Gặp chàng "phù thuỷ” hồi sinh xe đạp cũ cho học sinh nghèo
Hàng nghìn chiếc xe đạp cũ, bị xếp xó trong thời gian dài, qua bàn tay khéo léo và tâm nguyện của chàng trai Trần Quyết Thắng đã trở thành món quà vô giá cho học sinh, người tàn tật có hoàn cảnh khó khăn trên mọi miền đất nước.

Đó cũng là nội dung dự án “Hồi sinh xe đạp” (Rebike for kids – R4K), sáng kiến của anh Trần Quyết Thắng ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Ý tưởng bắt nguồn từ dịch Covid-19
Với tốc độ đô thị hóa chóng mặt hiện nay tại Việt Nam thì xe đạp, phương tiện quen thuộc, là hình ảnh đẹp trong hoài niệm của nhiều người nhưng dần bị "lãng quên” hay thay thế bằng những chiếc xe máy, xe đạp điện tiện dụng.
Không ngần ngại vượt hàng nghìn cây số để xin xe đạp cũ, mang về Hà Tĩnh sửa chữa, "khoác bộ áo mới” cho phương tiện được coi là "cổ lỗ sĩ” này, Trần Quyết Thắng thực hiện ý tưởng của mình bằng cả trái tim.

“Ý tưởng hồi sinh xe đạp được ra đời vào đầu tháng 5/2020. Lúc đó mình quay lại với bộ môn đạp xe thể dục, do tất cả các trung tâm, nơi luyện tập thể dục thể thao bị đóng cửa do dịch Covid-19. Quá trình đạp xe mình mới để ý đến những đứa trẻ đội mưa nắng đi bộ đến trường học, rồi cũng tình cờ nghĩ rằng, sẽ có những chiếc xe cũ, hỏng ai đó bỏ đi thì mình có thể xin được những chiếc xe đó để về tân trang, sửa chữa. Nghĩ là làm và mình đăng tin lên mạng xã hội về ý tưởng này và được mọi người hưởng ứng ngay lập tức. 2 chiếc xe được tặng lại cho mình từ 1 thầy giáo sau khi đọc được đoạn thông tin xin xe đạp. 2 chiếc xe đầu tiên xin được vào ngày 1/5/2020".
Tâm sự với Sputnik về ý tưởng dự án R4K, anh Trần Quyết Thắng chia sẻ.
Khi mới bắt tay vào dự án, anh Thắng mới biết sửa xe không hề dễ dàng. Những chiếc xe đầu tiên mà anh Thắng sửa thậm chí còn không đi được. Anh lại bắt đầu đi học sửa xe và dần thành thạo. Khi được hỏi về lý do tại sao anh Thắng lại chọn cách "hồi sinh” xe đạp cũ mà không phải là mua xe mới tặng cho học sinh nghèo, anh Thắng cho biết:
“Khi ý tưởng về chiếc xe đạp nảy ra, mình nghĩ cách phải khôi phục nó không đơn giản chỉ là đi được mà phải làm nó như mới, thực tế thì xe mình làm ra mọi người đều ngạc nhiên vì nó giống vừa được mua trong tiệm. Có thế khi tặng thì học sinh mới tự tin đi chiếc xe đó, vừa đảm bảo an toàn, vừa đẹp mắt. Và tất nhiên để làm đc chiếc xe như thế thì sẽ tốn kém cả thời gian, công sức, kinh phí. Nhưng đổi lại sẽ nêu được thông điệp đến với mọi người là tái chế, tái sử dụng và chia sẻ. Trong khi đó, rất nhiều xe đạp cũ, hỏng không còn sử dụng đến lại đang nằm lãng phí ở đâu đó, ngay cả các vùng nông thôn, thì số lượng mình xin được cũng rất nhiều. Vì thế Mình đánh giá việc xin xe cũ là rất tiềm năng".
Tự nhận mình là người có lối sống tối giản và tránh lãng phí mọi vật dụng, anh Thắng cũng thường sửa chữa máy tính cũ, hay gom sách giáo khoa tặng lại cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Theo anh Thắng, như vậy giá trị của những đồ vật mới được tận dụng tối đa, giúp bảo vệ môi trường, tiết kiệm tiền của và nếu tặng lại cho người khác còn mang thêm giá trị chia sẻ.

Nếu trao quà, tiền mặt cho các học sinh, thực ra mình không thích phương án này, thứ nhất mình không có quá giàu có, thứ hai nếu mình có vận động mọi người quyên góp rồi tặng lại học sinh, thì thực ra đây là việc nhiều người đã và đang làm, mình không thấy có gì hay ở cách làm này. Còn tặng cho học sinh một chiếc xe thì giúp cho quãng đường đi học ngắn lại, nó bớt bỏ học đi, vui vẻ đến trường hơn.
Anh Trần Quyết Thắng cho biết thêm.
Sức lan tỏa mạnh mẽ của dự án cộng đồng

