Việt Nam và Hà Lan hợp tác về xe điện, VinFast né vết xe đổ của Trung Quốc
© AFP 2023 / Manan VatsyayanaÔ tô VinFast của Việt Nam.
© AFP 2023 / Manan Vatsyayana
Đăng ký
Hà Lan thuộc top quốc gia dẫn đầu về ô tô điện trên toàn thế giới, do đó, việc Việt Nam và Hà Lan thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xe điện (EV) sẽ mở ra hướng đi mới cho phát triển giao thông xanh, ngành công nghiệp xe hơi thân thiện với môi trường.
Đánh giá việc VinFast tiến công vào thị trường xe điện châu Âu, tiếp nối những kinh nghiệm về phát triển ô tô điện của Hà Lan, chuyên gia kỳ vọng, hãng xe của tỷ phủ Phạm Nhật Vượng không đi vào ‘vết xe đổ’ của xe và hàng hóa Trung Quốc.
Việt Nam và Hà Lan cùng hợp tác làm xe điện
Cụ thể, theo bảng xếp hạng xe điện năm 2020 của Stress Free Car Rental, Hà Lan là 1 trong 10 quốc gia dẫn đầu về ô tô điện với 297.380 xe điện được bán ra, trung bình cứ 58 người thì có 1 người sở hữu phương tiện này. Tổng số trạm sạc pin công cộng tại quốc gia châu Âu này là 60.000, trung bình cứ 5 xe lại có 1 trạm sạc.
Cùng với đó, năm 2020, Hà Lan có 25% xe ô tô đăng ký mới là xe điện và lai điện hybrid, trong đó 21% là xe chạy pin (BEV) và 4% là xe Plug-in Hybrid (PHEV). Đặc biệt, Hà Lan đã cấm tất cả các loại ô tô chạy bằng xăng và dầu diesel đăng ký mới từ năm 2030. Đây là những nỗ lực thực thi chính sách khuyến khích xe điện đặc biệt nghiêm túc của quốc gia châu Âu này trong suốt nhiều năm.
Vừa qua, Hội thảo “Làm sao để đón đầu xu hướng giao thông điện? Tận dụng kinh nghiệm của Hà Lan vì tương lai ngành giao thông Việt Nam” do Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam và Informa Markets Vietnam phối hợp tổ chức. Theo thông tin từ Bộ Công Thương Việt Nam, sự kiện đặc biệt này đã thu hút sự chú ý từ các nhà làm chính sách, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực xe điện như một xu hướng tất yếu của thế giới. Đã có 172 đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến với nhiều quan điểm, chia sẻ đáng chú ý.
“Hội thảo đã quy tụ nhiều doanh nghiệp, nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chiến lược và các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông điện của Việt Nam và Hà Lan”, Bộ Công Thương cho biết.
Xuyên suốt Hội thảo, đã có những tham luận đáng chú ý như Thực trạng phát triển giao thông điện ở Việt Nam; Cách Hà Lan trở thành một trong những nước đi đầu thế giới trong lĩnh vực giao thông điện; Kinh nghiệm và bài học thực tiễn cho Việt Nam, cũng như câu chuyện của VinFast…Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam Elsbeth Akkerman phát biểu nhấn mạnh, Việt Nam và Hà Lan có chung mục tiêu hướng đến trung hòa khí hậu và xanh hóa nền kinh tế. Đại sứ Akkerman nêu rõ, trong quá trình chuyển đổi đó, giao thông bền vững sẽ đóng một vai trò quan trọng bên cạnh các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
“Chúng tôi mong muốn được chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với Việt Nam, giữa các cơ quan chính phủ, các công ty và tổ chức nghiên cứu”, Đại sứ Elsbeth Akkerman nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao xứ sở hoa tulip, kỳ vọng của Hà Lan không chỉ là duy trì vị thế dẫn đầu, mà còn là hợp tác với các đối tác và bạn bè quốc tế để đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang giao thông điện trên toàn cầu. Hợp tác quốc tế mới sẽ tạo ra cơ hội mới.
“Vì vậy, xin được mời tất cả đối tác tại Việt Nam hãy tham gia cùng chúng tôi trong hành trình hướng tới một tương lai không phát thải”, bà Akkerman kêu gọi.
