VTV ‘dọn rác’ vụ hotgirl cởi đồ khoe thân, tin giả, clip, MV phản cảm, tục tĩu
17:24 30.09.2021 (Đã cập nhật: 17:37 30.09.2021)
© Depositphotos.com / RasulovSTV.
© Depositphotos.com / RasulovS
Đăng ký
Không chỉ nạn tin giả, hotgirl livestream cởi đồ, nude, khoe thân tục tĩu, quảng cáo sai sự thật, bản rap diss Tượng của Rhymastic, Torai9, Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của Phí Phương Anh, Lái máy bay của Bình Gold đều được VTV điểm mặt là ‘rác’.
VTV cho rằng, những thứ rác nguy hiểm nhất trên không gian mạng chính là tin tức giả, fake news, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, văn hóa rẻ tiền, khoe thân, livestream câu view, phát ngôn tục tĩu, sản phẩm nghệ thuật dơ bẩn, gây ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ người dùng mạng.
‘Rác mạng’: Nguy hiểm nhất là gì?
Chương trình Đối diện: Dọn rác trên không gian mạng phát sóng trên VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam ‘gây sốt’ dư luận khi liệt kê hàng loạt những chủ đề nóng của xã hội thật và ảo trong nước hiện nay.
“Trong thời đại bùng nổ thông tin, sự vô tình hay thậm chí là cố ý của một thiểu số người dùng mạng xã hội khi lan truyền thông tin sai trái, phát tán hình ảnh phản văn hóa, hay những nội dung tục tĩu đội lốt sản phẩm "văn hóa nghệ thuật", đang làm lây lan virus độc hại trên không gian mạng. Muôn hình vạn trạng, nhưng có thể đặt một cái tên chung: rác mạng”, BTV Quang Anh mở đầu phóng sự.
Theo VTV, ‘rác mạng’ độc hại nhất chính là những tin tức phản động được tung ra bởi các thế lực chính trị thù địch, lợi dụng bối cảnh đất nước gặp khó khăn để kích động lòng dân, gây bất ổn xã hội, suy giảm lòng tin.
Các đối tượng tung tin giả, cắt ghép, livestream lên các mạng xã hội chỉ trích chiến lược chống dịch của Đản, Nhà nước, xuyên tạc, bóp méo hình ảnh của các lực lượng Công an, Quân đội, y bác sĩ – chia rẽ họ với nhân dân, chia rẽ giữa người dân với người dân, người dân với chính quyền.
“Và cái đích cuối cùng mà chúng nhắm đến chính là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, kích động nhằm tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng”, VTV khẳng định.
VTV đăng loạt hình ảnh, caption từ “hệ thống tin giả” của các thế lực phản động và chỉ rõ rằng, khi chính quyền giúp nhân dân miền Trung trong thiên tai lũ lụt –chỉ trích, khi đất nước tổ chức những sự kiện lớn – xuyên tạc, những hiện tượng cá biệt được thổi phồng về bản chất của chế độ, xuất phát từ các đối tượng lưu vong, cơ hội chính trị, các báo đài “không có thiện cảm với Việt Nam”.
“Những luận điệu chống phá như thế này cứ ra rả trên không gian mạng, đều đặn từ nhiều năm nay, trở thành một thứ rác trên mạng xã hội”, VTV khẳng định và cap màn hình bằng hình ảnh Facebook của “Người buôn gió”, “Hội anh em Dân chủ”.
Cũng theo VTV, không chỉ những đối tượng phản động, thù địch, cơ hội chính trị không ngừng chống phá phát tán virus độc hại. Trong thế giới phẳng, ai cũng có thể xả rác lên mạng, dù vô tình hay cố ý. Phổ biến nhất là tin giả.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng một trung tâm xử lý tin giả trên internet để xử lý những thông tin giả mạo.
Về thủ đoạn, tin giả ngày một tinh vi hơn, VTV chỉ rõ. Người ta còn xây dựng các Fanpage giả mạo tổ chức, cơ quan nhà nước như Fanpage Ban Tuyên giáo Trung ương, hay Bộ Công an, giả mạo các phát ngôn của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành nọ địa phương kia.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch phức tạp như hiện nay, tin giả lại mọc lên “như nấm sau mưa”. Kẻ tung tin giả lợi dụng tâm lý hiếu kỳ, chú ý tới những tin tức tiêu cực, giật gân hơn là tích cực của đám đông, đánh vào sự lo lắng bất an, cả lòng trắc ẩn của cộng đồng trong dịch bệnh.
