Bất ổn về pháp lý trong vụ cưỡng chế người đi xét nghiệm Covid-19
17:32 29.09.2021 (Đã cập nhật: 15:19 11.10.2021)
© Ảnh : TTXVN - Phan Tuấn AnhCông an kiểm tra giấy đi đường và giấy phép vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các phương tiện vận tải
© Ảnh : TTXVN - Phan Tuấn Anh
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Bí thư Thành ủy TP Thuận An (Bình Dương) yêu cầu phường Vĩnh Phú giải trình sau khi xem video lực lượng chức năng phá cửa, cưỡng chế một người phụ nữ đi test Covid-19.
Lực lượng "hơi nóng vội và mạnh tay"
Những ngày qua mạng xã hội lan truyền video hơn 2 phút ghi cảnh thợ phá khóa cửa, cảnh sát ập vào khống chế một phụ nữ. Phía trong căn hộ vọng ra tiếng khóc lớn của trẻ em. Trong video, người phụ nữ nói "đang bận làm việc". Sau đó, người phụ nữ bị đưa xuống sảnh chung cư và yêu cầu phải test Covid-19. Lúc này, một người trong nhóm phá cửa căn hộ nói:
“Tôi lập biên bản xử phạt chị bây giờ, chị chống người thi hành công vụ hả?”.
Sự việc được xác định xảy ra tại Chung cư Ehome 4, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, Bình Dương, vào sáng 28/9. Lên tiếng về vụ việc, bà Nguyễn Thị Ngọc Châu, Chủ tịch UBND Phường Vĩnh Phú, cho biết đoàn cưỡng chế do ông Võ Thanh Quan (Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban phòng, chống dịch phường) dẫn đầu làm việc. Theo bà Châu, do người phụ nữ nhất quyết không chịu ra khỏi nhà để test Covid-19 theo yêu cầu của lực lượng y tế, Ban quản lý tòa nhà nghi ngờ người này có vấn đề về sức khoẻ nên nhờ phường vào xem như thế nào.
Cho đến sáng nay 29/09, Bí thư Thành ủy Thuận An Huỳnh Thị Thanh Phương cho biết thành phố đã xem video về việc người dân bị cưỡng chế, đồng thời yêu cầu phường Vĩnh Phú báo cáo, giải trình vụ việc cụ thể hơn. Theo bà Phương, quan điểm của thành phố là cần phải lắng nghe cấp dưới giải trình, nếu phường làm sai thì sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Bí thư Thành ủy Thuận An nhận xét lực lượng của phường Vĩnh Phú "hơi nóng vội và mạnh tay" khi cưỡng chế người dân. Đồng thời cho rằng nếu người dân không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch của địa phương thì địa phương có quyền thực hiện các biện pháp theo quy định. Tuy nhiên, bà Phương cũng nói thêm:
“Chúng tôi rất khuyến khích người dân tự test tại nhà để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, việc lấy mẫu cộng đồng như thế này là để sàng lọc, kiểm tra, đánh giá mức độ, nguy cơ. Từ đó, chính quyền địa phương mới biết khu vực này có còn nguy cơ hay không, có thể trở thành “vùng xanh” được hay không”, bà Phương nói.
Theo bà Phương, việc lấy mẫu test không tốn nhiều thời gian của mỗi người, người dân chỉ cần bỏ ra vài phút là xong. Nếu ai cũng không chấp hành thì việc chống dịch sao có hiệu quả.
"Ở vụ việc này, nếu chị L. dương tính và để lây lan dịch bệnh thì nỗ lực trong suốt thời gian qua của địa phương sẽ trở nên vô nghĩa” - bà nói.
Người trong cuộc nói gì?
Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Phú là ông Võ Thanh Quan, người dẫn đầu đoàn của phường đến cưỡng chế người bà Hoàng Phương Lan đi test Covid-19 cho biết:
"Việc bà Lan tự test ở nhà phường không biết, nhưng bắt buộc phải test cộng đồng để phường nắm được tình hình của người dân", ông Quan nói và giải thích do bà Lan không phối hợp với lực lượng chức năng và vì lo lắng cho sức khỏe của người dân nên phường mới phải dùng biện pháp phá khóa cửa, xông vào nhà cưỡng chế.
