (Handan). Chỉ riêng các siêu đô thị của Trung Quốc, cùng với Moskva (Nga) và Tokyo (Nhật Bản), đã chiếm tới 52% tổng lượng phát khí thải toàn cầu.
Theo các nhà nghiên cứu, sự gia tăng nhiệt độ khí hậu Trái đất so với mức ở giai đoạn tiền công nghiệp đã vượt quá 1 độ C và có nguy cơ vượt quá giới hạn 1,5-2 độ C được quy định trong Thỏa thuận khí hậu Paris.
Nhà môi trường học Shaoqing Chen tại Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu gọi nghiên cứu khoa học của mình là công trình đầu tiên tính đến các mục tiêu khí hậu của các siêu đô thị và tình hình thực hiện những mục tiêu đó. 68 thành phố từ các nước phát triển hàng đầu đang phấn đấu cắt giảm hoàn toàn lượng phát thải. 42 thành phố trong đó đã được nghiên cứu, và cho đến nay chỉ có 30 thành phố (ở Châu Âu và Hoa Kỳ) có thể thành công giảm mức độ phát khí thải.
Ông Chen và các đồng nghiệp cảnh báo rằng dữ liệu nghiên cứu có thể không chính xác, vì các thành phố đã cung cấp báo cáo về lượng khí thải trong các khoảng thời gian khác nhau. Ví dụ, rất khó để so sánh số liệu từ năm 2005 đến nay với số liệu thống kê trong vài năm gần đây.
Tuy nhiên, phân tích khẳng định dự đoán của các nhà khoa học rằng ở các nước đang phát triển như Trung Quốc, lượng phát khí thải bình quân đầu người lớn nhất là ở các trung tâm sản xuất, còn ở các nước phát triển thì tập trung ở những siêu đô thị có mức tiêu dùng cao.