Điển hình như các vụ giả mạo văn bản chỉ đạo phòng chống dịch của Thành phố Hải Phòng, hay tung tin Đà Nẵng có 300 ca F0 tại khu công nghiệp đến từ admin một nhóm ăn vặt tại Đà Nẵng trên Facebook…
VTV cũng chỉ ra những người đứng sau những “Fake news” mang âm mưu phá hoại chế độ của Việt Nam như Nguyễn Văn Đài, Lê Trung Khoa, Việt Tân, Nhật ký yêu nước, RFA, BBC xây dựng một hình ảnh Việt Nam “chưa bao giờ tốt đẹp”.
Trung tá Hồ Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa sau Đại học, Học viện An ninh nhân dân đề nghị phải tăng cao sức cảnh giác, đề phòng các luận điệu xuyên tạc, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để tạo miễn dịch và nâng cao ý thức của nhân dân.
Fake news từ chính người nổi tiếng
Chương trình của VTV chỉ ra thực tế có rất nhiều nội dung “không phù hợp” với thuần phong mỹ tục, văn hóa Việt Nam nhưng lại đội lốt “nghệ thuật” và cá tính nghệ sĩ.
Đó còn chưa kể đến hiện tượng người nổi tiếng, nghệ sĩ, những cá nhân có ảnh hưởng đến công chúng, dư luận, đăng tin giả, phát ngôn sai sự thật, những hotgirl tự phong tìm mọi cách để câu like, kiếm view, hám fame, đòi danh vọng rẻ mạt bằng cách tự cởi đồ, khoe thân, nude, sexy qua livestream, đăng hình ảnh, clip phản cảm dung tục.
Qua phóng sự của VTV, dư luận nhận thấy, hiện tại, có một bột bộ phận không người dùng mạng xã hội từ Facebook, Youtube, Zalo, Instagram…đã lan truyền thông tin sai trái, phát tán hình ảnh phản văn hóa, kể cả những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng nhất định. Thậm chí có nhiều nội dung tục tĩu đội lốt sản phẩm văn hóa nghệ thuật, tác động đến nhận thức lệch lạc của một lượng khán, thính giả, độc giả và đối tượng tiếp nhận.
Điển hình như, VTV dùng hình ảnh từ bài đăng Instagram của người đẹp Angela Phương Trinh về “giun đất (địa long) chữa Covid-19” đến post Facebook gây tranh cãi của nữ diễn viên Lê Thị Bê La. Đây là các tin giả sai sự thật gây hoang mang, ảnh hưởng đến dư luận xã hội.
“Có những người trong đó có cả những người nổi tiếng bỗng trở thành chuyên gia điều trị Covid-19 với những bài thuốc có thành phần rất mỹ miều là địa long hay dân gian gọi là giun đất”, chương trình của VTV bình luận.
Ở thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các tin giả xung quanh việc dùng địa long (giun đất) chữa trị khiến nhiều người thiếu hiểu biết dễ dàng tin theo, tiền mất tật mang, trong khi Bộ Y tế đã lên tiếng phủ nhận, như Sputnik Việt Nam đã đưa tin trước đó.
BS. Trần Phúc, Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, những tin giả về cách điều trị Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, những bài thuốc trôi nổi cực kỳ nguy hiểm với sức khỏe người dân.
Trong một số trường hợp, nếu uống vào, có nguy cơ rơi vào tình trạng ngộ độc, nguy cơ bệnh tật nặng lên rất lớn.
“Đây là hồi chuông cảnh báo với những người vì quá sợ hãi Covid-19 mà nghe những thông tin không chính thống dẫn tới ảnh hướng đến sức khỏe của chính bản thân mình cũng như của cộng đồng”, BS. Trần Phúc nhận định.
Sốc, độc, hở, dị: ‘Rác văn hóa’
VTV điểm lại những đối tượng giang hồ, cộm cán, “ở trại giam nhiều hơn ở nhà”, đột nhiên lột xác thành những ngôi sao qua những phim ngắn, video ca nhạc cổ súy thói ăn chơi sa đọa, đánh đấm, chém giết, suy tôn lối sống giang hồ vô pháp luật, gây ra nhận thức lệch lạc.
Không chỉ thế, ngày nay, người ta còn lên mạng dạy trẻ em đủ trò quái đản, thử thách nguy hiểm đến tính mạng với vô số clip “sốc, sến, hở, độc, dị”.
