Vụ thầy Phan Khắc Nghệ: Bộ GD&ĐT nói “không bình thường”
© Ảnh : Thanh Tùng - TTXVNNhững góc bàn vắng học sinh trong lớp tại trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy trong sáng đầu tiên đi học trực tiếp trở lại
© Ảnh : Thanh Tùng - TTXVN
Đăng ký
Những ngày qua dư luận đặc biệt xôn xao quanh việc thầy giáo Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Tĩnh, ôn tập cho học sinh giống và trùng đến hơn 90% so với đề thi tốt nghiệp THPT môn Sinh năm 2021 bản chính thức.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) thừa nhận, trong vụ đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ giống đề thi tốt nghiệp đúng là có “yếu tố không bình thường” và đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan.
Trong khi đó, thầy Phan Khắc Nghệ khẳng định không làm gì khuất tất liên quan đến gian lận thi cử nên “công an vẫn chưa triệu tập”.
Đề ôn tập Sinh học của thầy Phan Khắc Nghệ giống đến hơn 90% đề của Bộ GD&ĐT
Thông tin liên quan việc một thầy giáo sinh học ở Hà Tĩnh đã ôn “trúng tủ” cho học trò mình trên 90% giống với đề thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2021 đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, nhiều học sinh theo học thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng THPT chuyên Hà Tĩnh, đã vui mừng vì thi “trúng đề”, ôn “trúng tủ”. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, rất nhiều người đơn thuần chỉ cho rằng, thành tích này có được vì thầy Nghệ giỏi, khá nổi tiếng và thường xuyên có nhiều học sinh đạt điểm cao môn Sinh học trong quá trình ôn luyện các năm trở lại đây.
Tiếp đó, một giáo viên môn Sinh học khác là thầy Đinh Đức Hiền cũng đã lên tiếng vì sự trùng lặp đến kỳ lạ giữa đề thi chính thức môn Sinh học của Bộ Giáo dục và nội dung ôn tập cuối cùng của thầy Nghệ tại khóa luyện thi VIP40.
Khi đó, thầy Hiền phản ánh, tỷ lệ trùng giữa nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ và đề chính thức lên đến 80% (32/40 câu).
Ghi nhận phản ánh của giáo viên về sự việc bất thường, từ ngày 4/8/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký văn bản thành lập tổ công tác liên ngành xác minh việc báo chí phản ánh về đề thi Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 vừa qua có độ trùng đến 92% so với bản ôn tập của thầy Nghệ.
Trong tổ công tác có đại diện từ Bộ Công an, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổ chuyên gia gồm TS. Nguyễn Văn Lập, nguyên giáo viên trường THPT chuyên Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội và thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Liên, Tổ trưởng Tổ chuyên môn Sinh học, trường THPT chuyên Bắc Ninh.
Biên bản làm việc của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Công an nêu rõ, tổ đã chọn ra 4 đề thô xuất từ máy tính cảu Hội đồng ra đề thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, được Tổ ra đề lựa chọn vào ngày 12/6/2021, có 4 đề duyệt chốt bởi Hội đồng ra đề thi tốt nghiệp THPT 2021 vào ngày 22/6/2021, một bản PDF đề VIP 40 được thầy Phan Khắc Nghệ dạy ôn luyện cho học sinh gồm 40 câu, từ câu 81 đến câu 120, 3 video livestream của thầy Nghệ, cả video cô động lý thuyết trọng tâm, video chữa đề VIP40, video bị xóa sau khi livestream, các tệp được thầy Phan Khắc Nghệ gửi bà Phạm Thị My và ông Bùi Văn Sâm, các tệp bà Phạm Thị My gửi thầy Phan Khắc Nghệ qua email từ năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2021.
Kết quả đối chiếu đánh giá giữa nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ và đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đánh giá các câu hỏi trong 4 mã đề thô xuất ra từ máy tính được tổ ra đề môn Sinh lựa chọn cho thấy, các câu hỏi trong 4 mã đề trùng nhau theo thứ tự các câu tương ứng và khác biệt hẳn với các câu hỏi trong 12 mã đề không được chọn.
“Đây là điều bất thường vì nếu tổ hợp đề được chọn ngẫu nhiên từ máy tính thì không thể có hiện tượng này”, kết luận cho biết.
Đánh giá câu hỏi trùng và khác nhau giữa đề thô cùng với đề được chọn, đề duyệt chốt với nội dung ôn tập của thầy Nghệ thì các câu hỏi trong 4 mã đề thô được chọn với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của vị Phó Hiệu trưởng chuyên Hà Tĩnh có “sự trùng lặp rất lớn”.
Đồng thời, biên bản kết luận của tổ chuyên gia chỉ rõ, trong tổng số 40 câu của từng mã đề thô được chọn có 39 câu trùng, chiếm tỷ lệ 97,5% với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ.