Để thị trường xe điện Việt Nam phát triển
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Filippo Bortoletti, Giám đốc phụ trách Việt Nam của Dezan Shira & Associates đề cập đến thị trường giao thông nói chung và giao thông điện nói riêng tại Việt Nam.
Một đặc điểm dễ thấy, theo ông Bortoletti, xe máy là hình thức giao thông phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, trong những năm trở lại đây, nhận thức người tiêu dùng đã thay đổi và người tiêu dùng ngày càng hướng đến việc sử dụng những phương tiện giao thông điện thân thiện với môi trường.
“Để thị trường xe điện ở Việt Nam phát triển nhanh, một số thách thức lớn cần được giải quyết, như mức đầu tư vào sản xuất xe điện còn thấp, giá xe điện và pin cao, ít trạm sạc và thiếu nhân lực đào tạo”, chuyên gia của Dezan Shira & Associates lưu ý.
Bộ Công Thương cũng cho biết, theo kết quả khảo sát tại hội thảo, 59% khách tham dự cho rằng mạng lưới trạm sạc phổ biến hơn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của giao thông điện tại Việt Nam. Có 33% cho rằng hỗ trợ của Chính phủ cho việc sở hữu xe điện là điều quan trọng nhất.
Thực tế, tại Hà Lan áp dụng rất nhiều chính sách khuyến khích xe điện. Thứ nhất, thuế ô tô điện gần như bằng 0. Theo đó, Hà Lan không trực tiếp miễn thuế cho xe điện mà áp dụng chính sách đánh thuế đường bộ và thuế trước bạ các phương tiện linh hoạt dựa trên lượng khí thải CO2 mà phương tiện đó thải ra ngoài môi trường. Do xe điện là loại xe không phát thải CO2 nên người sở hữu xe ô tô điện tại đây gần như không phải đóng 2 khoản thuế này. Ngoài ra, Hà Lan còn áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí đậu xe tại các điểm công cộng cho xe điện, nhờ đó người dùng có thể tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể khi lưu thông.
Tiếp đó, nhờ kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và tư nhân, Hà Lan đã xây dựng được hệ thống trạm sạc tăng mạnh mẽ. Chính phủ Hà Lan tạo điều kiện cho các dự án tư nhân phát triển trạm sạc cho xe điện bằng cách tháo gỡ các rào cản về pháp luật và kết nối các nhà đầu tư. Cùng với đó, sự kết nối công – tư này đã tạo ra các trạm sạc xe điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời một cách hiệu quả.
Hà Lan đặc biệt khuyến khích “phương tiện xanh”. Không chỉ nhiều xe đạp, hiện 100% xe lửa và tàu điện ngầm đã chạy bằng năng lượng gió. Số lượng xe buýt không phát thải ngày càng tăng và phần lớn xe buýt điện đều sử dụng năng lượng gió. Bên cạnh đó, Hà Lan cũng phát triển mô hình dịch vụ taxi bằng xe điện. Dự kiến cuối năm 2021, 100% taxi địa phương đều sử dụng năng lượng sạch.
Bài học từ việc xe VinFast lăn bánh ở Hà Lan
Trình bày quan điểm tham luận tại hội thảo, ông Emiel Hendriksen, Phó Chủ tịch, Kinh doanh B2B, VinFast Châu Âu chia sẻ câu chuyện của VinFast.
Theo đó, sau khi ra mắt tại Mỹ trong Los Angeles Auto Show 2021 lớn nhất thế giới, VinFast đang thực hiện những bước tiến quan trọng hướng tới tương lai bền vững của phương thức di chuyển thông minh. VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tập trung nỗ lực nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư vào hệ thống truyền động hoàn toàn bằng điện.
“Bước đi táo bạo này đưa VinFast trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô đầu tiên trên thế giới dịch chuyển hoàn toàn sang vận hành bằng điện thuần túy, khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc cách mạng xe điện toàn cầu”, ông Emiel Hendriksen khẳng định.
Chuyên gia Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, Hà Lan, Đại diện xúc tiến thương mại trực tiếp giữa Việt Nam và Hà Lan đã từng nhận định về việc xe VinFast lăn bánh ở Hà Lan cùng những bài học đáng suy ngẫm.
Theo ông Như Nguyễn, tại thị trường Việt Nam, xe VinFast là niềm tự hào khi đi tiên phong trong việc sản xuất ô tô điện. Sắp tới đây, xe VinFast sẽ được xuất khẩu sang thị trường mới là Hà Lan và châu Âu. Theo chuyên gia, vào tháng 7/2022, những chiếc xe VinFast đầu tiên sẽ bắt đầu có mặt tại châu Âu nói chung và Hà Lan nói riêng. Đến tháng 11/2022, VinFast sẽ chính thức chào bán các mẫu xe của mình tại thị trường.
“Đây không phải là điều hoàn toàn bất ngờ đối với người tiêu dùng nước ngoài”, chuyên gia nhấn mạnh.
Như đã biết, từ năm 2018, thương hiệu Việt Nam của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã trình làng hai mẫu xe đầu tiên là VinFast Lux SA2.0 và A2.0 tại Triển lãm về xe hơi tại Paris (Pháp).
“Tuy được nhận định là bản sao của BMW X5 và 5-series, khoảng 25 nghìn sản phẩm này đã được bán. Điều này đã chứng tỏ sự quan tâm của người tiêu dùng trời Tây dành cho xe hãng xe Việt Nam”, chuyên gia lưu ý.
Theo ông Như Nguyễn, có điều thú vị là, mẫu xe điện hạng sang của Trung Quốc đã được rất nhiều người quan tâm cũng sẽ được chính thức bán tại châu Âu vào cùng thời điểm này. Câu hỏi đặt ra là, thái độ nhìn nhận của người dân Hà Lan, những khách hàng tiềm năng, sẽ như thế nào đối với hai mẫu xe này? Xe VinFast của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài hay không?
Bàn về vấn đề “Made in Vietnam” có được thiện cảm ở châu Âu, Giám đốc Công ty VIEC, Hà Lan nêu ý kiến rằng, trong bối cảnh cả hai mẫu xe VinFast từ Việt Nam và xe Trung Quốc cùng chào bán cùng lúc, ấn tượng của người tiêu dùng dành cho cả hai cũng có sự khác biệt.
Cụ thể, trong tâm lý chung của người tiêu dùng tại châu Âu là sản phẩm “Made in China” đại diện chất lượng thấp, giá rẻ và thường là hàng nhái mẫu mã. Điều này cũng không hề khó hiểu bởi vì hàng hóa Trung Quốc xưa nay nổi tiếng là cạnh tranh về giá, đa dạng mẫu mã nhưng lại không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, về hàng Trung Quốc, không chỉ đối với người tiêu dùng châu Âu, người tiêu dùng ở nhiều thị trường khác trên thế giới cũng có những cảm nhận tương tự.
“Với các hàng “Made in Vietnam”, may mắn thay điều này "chưa" xảy ra. Hình ảnh về Việt Nam trong mắt và suy nghĩ của người dân châu Âu vẫn là một đất nước đẹp, con người thân thiện và cần cù”, ông Như Nguyễn bày tỏ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng thẳng thắn cho rằng, Việt Nam cũng là một đất nước còn kém phát triển và lạc hậu, đa số sản phẩm từ nông nghiệp, các sản phẩm công nghiệp còn thô sơ và chưa vươn lên bắt kịp với xu hướng thế giới.
“Chính vì những quan điểm ban đầu này, mà đại đa số người dân châu Âu đón nhận sản phẩm xe VinFast của Việt Nam với thái độ tò mò có phần nể phục”, ông Như Nguyễn nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, theo vị chuyên gia, thiện cảm từ người tiêu dùng là một dấu hiệu tốt khi chuẩn bị ra mắt sản phẩm, tuy nhiên vẫn chưa đủ để chinh phục thị trường.
“Thách thức đặt ra là chúng ta không nên đi theo vết xe đổ của Trung Quốc, ảnh hưởng đến các thương hiệu đến từ Việt Nam”, chuyên gia khẳng định.
Với kinh nghiệp làm trong lĩnh vực đại diện thương mại và xuất nhập khẩu giữa Hà Lan và Việt Nam trong gần 12 năm, ông Như Nguyễn tin tưởng và hy vọng rằng các nhà làm xe Việt sẽ không làm như thế.
“Tạo lập và giữ gìn uy tín, thương hiệu của một đất nước là trách nhiệm không chỉ của một tập đoàn, dù tập đoàn đó có đứng đầu cả nước, mà đó là trách nhiệm của tất cả các doanh nghiệp, thậm chí là từng cá nhân của đất nước đó”, ông Như Nguyễn nêu rõ.
Từ trước đến nay, chất lượng xe VinFast đã được chứng minh qua sức hút tại những thị trường trong nước và số lượng người tiêu dùng trung thành.
“Chúng ta có cơ sở tin rằng xe VinFast cùng các dòng ô tô của họ sẽ giúp Việt Nam củng cố và quảng bá thương hiệu đất nước thông qua những sản phẩm của mình, mang sản phẩm “Made in Vietnam” đến gần hơn với người tiêu dùng thế giới, trong trường hợp này cụ thể là thị trường Hà Lan”, chuyên gia khẳng định.
Kinh nghiệm của Hà Lan trong phát triển xe điện
Tại sự kiện, ông Baerte de Brey, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông điện Châu Âu, Giám đốc Quốc tế Tổ chức ElaadNL Hà Lan đã chia sẻ về những kinh nghiệm, bài học thực tiễn và cách Hà Lan trở thành một trong những nước đi đầu trên thế giới trong lĩnh vực giao thông điện.
Theo đó, Hà Lan nằm trong top 5 quốc gia có xe điện chiếm tỷ lệ cao nhất trong các phương tiện chở khách. Đồng thời, Hà Lan cũng đang dẫn đầu về mật độ trạm sạc điện với số lượng trạm sạc công cộng cao nhất châu Âu, có sẵn 1 điểm sạc cho mỗi 2 km đường.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Giao thông điện Châu Âu, Giám đốc Quốc tế Tổ chức ElaadNL Hà Lan nêu ra những kinh nghiệm thực tiễn của Hà Lan để đạt được những thành tựu này. Cụ thể, Hà Lan có cách triển khai thông minh, xây dựng cơ sở hạ tầng sạc thông minh, khả năng dùng chung trạm sạc giữa các hãng xe và đầu tư cho hoạt động R&D. Ở các phiên thảo luận tiếp theo, một số doanh nghiệp Hà Lan đã cùng nhau thảo luận và trao đổi những công nghệ được áp dụng trong việc xây dựng các trạm sạc xe điện tại Hà Lan.
Đại diện của Allego, đơn vị tiên phong cung cấp giải pháp trạm sạc xe điện cho các thành phố, doanh nghiệp và cá nhân là ông Harold Langenberg, Giám đốc Phát triển Kinh doanh; Eco-Movement - nền tảng dữ liệu hàng đầu cho các trạm sạc xe điện (ông Sjors Martens Giám đốc Thương mại) và HERE Technologies - công ty nền tảng định vị hàng đầu thế giới phục vụ giao thông bền vững (ông Abhijit Sengupta Trưởng Bộ phận Kinh doanh, Khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ) cũng có những chia sẻ về giải pháp phát triển trạm sạc điện.
Bộ Công Thương, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam đánh giá, hội thảo không chỉ cho thấy những bước phát triển đầy hứa hẹn của giao thông điện tại Việt Nam, mà còn chỉ ra tiềm năng hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong ngành này. Trong đó, các lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất bao gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ cho hạ tầng trạm sạc; linh kiện và công nghệ sản xuất xe điện. Những lĩnh vực khác bao gồm xe điện nguyên chiếc và các dịch vụ tư vấn và nghiên cứu.
Như Sputnik đề cập, vừa qua, VinFast đã ký thoả thuận với LeasePlan nhằm cung cấp dịch vụ thuê xe, hướng tới tham vọng mở rộng thị trường ở châu Âu. LeasePlan là một công ty Hà Lan chuyên về các dịch vụ quản lý và cho thuê xe (Car-as-a-Service), hiện đang quản lý gần 2 triệu xe tại 29 nước trên toàn cầu. Theo đó, LeasePlan sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ của VinFast tới khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tại các nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Pháp… Đặc biệt, thỏa thuận hợp tác giữa hãng xe Việt và sẽ mang đến thêm những lựa chọn tài chính đa dạng, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm xe điện cao cấp cho khách hàng của VinFast tại châu Âu.