Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Đăng ký
Hàng nghìn doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành đối thoại với Thủ tướng Phạm Minh Chính trong ngày hôm nay (26/9) để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng tiếp tục đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn
Ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tham dự hội nghị tại trụ sở Chính phủ cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính có các Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tổ chức, các thành phần kinh tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, tổ chức và 1.200 đại biểu đại diện doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp tại các địa phương.
Hiện nay, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách liên tiếp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Theo số liệu thống kê kinh tế – xã hội tháng 8/2021 do Tổng cục Thống kê công bố, số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới. Cụ thể, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng có tới 85.500 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Đáng chú ý, trong số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, có 43.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9%; 30.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5% và 12.200 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 10.700 doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, các chỉ tiêu về số doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký, số lao động trong tháng 8 đều giảm mạnh so cùng kỳ năm 2020.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đến nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
“Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ cũng đã có nhiều cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, khảo sát khó khăn của doanh nghiệp để có những thông tin và những chỉ đạo kịp thời. Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
© Ảnh : Dương Giang-TTXVNThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19
© Ảnh : Dương Giang-TTXVN
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; Nghị định số 54/2021/NĐ-CP về đánh giá sơ bộ tác động môi trường; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chia sẻ phương hướng thời gian tới, ông Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
“Nếu chỉ tập trung chống dịch thì chúng ta hết nguồn lực; ngược lại, chỉ tập trung phát triển kinh tế, không có giải pháp chống dịch thì chúng ta không bảo vệ được sức khỏe của nhân dân”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề. Do đó, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.
Kiến nghị 6 nhóm giải pháp giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra những nhận định chung về việc triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao, góp phần giảm bớt những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu, giúp doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Theo báo cáo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về Nghị quyết số 105/NQ-CP, 91,5% doanh nghiệp được khảo sát đã biết đến Nghị quyết này; 81% doanh nghiệp cho biết chính sách tại Nghị quyết là kịp thời; 89% nhận thấy các mục tiêu của Nghị quyết là phù hợp; 81,4% cho biết, các nhiệm vụ giải pháp sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả.
Tuy nhiên, kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp chỉ ra rằng, vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai của một số chính sách còn khá cứng nhắc, thiếu thống nhất ở một số địa phương, gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.
Cùng với đó, tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Đặc biệt, vấn đề các doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị nhiều nhất là việc khẩn trương có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để doanh nghiệp có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ và cơ quan thường trực của Tổ công tác, Bộ trưởng KH&ĐT đã đề xuất 6 kiến nghị:
- Các bộ, ngành, địa phương nêu cao tinh thần, trách nhiệm, thực hiện nghiên cứu các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về các chính sách, giải pháp về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực của Nhà nước và doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương rà soát, sửa đổi điều kiện, quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
- Bộ Y tế khẩn trương ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch, trong đó, cần có hướng dẫn cụ thể điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới để các địa phương và doanh nghiệp áp dụng trong thực tế.
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của các tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương.
- Bộ KH&ĐT khẩn trương trình Chính phủ xem xét, ban hành Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phục hồi.
- Với các địa phương, cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phục hồi kinh tế, kế hoạch mở cửa trong tình hình mới; cùng với doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, thống nhất phương án, điều kiện tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của doanh nghiệp; hạn chế tối đa đóng cửa toàn nhà máy.
- Về phía cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội, trong bối cảnh càng khó khăn thì càng phải nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp cần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau, tương thân tương ái, hợp tác chia sẻ, ví dụ như chia sẻ đơn hàng, hàng đổi hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của nhau, mua hàng trả chậm.
Bên cạnh đó, cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp trên nền tảng số, thông qua chuyển đổi số; nâng cao năng suất, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc giữ chân người lao động, sắp xếp, cơ cấu lại lao động hợp lý; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, đổi mới thiết bị, mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới, giải pháp mới trong sản xuất kinh doanh; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.