Vì sao nhiều người Việt không muốn sinh con năm Hổ, nhất là con gái?
16:04 26.01.2022 (Đã cập nhật: 16:45 29.09.2023)
© Ảnh : pixabay.comMột phụ nữ Việt mang thai
© Ảnh : pixabay.com
Đăng ký
Ở Việt Nam, nhiều thai phụ, sản phụ nóng lòng xin mổ đẻ sớm mong né năm Hổ (Nhâm Dần 2022). Nhiều người tin vào lá số tử vi, tướng số xin đẻ con ngay trong năm Tân Sửu (con Trâu) vì sợ năm Hổ con cái sẽ khổ, nhất là con gái.
Cùng với đó, thay vì chỉ hỏi nên sinh thường hay sinh mổ, nhiều người Việt Nam lại tìm kiếm trên Google việc “sinh con năm Nhâm Dần 2022 có tốt không”, “sinh con năm 2022 tuổi Nhâm Dần thì nên vào giờ nào, ngày nào, tháng nào”, thậm chí là “Năm Nhâm Dần 2022 nên sinh con trai hay con gái”.
Sợ đẻ năm Dần con sẽ khổ
Nhiều cơ quan truyền thông của Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về tình trạng “xin mổ đẻ sớm” để tránh kéo sang năm Hổ (Nhâm Dần 2022) bởi lo sợ con cái mệnh khổ, tương lai khó khăn.
Theo quan niệm dân gian, một số người Việt Nam tin rằng, sinh con tuổi Hổ, tuổi Dần (điển hình như năm Nhâm Dần 2022) không tốt, thiếu may mắn, vận khổ, mệnh khổ, vất vả, nhất là những người tin vào tử vi, tướng số.
Trong 12 con giáp, người Việt thích sinh con năm Thìn, Thân, Hợi, Sửu vì hy vọng trẻ sinh ra đều là ‘Rồng vàng’, ‘Khỉ vàng’, ‘Heo vàng’, ‘Trâu vàng’, thì năm Hổ, dù có gắn ‘Hổ vàng’ nhiều người vẫn cho rằng, không nên sinh con tuổi Dần vì mệnh khổ.
Tâm lý chung thiếu cơ sở khoa học này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình chọn hình thức sinh con – sinh thường và sinh mổ (mổ bắt con), ngày, giờ, tháng sinh em bé và thậm chí đến cả giới tính đứa trẻ. Nhiều người Việt hay người Á Đông còn tin rằng, con gái tuổi Dần thường có nhiều tính xấu, hung dữ, xung khắc, tham vọng lớn, tính tình khó chịu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu cứ quan niệm như vậy sẽ gây ra mất cân bằng tỷ lệ sinh, phá đi quy luật tự nhiên, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, trong khi cái gọi là “số mệnh” thì không ai có thể biết trước.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Trưởng khoa phụ sản (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cơ sở 2) xác nhận, đúng là có nhiều sản phụ xin đề nghị được mổ chủ động sinh con sớm ngay trong năm nay (Tân Sửu 2021) thay vì để qua năm mới 2022 (Năm Nhâm Dần – năm con Hổ).
Chỉ còn một tuần nữa là bước sang năm 2022, năm Nhâm Dần. Số lượng sản phụ đến khoa sản các bệnh viện khám thai và có ý định xin “đẻ sớm”, ngay trong năm nay để tránh sinh con vào năm Hổ ngày càng nhiều. Đặc biệt những người mang thai là con gái, tâm lý này càng rõ rệt và nặng nề hơn.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung nhắn báo tin vui sau ca mổ bắt con cho một thai phụ ở huyện Hóc Môn rằng, cả mẹ và bé đều ổn. Cháu bé rất kháu khỉnh. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, trường hợp của một sản phụ sinh năm 1984 này là người may mắn nhất trong 3 thai phụ mong muốn sinh con trước năm Dần.
Bác sĩ Trung cho biết, hai ngày trước (24/1), thai phụ (lúc ấy mang thai bé gái tuần 39) đến thăm khám và ngỏ ý muốn được sinh con trước Tết âm lịch nhằm "né" tuổi Dần, bởi quan niệm “con gái sinh tuổi Dần sẽ vất vả”. Việc sinh sớm cũng giúp chị có thời gian nghỉ ngơi, về nhà đón Tết bên gia đình.
Bác sĩ nhấn mạnh, qua kiểm tra, nhận thấy cả mẹ và bé đều khỏe mạnh. Tuổi thai đủ 39 tuần, đảm bảo các tiêu chuẩn để sinh nên đồng ý mổ bắt con theo nguyện vọng của gia đình. Tuy nhiên, không ai khuyến khích thực tế này.
Theo Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 2, cứ vào khoảng 1 tuần trước Tết Nguyên đán mỗi năm, ông lại gặp những trường hợp muốn trì hoãn hay kéo dài thời gian sinh con vì các lý do khác nhau, mà một trong số đó là để chọn tuổi cho con.
Ngay sáng 24/1, khoa Phụ sản của bệnh viện đã từ chối 2 ca yêu cầu sinh trước Tết khi thai nhi mới chỉ từ 34 đến 38 tuần tuổi.
“Chúng tôi rất chia sẻ với mong muốn của các mẹ, nhưng tuổi thai còn nhỏ và vì sự an toàn cho cả mẹ và bé, buộc chúng tôi phải từ chối. Các trường hợp này sau khi nghe giải thích về các tác hại đã vui vẻ đồng ý chờ đến ngày con đủ tháng để sinh”, bác sĩ Trung cho biết.