“Có lẽ chưa bao giờ, trào lưu chửi tục, lăng mạ nhau trên mạng xã hội lại rầm rộ đến thế”, VTV nhận định.
Theo đó, vòng xoáy này còn cuối theo cả những người được cho là nghệ sĩ hoặc có chút nổi tiếng. Từ hot girl, cho đến người mẫu, diễn viên, ca sĩ, có ảnh hưởng trong xã hội, xuất hiện cùng những dòng trạng thái tục tĩu, những buổi livestream cởi đồ khoe thân, rồi lấy lý do vạch trần bộ mặt thật để chửi bới, lăng mạ, công kích cá nhân.
Dẫn ra ví dụ về một cựu siêu mẫu nổi tiếng với việc livestream phát ngôn những lời lẽ khá thô tục, vô văn hóa và một nam ca sĩ hạng A cũng được đưa hình ảnh để minh họa cho câu chuyện này.
“Đáng báo động, những clip này có hàng chục nghìn người theo dõi. Theo sau họ là vô số lời nói tục, chửi thề, phát ngôn gây sốc, những bình luận miệt thị tạo nên đống rác ngôn từ khổng lồ, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường mạng”, BTV của VTV cho hay.
VTV cũng tiếp tục đề cập đến những clip hở hang, dung tục của các hot girl mạng núp bóng dưới những clip dạy nấu ăn, nội trợ, phản cảm.
Hay cả lĩnh vực âm nhạc, vốn đẹp đẽ cũng bị biến thành thứ xấu xa, bẩn thỉu.
“Đừng biến nó thành “vũ khí” để thóa mạ lăng nhục nhau rồi đội lốt "sản phẩm âm nhạc", bởi âm nhạc là phải đẹp”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã phải ngán ngẩm thốt lên.
NSƯT, ca sĩ Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng cho rằng, những lời hát tục tĩu như thế còn không bao giờ được phát ngôn bởi những người bình thường khi chúng ta nói chuyện với nhau ở quán cà phê, huống hồ là lên đại chúng, YouTube và các kênh truyền thông.
“Quá tồi tệ. Ảnh hưởng sâu sắc đến một thế hệ mới. Đến bản thân chúng ta còn không nghe được, quá phản cảm, chúng ta không thể hình dung điều gì sẽ xảy ra với thế hệ tiếp theo”, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long nhận định.
Trong phóng sự của VTV, các ca khúc như Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của Phí Phương Anh, Lái máy bay của Bình Gold, hay bản rap diss Tượng của Rhymastic và Torai 9 cũng bị điểm là ‘rác âm nhạc’ cần phải loại bỏ.
“Thậm chí âm nhạc còn trở thành công cụ để đả phá, mạt sát lẫn nhau. Điển hình là trận chiến nảy lửa giữa 2 rapper nổi tiếng là Torai9 và Rhymastic cuối năm ngoái”, VTV điểm lại.
Sáng 30/9, Rhymastic - Vũ Đức Thiện đã có động thái phản ứng lại chương trình của VTV và cho biết, ghi nhận ý kiến của Đài truyền hình Việt Nam về việc dùng từ Cave trong ca khúc Tượng.
Theo Rhymastic, ban đầu định chơi chữ với từ “động” nên có sử dụng từ này do tiếng Anh mang ý nghĩa là “hang động”. Tuy nhiên khi dịch ra tiếng Pháp, từ này lại được coi là rác. Nam rapper cũng gửi lời cảm ơn đến VTV khi đã phản ánh kịp thời như vậy.
Ở phần bình luận, Rhymastic cho rằng, “người nhà đài” ở VTV không giống người bình thường mà toàn bên “Phật pháp”, không mày tao hay dùng từ bậy bao giờ.
“Họ ở khác tầng mình”, Rhymastic bình luận.
Tuy nhiên, bài đăng và bình luận của Rhymastic nhận về nhiều ý kiến trái chiều và hiện vẫn được thảo luận rộng.
Cuối chương trình Đối diện: Dọn rác trên không gian mạng của VTV, câu hỏi đặt ra đáng để suy ngẫm là liệu sự phát triển của mạng xã hội quá nhanh trở thành thách thức, khó khăn với công tác quản lý hay chăng nhất là trong bối cảnh thế giới phẳng, không gian mở, nhận thức tự do và cổ súy phát ngôn tự do như hiện nay.