Những chi tiết cơ bản của thỏa thuận
Thông số chính của thỏa thuận - mức giới hạn cơ bản - đã thay đổi đối với một vài quốc gia. Với Nga và Saudi Arabia, mức khai thác cơ bản sẽ được tăng thêm 0,5 triệu thùng/ngày, lên đến 11,5 triệu thùng/ngày.
Đối với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, mức sản xuất cơ bản sẽ được tăng từ 3,17 triệu thùng/ngày lên 3,5 triệu thùng/ngày. Tăng mức khai thác của Kuwait và Iraq là 150 nghìn thùng/ngày. Bộ trưởng các nước OPEC+ đã nhất trí tiếp tục phục hồi khai thác dầu từ tháng 8 và đến cuối năm 2021 trả lại cho thị trường mức 2 triệu thùng/ngày. Tất cả các nước đồng ý tăng sản lượng khai thác dầu thêm 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng. Như vậy, đến cuối năm, mức cắt giảm lượng khai thác dầu của các nước trong tổ chức sẽ xuống còn 3,7 triệu thùng/ngày.
Cuộc họp kế tiếp cấp Bộ trưởng của OPEC+ sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2021.
Bản chất tranh cãi
Hồi đầu tháng 7, các Bộ trưởng OPEC+ đã không thể nhất trí về hai vấn đề này trong suốt 5 ngày họp. UAE không hài lòng vì thỏa thuận về giảm sản lượng dầu được đề xuất gia hạn sau tháng 4 năm 2022, khi văn kiện hết hạn, cũng với những điều kiện tương tự như hiện nay. Bộ Năng lượng của UAE cho rằng mức cắt giảm cơ bản, từ đó tính toán hạn ngạch sản xuất, là không phù hợp đối với họ và không tính đến công suất khai thác thực tế. Còn Saudi Arabia thì phản bác cơ hội điều chỉnh thông số này trên cơ sở cá nhân. Do bất đồng về mức cắt giảm cơ bản, các Bộ trưởng đã không thể thoả thuận về vấn đề cấp bách hơn là mức khai thác dầu từ tháng 8 đến cuối năm nay. Ban đầu, tất cả các thành viên OPEC+ đã chấp thuận khôi phục sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng / ngày với tốc độ suôn sẻ cho đến cuối năm nay, do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường ngày càng tăng. Nhưng do những bất đồng về vấn đề đầu tiên, cuộc bỏ phiếu về nới lỏng hạn ngạch đã không thể thực hiện được.