Trong khi đó, một bác sĩ có thâm niên làm việc tại Bệnh viện Từ Dũ cũng cho hay, trước Tết Nguyên đán năm Dần, có nhiều thai phụ xin “cho em sinh trước Tết nha bác”.
Nhiều bác sĩ khoa sản ở các bệnh viện đều nhận thấy, mong muốn sinh trước hoặc sau Tết để "chọn tuổi" này khá phổ biến vào cuối năm Âm lịch ở Việt Nam.
“Các trường hợp này các bác sĩ phải kiểm tra kỹ tuổi thai, nếu đảm bảo các điều kiện sẽ được sắp xếp cho mổ”, vị này chia sẻ.
Nên sinh thường hay sinh mổ?
TS.BS Nguyễn Hữu Trung bày tỏ, trong các sản phụ được yêu cầu mổ sớm, có hai người mang thai bé gái. Các y bác sĩ đều nắm được tâm sinh lý của sản phụ - không muốn sinh con gái vào năm Dần, nhưng thầy thuốc phải tư vấn kỹ lưỡng.
“Nếu mổ bắt con khi thai chưa đủ tuổi, sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi”, TS.BS Trung nhấn mạnh.
TS.BS Nguyễn Hữu Trung cho biết, để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho mẹ và bé, trẻ sinh ra phải đủ tuổi. Các nhà khoa học khuyến nghị tuổi thai an toàn để sinh là từ 39 tuần trở lên.
Trừ khi thai phụ có vấn đề sức khỏe, đe dọa tính mạng cả mẹ và bé như dọa sẩy thai, thai bị suy tim, chậm phát triển, cạn nước ối, nguy cơ từ vết mổ cũ… thì các bác sĩ mới cân nhắc chỉ định mổ bắt con trước 39 tuần tuổi, tùy theo sức khỏe thực tế.
Đó là chưa kể, trẻ sinh non có thể gặp các vấn đề như suy hô hấp và phải được theo dõi dài ngày ở lò ấp hoặc khoa chăm sóc đặc biệt. Sức khỏe thể chất của các bé trong tương lai cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, khi sinh mổ người mẹ còn có nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, nhau bám vết mổ hoặc nguy cơ sinh non trong lần mang thai tiếp theo.
“Tốt nhất thai phụ nên chọn sinh thường tự nhiên. Trong trường hợp phải sinh mổ, phải tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ sản khoa”, bác sĩ Trung khuyến nghị.
PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết việc chọn ngày, giờ sinh vào cuối năm khá phổ biến. Phần lớn các trường hợp tuổi thai dao động quanh 38 tuần xin sinh trước, đặc biệt là tuần cuối cùng của năm.
Sáng 26/1, tại cuộc họp giao ban bệnh viện, bác sĩ Tuyết đã nhắc nhở các bộ phận liên quan không được chiều theo ý của thai phụ, phải làm đúng nguyên tắc y khoa.
“Bởi mổ sớm trẻ có thể bị nguy cơ cao suy hô hấp, do đó bác sĩ phải làm theo chỉ định y khoa, không thể chiều theo ý của thai phụ được”, bác sĩ Tuyết nói.
Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết, các gia đình thường hay coi ngày, giờ, tuổi... rồi lý giải “nếu qua năm sau sẽ xấu”.
Trong khi đó, chuyên gia khuyến cáo, các thai phụ và gia đình không nên đánh đổi sự an toàn của trẻ vì các lời đồn đoán, hãy "thuận theo tự nhiên" và tuân thủ chỉ định y khoa để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
‘Số mệnh ảo’ và ‘bệnh tật thật’
Nhiều người mong mệnh con cái sướng hơn nên chọn sinh mổ mà quên mất đi những nguy cơ hiện hữu nguy hiểm khi sinh con trước kỳ, thai nhi chưa đủ tuổi.
Theo bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Mỹ Đức, cho biết thai kỳ chấm dứt càng sớm, trẻ càng sinh non thì càng dễ mang di chứng về sau.
Các nghiên cứu đã cho thấy, thai cần đủ thời gian từ 39 tuần tuổi trở lên. Khi đó sẽ giúp giảm các biến chứng cho mẹ và con đến mức thấp nhất.
© Depositphotos.com / EugeneGensyurovksyPhụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai.
© Depositphotos.com / EugeneGensyurovksy
Ông Tường nhấn mạnh, nếu sinh trước 39 tuần, một số cơ quan của bé có thể chưa hoàn chỉnh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Do đó, chuyên gia nhắc lại, nếu không phải xuất phát từ lý do về y khoa, việc chấm dứt thai kỳ sớm hơn là điều không nên.
“Các bậc cha mẹ nên tránh nguy cơ tưởng tượng về tinh thần mà đổi lại nguy cơ có thật khi em bé sinh non", bác sĩ Tường khuyến nghị.
Như đã biết, ở Việt Nam nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi. Cụ thể, Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã nêu rõ về việc nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
“Nghiêm cấm các hành vi tuyên truyền, phổ biến hoặc đưa ra những nội dung thông tin có nội dung trái với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, có ảnh hưởng xấu đến công tác dân số và đời sống xã hội”, Pháp lệnh khẳng định.
Cùng với đó, nghiêm cấm việc chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp như xác định qua triệu chứng, bắt mạch xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào, siêu âm.
Tại Việt Nam cũng cấm việc loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác.
Chính sách này của Việt Nam là việc làm cần thiết phù hợp với chính sách dân số, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc cũng như góp phần lành mạnh hóa công tác dân số và đời sống xã hội hiện đại ngày nay.