Trong số 39 câu trùng này thì có 37 câu trùng ở cả 4 mã đề (chiếm 94,87%), riêng câu 81 chỉ trùng với mã đề 210, câu 105 trùng hoàn toàn với mã đề 210 và 212, trùng 1 phần với hai mã đề 211 và 213.
Kết quả thẩm định từ chuyên gia của tổ điều tra cũng cho thấy, một số câu về thể sinh thái có ở cả 4 mã đề là câu ngoài chương trình với dạng đồ thị chưa từng có trong sách giáo khoa, tuy nhiên, câu hỏi này lại xuất hiện trong video giảng dạy ôn tập của ông Nghệ.
Điểm bất thường khác nữa chính là trong các video ôn tập, chữa đề, từng câu hỏi về một vấn đề rất hẹp, cụ thể với một đáp án đúng duy nhất, thầy Phan Khắc Nghệ lại dạy cho học sinh của mình các nhận dạng ra các tình huống khác nhau có thể xuất hiện trong các mã đề thi tốt nghiệp năm vừa qua nhưng vẫn chung một đáp án mà vị Phó Hiệu trưởng này dạy.
Tổ chuyên gia cho biết, các câu hỏi khác nhau cho cùng một vấn đề có thể được hỏi với các cách khác nhac, điển hình như thay tên các loài vật, các đối tượng sinh vật, ký hiệu gen…. Những nội dung thầy Nghệ dạy về câu hỏi bao trùm tất cả các câu hỏi cùng loại ở cả 4 đề được chọn.
Tức khi làm đề thi, học sinh chỉ cần học thuộc lòng một số từ khóa và nhìn vào đáp án đúng đã được dạy và chọn, không cần quan tâm tới đề được diễn đạt như thế nào, cũng như không cần phải tính toán hoặc suy nghĩ đề ra sao. Đó là điểm hết sức đáng nghi ngại.
Tổ chuyên gia cũng lưu ý, đánh giá về câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy, có sự trùng lặp rất lớn, cụ thể, trong tổng số 40 câu hỏi của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng (chiếm tỷ lệ 92,5%) với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ.
Đồng thời, xem xét câu hỏi trong 4 mã đề bị loại là 203, 205, 215, 216 được tổ chuyên gia lựa chọn ngẫu nhiên từ 12 mã đề bị loại với các câu hỏi xuất hiện trong nội dung ôn tập của ông Nghệ cho thấy sự trùng lặp rất thấp, phần lớn là khác biệt.
Biên bản làm việc của tổ chuyên gia cũng cho thấy, khi phân tích các câu hỏi trong đề duyệt chốt cũng như các tư liệu, tệp dữ liệu trao đổi giữa thầy Phan Khắc Nghệ, bà Phạm Thị My, ông Bùi Văn Sâm (thành viên tổ ra đề và thẩm định đề thi môn Sinh học của Bộ Giáo dục và Đào tạo) , qua các năm 2015, 2016, 2017, 2018 và 2021 cho thấy, các cá nhân này có trao đổi các câu hỏi môn Sinh học cho nhau, gắn nội dung câu hỏi vào các ô ngân hàng đề thi, hẹn gặp trực tiếp để liên hệ nội dung trao đổi liên quan đến đề thi tốt nghiệp THPT các năm, trong đó có năm 2021 vừa qua.
Chưa hết, tổ chuyên gia còn khẳng định, một số đề thô môn Sinh học bị sai dữ kiện, sai lỗi chính tả rất nhiều.
“Không bình thường”
Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Sinh học ở Hà Nội lưu ý, việc đề ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ trùng đến 37/40 câu ở cả 4 mã đề duyệt chốt và 39/40 câu ở cả 4 mã đề thô là điều vô cùng bất thường, thậm chí phi thực tế.
Ông Hiền đặt vấn đề, cơ quan chức năng cần làm rõ, có sự can thiệp hay không vì nếu rút đề ngẫu nhiên, sẽ không thể có sự trùng lặp lớn như thế. Vấn đề khác cần làm rõ nữa là mối quan hệ giữa người ra đề với thầy Phan Khắc Nghệ, cũng như với Hội đồng ra đề, chuyên viên của Bộ Giáo dục.
“Nếu không có sự can thiệp mang tính hệ thống thì rất khó có sự trùng lặp như vậy. Bộ GD&ĐT cần trả lời, làm rõ sự việc này vì ảnh hưởng đến tính minh bạch của kỳ thi, quyền lợi của các thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021”, thầy Đinh Đức Hiền nhấn mạnh.
Ngày 23/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lên tiếng xung quanh sự việc này.
Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, thông qua công tác quản lý, giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nắm bắt các thông tin, ý kiến từ dư luận, Bộ nắm được sự việc liên quan đến kết quả thẩm định của tổ chuyên gia cho thấy đề ôn tập môn Sinh học của thầy Phan Khắc Nghệ giống đến trên 90% so với đề thi chính thức.
