Việt Nam tiếp tục xử lý kỷ luật nhiều cán bộ
© Depositphotos.com / Khakimullin Aleksandr D9Kỷ luật
© Depositphotos.com / Khakimullin Aleksandr D9
Đăng ký
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật hai cựu Phó Chủ tịch TP.HCM là Nguyễn Thành Tài và Trần Vĩnh Tuyến do liên quan đến loạt vụ án hình sự, kinh tế. Khai trừ ra khỏi Đảng ông Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng, Nguyễn Hoài Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật, đề nghị kỷ luật nhiều tổ chức Đảng và lãnh đạo Hà Nội, trong đó có cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ, nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.
Ngoài ra, còn có các ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Tài chính.
Đề nghị Ban Bí thư kỷ luật ông Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến
Chiều 4/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông tin về việc kỷ luật, đề nghị kỷ luật một loạt các cá nhân theo thông báo về kỳ họp thứ năm của cơ quan này.
Theo đó, tại kỳ họp thứ năm diễn ra từ ngày 2 đến 4/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật các tổ chức đảng và đảng viên vi phạm liên quan 4 vụ án xảy ra ở TP.HCM.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) nhiệm kỳ 2015-2020, Chi bộ Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), Chi bộ Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) nhiệm kỳ 2015-2017 và 2017-2020 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc.
“Các tổ chức này cũng thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý đất đai, tài sản, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Thành Tài khi giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chấp thuận thay đổi chủ trương, chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không qua đấu giá cho doanh nghiệp.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng xác định, ông Tài đã ký các văn bản duyệt giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình xây dựng trên đất và xác định giá thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất… trái pháp luật.
Đối với ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, khi giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND thành phố, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký quyết định đồng ý cho chuyển nhượng dự án trái pháp luật.
Với những sai phạm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét thi hành kỷ luật hai cựu Phó Chủ tịch TP.HCM là Trần Vĩnh Tuyến và Nguyễn Thành Tài.
Khai trừ Đảng ông Nguyễn Hoài Nam, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Trọng Tuấn khi giữ chức vụ Giám đốc Sở Xây dựng thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc ký tờ trình tham mưu cho ông Trần Vĩnh Tuyến ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trái pháp luật.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư Quận ủy Quận 2, nguyên Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chịu trách nhiệm trực tiếp khi ký tờ trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho ông Nguyễn Thành Tài ký quyết định giao đất, cho thuê đất trái pháp luật.
Ông Lê Tấn Hùng với cương vị Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), ông Hùng phải chịu trách nhiệm trực tiếp khi chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục và ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho chuyển nhượng dự án trái pháp luật.
Em trai của nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cũng đã ký khống các hợp đồng, chỉ đạo hợp thức trái quy định để tham ô số tiền 13,346 tỷ đồng của Nhà nước.
Ông Tề Trí Dũng với cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Công ty IPC và Công ty SADECO.
Đồng thời, ông Dũng chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc cố ý phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, sử dụng tiền của Công ty SADECO đi tham quan, du lịch nước ngoài, duyệt chi nhiều khoản tiền trái quy định, tham ô số tiền 1,727 tỷ đồng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá vi phạm của các tập thể, cá nhân trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, thiệt hại lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền thành phố.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Công ty IPC nhiệm kỳ 2015-2020; Chi bộ Công ty SADECO các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020; Chi bộ Công ty Tân Thuận các nhiệm kỳ 2015-2017, 2017-2020 và Đảng ủy Cơ quan Văn phòng Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020.
Cơ quan này cũng quyết định khai trừ ra khỏi Đảng các ông Nguyễn Hoài Nam, Lê Tấn Hùng, Tề Trí Dũng và đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các ông Nguyễn Thành Tài, Trần Vĩnh Tuyến, Trần Trọng Tuấn.
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM chỉ đạo kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ án nêu trên.
Kỷ luật 6 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hà Nội
Cũng theo thông báo tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật 6 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo của Hà Nội.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên liên quan đến một số vụ án xảy ra tại Hà Nội.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Đảng ủy Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội giai đoạn 2016-2019 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư, một số tổ chức, cá nhân cán bộ, đảng viên vi phạm về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, về đấu thầu và thực hiện các gói thầu, nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Trong đó, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung (đã bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và bị xử lý hình sự) chịu trách nhiệm chính và trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND thành phố, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp trong các vụ án nêu trên.
© Ảnh : TTXVNÔng Nguyễn Đức Chung.
Ông Nguyễn Đức Chung.
© Ảnh : TTXVN
Ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với các vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư; làm trái quy định về đấu thầu.
Ông Nguyễn Thế Hùng và ông Nguyễn Doãn Toản (nguyên Phó chủ tịch UBND thành phố); ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND thành phố, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và ông Hà Minh Hải, Phó chủ tịch UBND thành phố, nguyên Giám đốc Sở Tài chính, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự Đảng UBND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021 và chịu trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
© Ảnh : TTXVNĐồng chí Nguyễn Thế Hùng.
Đồng chí Nguyễn Thế Hùng.
© Ảnh : TTXVN
Ông Nguyễn An Huy, Chánh Thanh tra thành phố chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm, khuyết điểm trong quá trình thanh tra việc mua, quản lý, sử dụng chế phẩm Redoxy-3C.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vi phạm của các tập thể, cá nhân nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền Hà Nội.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Đảng ủy Cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020; cảnh cáo các ông Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn An Huy; khiển trách các ông Nguyễn Doãn Toản, Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Minh Hải.
© Ảnh : TTXVN phátĐồng chí Nguyễn Mạnh Quyền.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền.
© Ảnh : TTXVN phát
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự Đảng UBND thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Nguyễn Văn Tứ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo Ban cán sự UBND thành phố.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm, khuyết điểm có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.
Cơ quan này cũng yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý các tổ chức đảng và các cá nhân có liên quan theo thẩm quyền tại Sở Y tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông, Thanh tra, Văn phòng UBND Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Công ty Thoát nước Hà Nội.
Sau khi xem xét các kết quả giám sát, UBKT Trung ương nhận thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy các tỉnh Hà Nam, Hậu Giang có một số vi phạm, khuyết điểm, hạn chế trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, công tác cán bộ; thiếu kiểm tra, giám sát để BCSĐ, UBND tỉnh và một số tổ chức, cơ quan, đơn vị có những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản (ở Hà Nam) và trong công tác quản lý, thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh (ở Hậu Giang).
UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang và các đảng viên được giám sát nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục, sửa chữa những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra.
Qua giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng một trường hợp ở tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã yêu cầu xem xét, kết luận, thi hành kỷ luật một số tổ chức đảng và đảng viên có liên quan.
Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định một số nội dung quan trọng khác.