Lỗi tại ai: Những nguyên nhân nào có thể gây ra sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm ở Cà Mau?
© Ảnh : TTXVN phátCầu Cái Đôi Vàm có tổng mức đầu tư trên 54 đồng (trong đó giá trị xây lắp hơn 30 tỷ đồng), từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Cà Mau
© Ảnh : TTXVN phát
Đăng ký
Liên quan vụ sập cầu Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau, Chủ tịch tỉnh Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch Lâm Văn Bi đã yêu cầu dừng thi công, lập tổ điều tra đặc biệt, nhanh chóng giám định nguyên nhân sự cố lún trụ giữa.
Chuyên gia nêu khả năng nguyên nhân gây ra vụ sập cầu Cái Đôi Vàm ở Cà Mau, theo đó, sơ bộ có thể do địa chất vùng Đồng bằng Sông Cửu Long yếu, bên dưới có tùi bùn, nhưng cũng không loại trừ lỗi do khâu thiết kế.
Dừng thi công, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ sập cầu Cái Đôi Vàm
Như Sputnik thông tin hôm qua, công trình cầu Cái Đôi Vàm ở Phú Tân, Cà Mau đang thi công, sắp xây xong thì bất ngờ bị sụp đổ do lún trụ giữa, rơi thẳng xuống sông.
Ngày 22/12, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau thông tin, Chủ tịch tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã có chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, UBND huyện Phú Tân, Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau phải khẩn trương hoàn thành việc giám định nguyên nhân sự cố sập cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm.
Chủ tịch Cà Mau yêu cầu phải điều tra nguyên nhân vụ sập cầu Đôi Vàm “trong thời gian sớm nhất”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cũng đã trực tiếp xuống hiện trường để kiểm tra, chỉ đạo sự việc.
Vị lãnh đạo đã yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư tập trung nguồn lực, trang thiết bị, trong thời gian sớm nhất xử lý sự cố công trình cầu Cái Đôi Vàm. Bên cạnh đó, phải xác định rõ nguyên nhân vụ sập cầu cũng như trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.
Chủ đầu tư công trình cầu Cái Đôi Vàm là Ban Quản lý dự án xây dựng công trình giao thông tỉnh Cà Mau cho hay, dự án được ký kết hợp đồng vào ngày 21/8/2019, thời gian hoàn thành theo hợp đồng là 450 ngày.
Đến đầu tháng 12/2021, việc thi công cơ bản hoàn thành phần cầu chính (hoàn thành mố, trụ, và mặt cầu).
Vào lúc 17h ngày 20/12, sau khi đóng cọc 3 tim cọc trụ chống va bên trái trụ T7 (trụ bị lún) thì công trình chưa xảy ra sự cố. Tuy nhiên, đến lúc 18h30, mặt cầu có hiện tượng nứt ngang mặt tại vị trí trụ T7. Lúc đó, nhà thầu xác định trụ cầu không bị lún.
© Ảnh : TTXVN phátCầu Cái Đôi Vàm bất ngờ bị lún phần trụ chính (trụ T7), đon gần giữa sông trước khi bị sụp hoàn toàn
Cầu Cái Đôi Vàm bất ngờ bị lún phần trụ chính (trụ T7), đon gần giữa sông trước khi bị sụp hoàn toàn
© Ảnh : TTXVN phát
Đến sáng 21/12 thì trụ T7 bắt đầu bị lún sâu khoảng 6,3 m, một nhịp cầu dài 33 m rơi xuống sông, một nhịp dài 18 m bị sụp một đầu xuống đất, 3 nhịp cầu 18 m bị lệch khỏi dầm cầu.
Trước đó, liên quan đến sự cố sập cầu Cái Đôi Vàm, UBND huyện Phú Tân đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, Công an huyện Phú Tân đến hiện trường.
