Thứ trưởng Bộ Y tế: mở cửa phát triển kinh tế, y tế vẫn là ngành nặng nhất
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVNÔng Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi lễ tiếp nhận số thiết bị, vật tư y tế do Chính phủ Ba Lan tặng Việt Nam
© Ảnh : Xuân Khu-TTXVN
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ về việc Trung ương rút quân khỏi TP.HCM và những thay đổi của ngành y trong thời gian tới. Ông Sơn khẳng định: "Mở cửa kinh tế, ngành y cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu”.
Tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam: Số ca nhiễm thở máy ở TP.HCM giảm
Thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đến chiều ngày 26/9, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP HCM cho biết, hiện Thành phố đang điều trị 39.208 bệnh nhân.
Trong đó, số bệnh nhân nặng đang thở máy ngày càng giảm, đến ngày 25/9 còn 1.918 trường hợp. Trong ngày ghi nhận 131 trường hợp tử vong.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 756.689 ca mắc COVID-19, đứng thứ 44/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 154/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.689 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 752.185 ca, trong đó có 522.747 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (371.660), Bình Dương (200.196), Đồng Nai (45.667), Long An (31.789), Tiền Giang (13.787).
Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.321 ca, trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 213 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.584 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19: Tổng số liều vaccine COVID-19 đã được tiêm là 38.367.246 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.420.963 liều, tiêm mũi 2 là 7.946.283 liều.
TP.HCM sẽ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến, ngành y tế sẽ vất vả khi mở cửa
Ngày 26/9, trao đổi với lãnh đạo Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trong thời gian tới, khi TP.HCM mở cửa, ngành y tế sẽ có nhiều thay đổi.
Cụ thể, sau ngày 30/9, TP.HCM sẽ có kế hoạch đảm bảo sự an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng, chống dịch. Để chuẩn bị cho giai đoạn này, trước mắt, ngành y tế sẽ phải tái cơ cấu lại hệ thống các trung tâm hồi sức, bệnh viện dã chiến theo tình hình chung trong công tác phòng, chống dịch của của thành phố.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết trong quá trình rút lực lượng chi viện, đơn vị Trung ương sẽ dần chuyển giao công việc cho các bệnh viện tầng cao của thành phố.
Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ phải tính toán kỹ bệnh viện nào có thể “rút quân” và trên tinh thần hỗ trợ từ các bệnh viện địa phương, Trung ương có thể sẽ rút từ từ. Trong quá trình rút quân, các đơn vị này phải chuyển giao cho các bệnh viện của TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh:
“Chắc chắn các bệnh viện tầm cao của thành phố sẽ là những đơn vị chủ yếu tiếp nhận chuyển giao từ các tuyến trung ương. Tuy nhiên, tôi cũng phải khẳng định một điều là khi mở cửa để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa..., thì y tế vẫn là ngành nặng gánh nhất. Do đó, về mặt y tế cần phải làm rất kỹ, để làm sao có một khoảng thời gian gối đầu”.
Phát biểu tại họp báo định kỳ cung cấp thông tin tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM vào chiều 26/9, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết thành phố sẽ thu hẹp dần quy mô điều trị từ nay đến cuối năm:
"Quan điểm về phòng, chống dịch của ngành y tế thành phố là tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, như vậy, tùy theo tình hình thực tế tại thành phố mà Sở có kế hoạch thu hẹp, tháo dỡ các bệnh viện dã chiến", bà Mai nói.
© Ảnh : TTXVNCác y, bác sỹ tổ chức một đêm hội Trung thu cho trẻ me tại Khu bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bình Dương)
Các y, bác sỹ tổ chức một đêm hội Trung thu cho trẻ me tại Khu bệnh viện dã chiến Thới Hòa (Bình Dương)
© Ảnh : TTXVN
Cụ thể, bà Mai cho biết hiện tại, các bệnh viện ở vùng xanh sẽ chuyển đổi về đúng công năng khám, chữa bệnh cho người dân không phải Covid-19.
Trong đó có 2 cơ sở y tế đang chuyển đổi là Bệnh viện Đa khoa quận 7 và Bệnh viện Đa khoa huyện Củ Chi. Đồng thời, các cơ sở thu nhận bệnh nhân Covid-19 được xây dựng từ trường học sẽ thu hẹp trước để trả lại cơ sở hạ tầng.
"Với bệnh viện dã chiến khác, khi các đơn vị này hoàn thành sứ mệnh của họ, nghĩa là đến khi không còn bệnh nhân thì Sở sẽ có kế hoạch thu hẹp dần dần từ nay đến hết tháng 12/2021", bà Mai cho biết.
Những bệnh viện dã chiến giữ lại sẽ được cơ cấu lại thành bệnh viện 3 tầng. Trong đó, ưu tiên giữ lại các bệnh viện dã chiến gắn kết với Trung tâm hồi sức Covid-19, hiện tại có 3 cơ sở là Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 13, 14 và 16.
Những bệnh viện khác, tùy theo việc hoàn thành sứ mệnh mà Sở Y tế TP.HCM thu hẹp quy mô.