“Bộ GD&ĐT đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thừa nhận.
Theo Thứ trưởng, từ tháng 8, ngay khi có thông tin đáng nghi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo kiểm tra vấn đề này. Bộ cũng phối hợp chủ động cùng các cơ quan liên quan từ Bộ Công an để thành lập tổ công tác liên ngành nhằm xác minh làm rõ các yếu tố liên quan đến sự trùng lặp giữa nội dung ôn thi môn Sinh học của một giáo viên ở Hà Tĩnh với đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.
© Ảnh : Minh Đức – TTXVNThứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Đại hội
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại Đại hội
© Ảnh : Minh Đức – TTXVN
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ, tổ công tác liên ngành của Bộ GD&ĐT và Bộ Công an đã làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, chi tiết và khách quan.
“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định”, Thứ trưởng Độ nói.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, lãnh đạo Bộ đã và đang chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan tới kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất.
Thầy Phan Khắc Nghệ: “Công an vẫn chưa triệu tập tôi”
Trao đổi với truyền thông, liên quan đến những điểm bất thường trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, hôm 22/12, thầy Phan Khắc Nghệ, Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh nêu rõ, ngay từ tháng 7, công an Hà Tĩnh đã có đến làm việc, yêu cầu ông cung cấp thông tin khóa học, trợ giảng để điều tra.
“Công an đã lấy thông tin cá nhân, các bài giảng, email, facebook, các tài khoản…của tôi”, ông Nghệ nói.
Ngành giáo dục cũng yêu cầu thầy Nghệ viết bản tường trình. Sau đó thì không còn bất cứ thông tin gì.
Khi được hỏi về mối quan hệ với bà Phạm Thị My, tổ trưởng tổ ra đề và ông Bùi Văn Sâm, thành viên tổ thẩm định đề, thầy Nghệ cho hay “không giải thích gì thêm về mối quan hệ”.
“Các bạn đã viết rồi nên mình không có giải thích gì thêm. Nếu có sai phạm, tại sao công an vẫn chưa triệu tập tôi để điều tra, điều này rất vô lý”, thầy Phan Khắc Nghệ bày tỏ và khẳng định bản thân không làm gì khuất tất liên quan đến gian lận thi cử.
Vị Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Tĩnh cũng khẳng định không biết năm 2021 bà Phạm Thị My và ông Bùi Văn Sâm có tham gia làm đề thi tốt nghiệp THPT.
Thầy giáo này thừa nhận, việc trao đổi qua các năm là có thật, nhưng chỉ là trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ giữa đồng nghiệp với nhau và không liên quan đến đề thi.
“Nếu tôi biết đề thi thì không dại gì dạy công khai thế để bị tố như thế này mà phải tìm cách khác. Bản thân những vị kia cũng đủ tầm để tự làm đề thi, không việc gì phải hỏi tôi”, ông Phan Khắc Nghệ nhấn mạnh.
Chốt lại, ông Nghệ cho rằng, ban ra đề thi của Bộ GD&ĐT thay đổi liên tục nên cũng không biết bà My, ông Sâm là thành viên ban ra đề, không trao đổi gì thêm về bí mật đề thi, cũng chưa từng gặp trực tiếp bà My hay ông Sâm để trao đổi.
Liên quan đến kết quả thẩm định của tổ chuyên gia trong đoàn công tác liên ngành của Bộ Giáo dục, Bộ Công an cho thấy có sự trùng lặp trên 92% giữa nội dung ôn tập và đề thi chính thức, thầy Nghệ cho rằng, dùng từ trùng khớp ở đây là “nhạy cảm”.
“Có người chốt được chính xác, có người chốt được vừa vừa. Nếu nói là trùng khớp thì đây là từ nhạy cảm. Ví dụ đề thi hỏi về Nguyễn Du, thầy cô cũng ôn cho học sinh về Nguyễn Du, nhưng vấn đề là ôn thế nào. Hay với môn Sinh học, nói về cấu tạo tế bào, tôi ôn trùng khớp y nguyên hay trùng khớp thế nào”, ông Nghệ bức xúc.
Các chuyên gia đánh giá, đối với sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần điều tra nghiêm túc, làm đến cùng để đảm bảo công bằng cho các thí sinh, tránh các yếu tố gian lận thi cử.
Ngoài ra, rất khó để có sự may mắn trùng khớp đến hơn 90% nội dung ôn tập và thi chính thức như thế. Do đó, cần làm rõ có sự móc nối hay thiếu minh bạch hay không. Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể cả xác định được rằng nếu đây chỉ là ngẫu nhiên thì cũng phải thẳng thắn. Còn nếu có sai phạm thì phải xử nghiêm minh để răn đe và rộng đường dư luận.