Báo cáo ban đầu của UBND huyện Phú Tân nêu rõ, vụ sập cầu xảy ra khoảng lúc 9h15 ngày 21/12. Hiện trường cho thấy, trụ T7 gần như bị lún hoàn toàn và gãy 2 nhịp giữa của cầu. Tuy nhiên, nhờ có phà của công trình đang đậu ngay trụ T7 của cầu, nên chưa sập hoàn toàn nhịp giữa.
Đến khoảng 12h cùng ngày thì toàn bộ nhịp giữa cầu Cái Đôi Vàm bị sập hoàn toàn, nằm chắn ngang sông Cái Đôi Vàm, do sức chảy của dòng nước kết hợp với triều cường đang xuống.
Rất may, sự cố không gây ảnh hưởng về người và tài sản của người dân ở lân cận xung quanh công trình.
Ủy ban nhân dân huyện Phú Tân đã chỉ đạo lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông đường bộ, đường thủy không để người dân và phương tiện qua lại khu vực cách vị trí cầu 5 – 10m, không cho người dân vào khu vực công trình khi không có phận sự.
Ngay sau khi nắm báo cáo sơ bộ của đơn vị chức năng liên quan, Chủ tịch Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đồng ý cho tạm dừng thi công phần cầu chính thuộc công trình cầu Cái Đôi Vàm.
Ông Việt yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương phối hợp địa phương thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua khu vực công trình.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đồng ý tổ chức giám định nguyên nhân sự cố công trình cầu Cái Đôi Vàm theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng đề nghị Sở GTVT tỉnh ngay lập tức cử tổ điều tra, có trách nhiệm thực hiện việc giám định nguyên nhân sự cố công trình và báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Ông Việt lưu ý, trong trường hợp cần thiết, tổ điều tra được xem xét, lựa chọn tổ chức kiểm định xây dựng phù hợp thực hiện kiểm định để phục vụ công tác giám định nguyên nhân.
Cà Mau thuê tư vấn độc lập tìm nguyên nhân vụ sập cầu “hy hữu”
Trong sáng nay, tổ công tác điều tra đặc biệt do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo thành lập gồm Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đã xuống hiện trường vụ sập cầu Cái Đôi Vàm ở Phú Tân để điều tra nguyên nhân vụ sập cầu.
Công trình cầu Cái Đôi Vàm, bắc qua sông đổ ra cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, Cà Mau do Ban quản lý dự án xây dựng công trình giao thông Cà Mau làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty cổ phần tập đoàn TPM, đơn vị giám sát là công ty cổ phần TVXD 533 phía Nam.
Công trình cầu Cái Đôi Vàm khởi công vào năm 2020 và đang hoàn thiện phần lan can, tay vịn, đường dẫn thì bị xảy ra sự cố như ngày 21/12.
Phó Chủ tịch Cà Mau Lâm Văn Bi nêu rõ, sau khi cầu bị sập, Sở Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm xác định nguyên nhân. Tuy nhiên, Sở GTVT thấy không đủ năng lực nên thuê đơn vị tư vấn độc lập.
Theo ông Bi, hiện cả Sở GTVT, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan đã tới huyện Phú Tân để cùng kiểm tra đánh giá sự cố “hy hữu” này, tuy nhiên, chưa có cơ sở nào để khẳng định nguyên nhân gây lún trụ, sập cầu Cái Đôi Vàm do đó phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá, thực hiện quy trình xử lý sự cố.
“Cơ quan chức năng sẽ tập trung xác định nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan rồi đưa ra phương án xử lý theo quy định”, Phó Chủ tịch Lâm Văn Bi nói và cho hay, sự việc khiến một trụ lún sát mặt nước, sập nhịp giữa xuống sông, nhịp bờ Nam cũng bị dao động.
Trong khi đó, ông Sử Thành Phú, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn TPM (đơn vị tiến hành thi công), khẳng định với báo chí rằng, doanh nghiệp này trúng thầu xây cầu Cái Đôi Vàm vào năm 2019. Do vướng giải phóng mặt bằng nên dự án kéo dài, nếu không xảy ra sự cố sẽ đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này.
Liên quan đến thông tin chưa rõ ràng là vốn tổng đầu tư dự án rốt cuộc là 54 tỷ đồng hay 30 tỷ đồng, theo ông Sử Thành Phú, riêng phần xây lắp của Công ty Cổ phần Tập đoàn TPM chỉ khoảng 30 tỷ đồng.
Cùng với đó, Sự cố sập cầu khi công trình đã hợp long được ông Phú cho là hy hữu, cần phải có cơ sở khoa học để xác định nguyên nhân.
“Tỉnh Cà Mau dự kiến thuê đơn vị kiểm định là Đại học Giao thông Vận tải để thực hiện phần xác định nguyên nhân. Chúng tôi làm theo hồ sơ thiết kế, có giám sát, chủ đầu tư kiểm tra từng công đoạn nên không thể nhận định nguyên nhân sự cố vào lúc này”, lãnh đạo doanh nghiệp TPM Sử Thành Phú cho hay.
Theo ông Phú, hiện nhịp cầu sập xuống sông chưa được trục vớt vì đơn vị thi công phải chờ hội đồng kiểm định thực hiện các bước xử lý cần thiết.
Vụ sập cầu Cái Đôi Vàm: Chuyên gia không loại trừ lỗi thiết kế
Theo ông Lê Văn Thịnh, nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượn công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng, theo nhận định ban đầu cho thấy, sự cố sập cầu ở nhịp cầu Cái Đôi Vàm là do địa chất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) yếu nhưng cũng không loại trừ lỗi do thiết kế.
Chuyên gia phân tích, theo tường thuật, sự cố xảy ra bắt đầu từ chiều 20/12 khi đơn vị thi công đóng ba cọc chống va cho trụ T7 đã kích thích lún. Sau khi đóng xong trên mặt cầu xuất hiện tình trạng rạn nứt.
Nhưng đến 8h30 sáng qua (21/12) tốc độ lún khủng khiếp, chỉ trong khoảng 1h đồng hồ đã lún đến 6m. Theo nguyên Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định Nhà nước về chất lượn công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề cập trên Lao động, thực tế, tốc độ lún như vậy thì “rất khủng khiếp”, có thể việc khảo sát không chính xác và ngay trụ T7 có địa chất công trình xấu nhất hơn nữa lại là giữa nhịp nên tải trọng cũng lớn nhất.
Ông Lê Văn Thịnh cho hay, qua xem xét và báo cáo của đơn vị thi công thì có thể lỗi này thuộc về đơn vị khảo sát thiết kế. Một số chuyên gia cũng cho rằng, có thể cọc chưa đến được tầng cuội sỏi (tầng đáy), chức năng của cọc là chống, chứ nếu cọc ma sát thì không đảm bảo chất lượng.
“Từ khảo sát sơ sài dẫn đến thiết kế không đầy đủ cơ sở để tính toán và cũng có phần chủ quan”, ông Lê Văn Thịnh lưu ý.
Bàn về vấn đề chất lượng thi công, ông Thịnh cho rằng cần phải kiểm tra nhật ký thi công, xem bản vẽ hoàn công là cọc hạ đến đâu.
Ngoài ra, còn một vấn đề nữa là địa chất công trình có vấn đề vì vùng đất Đồng bằng Sông Cửu Long là đất non và đặc biệt vùng đất Mũi Cà Mau phần lớn là đất bồi.
Do đó, chuyên gia đề nghị, phải xem xét lại vấn đề khảo sát, xem chiều sâu hạ cọc.
“Đồng thời Bộ Giao thông Vận tải cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các cây cầu trên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ khâu khảo sát, thiết kế, bản vẽ hoàn công đến xây dựng mặc dù đã xây xong rồi và phải có kiểm định định kỳ, đây là khâu rất quan trọng”, chuyên gia Lê Văn Thịnh nhấn mạnh.