Trong khi đó, Hoàng Phương Lan (người bị cưỡng chế) cho biết, thời gian gần đây mình hoàn toàn không đi ra ngoài, luôn ý thức việc phòng dịch một cách nghiêm ngặt. Ở nhà, bà Loan cũng tự test nhanh và cho kết quả âm tính.
"Nhà mình chỉ có 2 mẹ con, từ trước mình không có đi ra ngoài nhiều, thậm chí còn không đi chợ. Cho nên khi lực lượng chức năng đề nghị ra ngoài test thì mình có nói lại không muốn test cộng đồng mà mình muốn tự test. Mình lo lắng việc nhân viên y tế lấy mẫu không đảm bảo, có thể gây lây nhiễm nên không đi" - bà L nói.
Bà cho biết lúc bị đoàn kiểm tra ập vào nhà, bà có nói với đoàn là đang bận làm việc online. Lâu nay gia đình ở trong nhà, không đi ra ngoài, không tiếp xúc với ai nên không muốn đi xét nghiệm cộng đồng. Theo bà Lan việc cảnh sát phá cửa vào nhà khống chế bà đi xét nghiệm là sai.
"Cách đây hơn một tuần họ cũng đã tự ý vào nhà tôi lấy mẫu xét nghiệm", bà Lan nói.
Những bất ổn về mặt pháp lý trong vụ việc
Nhìn nhận về mặt pháp luật, Tiến sỹ Cao Vũ Minh, Giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Đại học Luật TP.HCM khẳng định, hành vi của người phụ nữ không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền là sai, đặc biệt là khi cơ quan nhà nước đã 02 lần yêu cầu nhưng chị không thực hiện. Đây là một vi phạm hành chính và bị xử phạt theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tuy nhiên, các cơ quan nhà nước có thể áp dụng việc xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với bà Lan. Nếu trong trường hợp sau khi bị xử phạt mà chị này tiếp tục không thực hiện xét nghiệm thì lại cấu thành một vi phạm hành chính mới. Lúc này cơ quan nhà nước lại xử phạt về hành vi trên với mức tiền phạt tối đa là 3.000.000 đồng vì có tình tiết tăng nặng. Tiến Sỹ khoa Luật của Đại học Luật TP.HCM nêu quan điểm:
"Cách làm của các chủ thể mang quyền lực tại phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương trong trường hợp trên là rất bất ổn cả dưới góc độ nội dung lẫn thủ tục pháp lý".
Về nội dung, theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP thì hành vi của chị chỉ có thể bị phạt tiền mà không thể bị cưỡng chế để bắt buộc đi test nhanh. Hành vi của chị này cũng không phải là “gây rối trật tự công cộng (nhà của chị không phải là nơi công cộng) hay gây thương tích cho người khác” nên cũng không thể tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Một khi không thể tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì cũng không thể áp dụng biện pháp áp giải người vi phạm. Điều 122 và 124 Luật Xử lý vi phạm hành chính hoàn toàn không cho phép làm việc này.
Về thủ tục, việc mở khóa xông vào nhà và cưỡng chế người đi test nhanh không tìm thấy trong bất cứ một văn bản pháp luật nào về xử lý vi phạm hành chính và trong các quy định liên quan đến phòng chống dịch. Hiện nay, pháp luật chỉ quy định về biện pháp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo giảng viên Minh, con người ý thức được tầm quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của mình. Do đó, các cơ quan nhà nước cần đề cao tư duy “đức chủ - hình bổ”. Trước hết hãy thuyết phục, vận động người dân tham gia test hoặc hướng dẫn, phát các kit test miễn phí cho họ.
"Sự cưỡng chế chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng nhằm răn đe người vi phạm', Tiến sỹ Minh cho hay.