Hơn một năm thực hiện dự án R4K, rất nhiều tổ chức, cá nhân tham gia công việc xin xe đạp cũ để gửi lại dự án. Ngoài ra, nhiều nhóm từ thiện cũng áp dụng cách làm mà R4K giới thiệu để tạo nên những chiếc xe đạp hồi sinh tặng học sinh đi học. Thông điệp về tái chế, tái sử dụng, giảm rác thải được nhiều người biết đến. Anh Trần Quyết Thắng, chủ dự án R4K chia sẻ thêm với Sputnik:
"Đến thời điểm này, đã có hơn 1000 em học sinh được nhận xe đạp R4K. Hơn 20 người khuyết tật được nhận xe lăn hồi sinh. Xe lăn cũng là một sản phẩm mà R4K thực hiện. Xe lăn cũ được mua từ bãi phế liệu hoặc xin lại của những gia đình không còn dùng tới, dự án R4K làm mới chúng và cũng trao tặng lại cho những người khuyết tật nghèo khó".
Không có con đường dẫn tới thành công nào trải đầy hoa hồng, đối với dự án R4K cũng vậy. Để đạt được kết quả như ngày hôm nay, anh Trần Quyết Thắng phải làm quen từ những thứ nhỏ nhất như học sửa xe.
Mới đầu thì mình chưa biết cách sửa xe nên phải đi học hỏi. Biết sửa rồi thì phải nghĩ cách để xây dựng thành quy trình công nghiệp, giảm bớt nhọc nhằn, làm việc nhanh và hiệu quả hơn. Hiện tại khó khăn là nguồn xe cũ, bởi mỗi nhà có một vài chiếc, trong khi đó dự án R4K vẫn còn ít người biết đến, đăng tin bài lên mạng xã hội thì được một bộ phận nhỏ tiếp cận thôi. Nên nhiều khi muốn làm lắm mà không có xe cũ thì đành chịu.
Chủ dự án R4K tâm sự với Sputnik.
Thành công của dự án R4K không nằm ở tiền bạc hay vật chất mà là việc xây dựng một dự án cộng đồng có tính lan tỏa nhất định. Đánh giá về điều này, anh Trần Quốc Thắng, chủ dự án R4K cho biết:

“Thành công của R4K có được là có lẽ nhờ vào chuyện mà cả thế giới đang quan tâm là môi trường. Con người đang sử dụng nhiều tài nguyên quá mà không tìm cách tái chế. Ngoài ra, Việt Nam là nước còn nghèo, việc đến trường của học sinh vẫn còn nhiều vất vả, không được bố mẹ đưa đi học, không có xe bus đưa đón, trẻ em phải đi bộ đến trường. R4K ra đời giải quyết được 2 bài toán khó là giải quyết việc đi học của học sinh và vấn đề tái sử dụng những chiếc xe đạp cũ giúp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, mình có mong muốn đưa hoạt động sửa xe vào trường học để học sinh học thêm kỹ năng sửa chữa, giáo dục học sinh về tái chế và chia sẻ giúp đỡ các bạn học sinh khác”.

Tiếp tục "hồi sinh” vì một cộng đồng bền vững

Là người có nhiều ý tưởng và hoạt động cộng đồng từ năm 2014, anh Thắng cho biết song song với hoạt động của R4K, anh sẽ khởi động lại lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho trẻ em tại miền Trung, hiện đang bị gián đoạn cho dịch Covid-19.
Khi dịch chưa bùng phát,Việt Nam đón rất nhiều du khách quốc tế. Đối tượng mình biết và tiếp cận nhiều là khách du lịch trẻ tuổi, họ vừa tốt nghiệp đại học, đến Việt Nam họ thường đi phượt bằng xe máy xuyên Việt. Nhà mình kinh doanh khách sạn, phần lớn khách nước ngoài chọn khách sạn nhà mình để ở. Khi họ ở đây thì mình nảy ra ý tưởng là kết nối, tạo ra các câu lạc bộ học tiếng anh cho học sinh ở nông thôn.
Cả 2 đối tượng đều rất muốn gặp gỡ nhau, học sinh thích học Tiếng Anh mà không có môi trường, đến trung tâm thì quá đắt đỏ, trong khi du khách lại rất muốn được tiếp xúc với người địa phương. Vì thế sau một thời gian ngắn, mình cũng đã tạo nên được phong trào giao lưu văn hóa rộng lớn trải dọc Việt Nam bằng cách tìm kiếm và thiết lập nên các điểm mà ở đó du khách được ở miễn phí, nhưng đổi lại họ phải dành thời gian chơi với tụi nhỏ, giúp tụi nó học hành... Hiện tại dịch bệnh khiến du khách đến Việt Nam chững hẳn, nhưng mình sẽ tiếp tục với công việc này khi mọi thứ được bình thường trở lại.
Anh Trần Quyết Thắng cho biết.
Không dừng lại ở đó, làm thế nào để giúp người dân miền Trung mùa mưa lũ cũng nằm trong kế hoạch của anh Thắng.
“Mình còn một ý tưởng khác là lập đội cứu hộ thiên tai khẩn cấp. Năm ngoái mình đã khởi xướng nhưng chưa làm được. Về ý tưởng này là thành lập đội cứu hộ được trang bị đủ phương tiện, thiết bị như cano, thiết bị cấp cứu, y tế, đc đào tạo kỹ năng cho những người thực hiện. Khi có vấn đề về tai nạn đuối nước hoặc khi lũ lụt lên thì sẽ có đội cứu hộ thiên tai khẩn cấp có mặt kịp thời ứng cứu. Đội này còn có chức năng vận chuyển hàng hóa đến các vùng bị ngập lũ. Việc xây dựng ý tưởng này đã được họp bàn nhưng vẫn còn bỏ ngỏ đó vì thiếu nhân sự”.
Anh Trần Quyết Thắng.
Năm 2020, anh Thắng đã kêu gọi mua được hơn 130 cano rải đều cho các tỉnh thường xuyên chịu mưa lũ tại miền Trung. Với số cano này, năm nay nếu có lũ thì mọi người đã có cano máy đi ứng cứu người dân vùng lũ. Mong rằng, những dự án xây dựng dựa trên tình yêu và nhiệt huyết, sẽ được nhân rộng và tiếp tục phát triển.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала