Bà Nguyễn Phương Hằng có 2 quốc tịch, liệu có được đặt tiền bảo lãnh để tại ngoại?
© Ảnh : Ho Chi Minh City policeBà Nguyễn Phương Hằng
© Ảnh : Ho Chi Minh City police
Đăng ký
Từ vụ bà Nguyễn Phương Hằng, mang 2 quốc tịch, bị bắt về hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, khi nào bị can được phép đặt tiền bảo lãnh để tại ngoại?
Trong một diễn biến liên quan, Đại học Luật TP.HCM đã lên tiếng phản hồi vụ Tiến sĩ Đặng Anh Quân livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng xâm phạm quyền tự do dân chủ và sỉ nhục, bôi nhọ người khác.
Đồng thời, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đã có quan điểm về việc các luật sư tham gia livestream cùng bà Nguyễn Phương Hằng, trong khi ca sĩ Vy Oanh đã có đơn tố cáo luật sư Đặng Anh Quân, Nguyễn Đình Kim tới Công an TP.HCM.
Đại học Luật TP.HCM nói gì vụ Tiến sĩ Đặng Anh Quân livestream sỉ nhục người khác?
Ngày 29/3, liên quan đến việc giảng viên Đặng Anh Quân xuất hiện trong một số chương trình livestream của bà Nguyễn Phương Hằng (Hằng Canada), đại diện Đại học Luật TP.HCM đã có phản hồi.
Theo ông Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng ĐH Luật TP.HCM cho biết, ông Quân được mời về giảng dạy về luật đất đai, môi trường tại Khoa Luật Thương mại.
“Hiện ông vẫn công tác bình thường”, ông Hải thông tin.
Theo Quyền Hiệu trưởng ĐH Luật, đơn vị chỉ quản lý giảng viên Đặng Anh Quân về mặt con người, chuyên môn thực thi nhiệm vụ của mình ở nhà trường.
“Còn lại tất cả các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Đại học Luật, khi cơ quan nhà nước xử lý hành chính về vi phạm an ninh mạng hay khởi tố ông Đặng Anh Quân thì nhà trường mới có cơ sở để xử lý theo luật viên chức, còn hiện tại, nhà trường không có thẩm quyền xác định người đó vi phạm pháp luật hay không.
“Trường Đại học Luật TP.HCM là nơi đào tạo về luật nên tinh thần của nhà trường là không dung túng cho sai trái”, ông Hải khẳng định.
Trước đó, ca sĩ Vy Oanh xác nhận việc gửi đơn tố cáo đối với một số người liên quan đến các hoạt động livestream của bà Phương Hằng, trong đó TS Đặng Anh Quân, luật sư Nguyễn Đình Kim và nhiều Youtuber khác.
© Ảnh : Personal page of Vy OanhCa sĩ Vy Oanh
Ca sĩ Vy Oanh
© Ảnh : Personal page of Vy Oanh
Phía Vy Oanh nhấn mạnh, những người đã cùng bà Nguyễn Phương Hằng livestream liên tục có những phát ngôn, lời lẽ xúc phạm nữ ca sĩ.
Vy Oanh khẳng định, riêng bà Hằng là người chửi bới nặng nề nhất. Còn những vị khách mời tung hứng, moi móc, chế giễu đối với Vy Oanh cũng như nhiều người khác.
Cũng xuất phát từ chính đơn tố cáo của Vy Oanh nên hôm 24/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Phương Hằng về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đoàn Luật sư TP.HCM nói gì?
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ca sĩ Vy Oanh khẳng định với báo chí khi cùng thân chủ tố cáo lên Công an TP.HCM rằng, các cá nhân liên quan này thông qua các buổi livestream của bà Hằng đã công khai chế giễu, moi móc, suy đoán vô căn cứ về đời tư của ca sĩ Vy Oanh.
“Bà Nguyễn Phương Hằng và 2 nhân vật trên "kẻ tung, người hứng" một cách say mê với hình ảnh cười cợt, giọng điệu chế giễu, đã hạ nhục ca sĩ Vy Oanh bằng thái độ hả hê, cợt nhả”, luật sư Phương Thảo khẳng định.
Đối với việc các luật sư như Nguyễn Đình Kim, Đặng Quân Anh tham gia livestream với bà Nguyễn Phương Hằng, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng đã có thông tin.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, liên quan đến những lùm xùm về một số luật sư tham gia các buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, đánh giá, ai có sai phạm cũng đều bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Nếu luật sư nào vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý nghiêm. Đến nay, Đoàn Luật sư TP. HCM chưa nhận được bất kỳ đơn khiếu nại, tố cáo luật sư nào của Đoàn nên chúng tôi chưa có cơ sở xử lý”, ông Trung nêu rõ.
Theo Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, trong trường hợp có yêu cầu phối hợp của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM hoặc của các cá nhân, tổ chức thì đơn vị sẽ xem xét theo quy định.
Về trách nhiệm pháp lý của những người đã sử dụng mạng xã hội YouTube, Facebook, TikTok để chia sẻ loạt video livestream của bà Hằng, qua đó lan truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân, Luật sư Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định trên An ninh Thủ đô cho biết, nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ pháp lý cho thấy những người đó có sự thông đồng, hưởng lợi từ bị can hoặc ai đó, thì họ sẽ bị xem xét xử lý với vai trò đồng phạm của bà Hằng.
“Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng cần làm rõ mục đích, động cơ của người chia sẻ clip hoặc chứng minh được họ làm việc này là do ai đó tác động rồi trả tiền”, luật sư lưu ý.
Còn nếu người dùng mạng xã hội chia sẻ các video livestream của bà Phương Hằng chỉ vì tò mò, nhằm câu view thì việc xử lý họ với vai trò đồng phạm không đặt ra.
Khi nào được đặt tiền để tại ngoại?
Dù cơ quan chức năng đã bác bỏ tin đồn xung quanh khả năng bà Nguyễn Phương Hằng được đặt tiền để tại ngoại, tuy nhiên, vẫn có nhiều người thắc mắc, khi nào bị can được bảo lãnh tại ngoại?
Theo luật sư Hồng Vân, Đoàn Luật sư Hà Nội thông tin, về các biện pháp bảo lãnh và đặt tiền để bảo đảm thay thế cho tạm giam pháp luật tố tụng hình sự quy định, đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.
Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, tình trạng tài sản, nhân thân của bị can, bị cáo, họ có nơi cư trú rõ ràng, phạm tội lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ (như: tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, lập công chuộc tội…). Theo đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm.
Luật sư cũng cho biết, mức tiền cụ thể phải đặt để đảm bảo nhưng không dưới: 30 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 100 triệu đồng đối với tội nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội rất nghiêm trọng; 300 triệu đồng đối với tội đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, theo quy định hiện hành, bà Hằng có thể chuẩn bị hồ sơ chứng minh nhân thân, tình trạng tài sản của mình để đề nghị được tại ngoại trong quá trình chờ cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ vụ án.
“Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra xét thấy việc tạm giam là cần thiết để phục vụ công tác điều tra, thì hoàn toàn có quyền không cho bà Hằng tại ngoại”, theo vị chuyên gia.
Đối với chế tài xử lý đối với những cá nhân có hai quốc tịch (bà Nguyễn Phương Hằng còn có quốc tịch Canada), theo Luật sư Hồng Vân, Khoản 1 Điều 5 BLHS 2015 sửa đổi đã nêu rõ, mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam sẽ áp dụng Bộ luật hình sự của Việt Nam để giải quyết.
Theo đó, trong trường hợp người phạm tội là người nước ngoài, phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, nếu thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó.
“Trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc trường hợp miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam”, luật sư nêu rõ.