Apple, Google, Microsoft, Intel: Đầu tư vào Việt Nam là “lựa chọn thông minh”
14:59 18.05.2022 (Đã cập nhật: 15:21 18.05.2022)
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Trụ sở Tập đoàn Google.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Gặp gỡ với lãnh đạo Big Tech ở Silicon Valley, Mỹ như Apple, Intel, Google, Microsoft, Meta (Facebook), Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh khát vọng của một quốc gia mới trỗi dậy với khát khao công nghệ mạnh mẽ. Đầu tư vào Việt Nam sẽ là một lựa chọn thông minh.
Ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với các tập đoàn Intel, Apple và Google, những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới có trụ sở tại thung lũng Silicon, bang California, Hoa Kỳ. Cùng nhóm Big Tech, nhà lãnh đạo Việt Nam còn đối thoại với đại diện Microsoft, Meta, các định chế tài chính lớn và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Intel khẳng định vai trò quan trọng của Việt Nam
Tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch điều hành Khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, ông Keyvan Esfarjani, phía doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định vai trò “rất quan trọng” của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Intel, cũng như vai trò của nhà máy Việt Nam.
Ông Esfarjani cho biết, Intel Việt Nam đã đạt giải thưởng cao nhất về chất lượng của tập đoàn trong năm 2021.
“Đây là minh chứng của chất lượng nhân lực và tầm quan trọng của nhà máy Intel Việt Nam đối với Tập đoàn”, ông Keyvan Esfarjani khẳng định.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Tập đoàn Intel.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Tập đoàn Intel.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Lãnh đạo Tập đoàn Intel cũng chia sẻ về những chiến lược, kế hoạch lớn thời gian tới. Intel đánh giá cao điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực, điều kiện thu hút đầu tư của Việt Nam, đồng thời, đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động. Intel cho rằng nhu cầu về các sản phẩm bán dẫn sẽ rất lớn khi thế giới phát triển những công nghệ mới gắn với dữ liệu lớn (Big Data).
“Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Intel muốn hài hòa nguồn cung ứng bằng việc mở rộng đầu tư ở nhiều nơi”, vị lãnh đạo bày tỏ.
“Lựa chọn thông minh”
Tại cuộc đối thoại với lãnh đạo Intel, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chúc mừng những kết quả hoạt động của Intel trên thế giới và tại Việt Nam, nhất là việc tập đoàn đã khắc phục những khó khăn do đại dịch trong năm 2021.
Ông cũng cảm ơn Intel đã tin tưởng đầu tư tại Việt Nam, đánh giá cao những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, hoạt động xuất khẩu, việc làm cho người lao động và phát triển chuỗi cung ứng nội địa.
Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt mong muốn Intel mở rộng đầu tư nhiều hơn nữa tại các địa phương ngoài Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ, Thủ tướng tin rằng việc đầu tư của Intel vào Việt Nam là “lựa chọn thông minh”.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm Tập đoàn Intel.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khi đến thăm Tập đoàn Intel.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Một lần nữa nhấn mạnh tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng khẳng định phía Việt Nam sẽ xem xét nghiêm túc các đề xuất của Intel trên cơ sở phù hợp tình hình và cân đối với các nhà đầu tư khác.
“Đây là minh chứng cho thấy sự cam kết và hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và tập đoàn Intel cho triển vọng lâu dài và phát triển của Intel trong tương lai”, ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Việt Nam cũng chúc tập đoàn thành công hơn nữa về hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm xã hội tại những nơi hoạt động, cùng Việt Nam góp phần chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về tập đoàn Intel: Gã khổng lồ công nghệ chuyên về chip và bo mạch chủ cho máy tính được thành lập năm 1968 tại California, Hoa Kỳ. Intel là một trong những nhà sản xuất chip xử lý và thiết bị bán dẫn hàng đầu thế giới, có ảnh hưởng lớn lên sự phát triển của thung lũng Silicon. Năm 2020, Intel được xếp hạng 45 trong danh sách Fortune 500. Hiện Intel có hơn 121.000 nhân viên, doanh thu năm 2021 đạt 79 tỷ USD, lợi nhuận đạt 19,9 tỷ USD. Riêng tại Việt Nam, Intel đã đầu tư nhà máy lắp ráp và kiểm định chip. Đến nay, Intel đã hoàn thành cam kết đầu tư giai đoạn I.
Apple nên đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam
Theo thông tin từ Chính phủ, thăm trụ sở Apple và trao đổi với CEO Apple Tim Cook, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và tài chính là trọng tâm và động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ.
“Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, dựa trên nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ tăng cường hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là trên lĩnh vực có ý nghĩa về cả kinh tế và chiến lược”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng Chính phủ nhận định, các sản phẩm của Apple đã trở nên rất được ưa chuộng trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
“Người dân Việt Nam ở nhiều lứa tuổi, đặc biệt là ở khu vực thành thị, rất ưa chuộng các sản phẩm công nghệ của Apple”, ông Chính nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, với bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu, chắc chắn rằng sản phẩm của Apple sẽ ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Tại Việt Nam, hiện Apple không có nhà máy sản xuất trực tiếp nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành phố tại Việt Nam với khoảng 160.000 lao động, chuyên sản xuất các cấu phần điện tử (như bảng điện, camera, màn hình cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam đang tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có việc lắp ráp một số thiết bị của Apple. Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tập đoàn Apple chú trọng đầu tư phát triển hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đưa các sản phẩm của Apple tới đông đảo phân khúc khách hàng, và Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường tiêu biểu của Apple ở khu vực châu Á.
Về phần mình, CEO Tim Cook cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho Apple kinh doanh tại Việt Nam, tham gia ngày càng sâu vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua.
“Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple”, Tim Cook bày tỏ.
CEO Apple Tim Cook cũng cam kết sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple trong thời gian tới. Cùng với đó, Apple mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của Hoa Kỳ phát triển kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Google đồng hành cùng Việt Nam
Tại chuyến thăm trụ sở Google, gặp mặt đại diện tập đoàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các hoạt động hợp tác của Google với phía Việt Nam thời gian qua.
Người đứng đầu Chính phủ cũng hoan nghênh các kế hoạch hợp tác mới của Google tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện và xác định đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở Tập đoàn Google tại Cupertino.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm trụ sở Tập đoàn Google tại Cupertino.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Thủ tướng cũng đề nghị Google tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, qua đó, đóng góp vào quá trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số của Việt Nam.
Google (được thành lập năm 1998) một công ty công nghệ đa quốc gia thuộc Tập đoàn Alphabet của Mỹ. Google chuyên về các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến Internet, bao gồm các công nghệ quảng cáo trực tuyến, công cụ tìm kiếm, điện toán đám mây, phần mềm và phần cứng. Đây được coi là một trong những công ty công nghệ Big Four, cùng với Amazon, Apple và Facebook. Tổng số nhân viên trên toàn cầu của Google là hơn 139.000 người. Năm 2020, doanh thu của Google đạt 147 tỷ USD.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh COVID-19, Google đã hợp tác với các cơ quan Chính phủ để đưa thông tin chính thức về đại dịch tới người dân, doanh nghiệp và những thông tin về sự chuẩn bị của Chính phủ cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trao đổi với Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện Google bày tỏ mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững.
Microsoft giúp Việt Nam phòng, chống tham nhũng
Tại cuộc gặp ngày 17/5 với lãnh đạo Microsoft, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng Microsoft đạt nhiều thành công trong thời gian vừa qua và đang triển khai chương trình chuyển đổi số trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn Microsoft triển khai có hiệu quả các chương trình tại Việt Nam và đóng góp các khuyến nghị để Việt Nam thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Đáp lại, ông Sandy Gupta Phó chủ tịch, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các lãnh đạo của Tập đoàn Microsoft và các cộng sự cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của châu Á và Việt Nam là nước có đóng góp lớn.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sandy Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Microsoft.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sandy Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn Microsoft.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Hiện, Microsoft đang đầu tư lớn, triển khai các chương trình lớn như phát triển công nghệ đám mây, trí tuệ nhân tạo, phát triển mã nguồn mở, xây dựng ứng dụng tạo điều kiện cho mọi tổ chức có thể tiếp cận hệ sinh thái để sáng tạo, chương trình hỗ trợ các công ty khởi nghiệp; đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh mạng...
Lãnh đạo Microsoft đánh giá, Việt Nam có dân số trẻ, đất nước năng động, sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới.
“Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam”, ông Gupta lưu ý.
Hiện Microsoft đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam triển khai các chương trình này, trong đó có công nghệ giúp tăng cường tính minh bạch và tin cậy, phòng, chống tham nhũng.
“Microsoft mong muốn hợp tác với Việt Nam chuyển đổi số; bảo đảm an ninh mạng; giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050; góp phần giúp Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững”, đại diện tập đoàn nêu rõ.
Tại buổi tiếp xúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Microsoft với các ý tưởng dành cho Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số do chính Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban nhằm thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Ông Chính đề nghị Microsoft phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng, triển khai các chương trình, dự án phù hợp với điều kiện, quá trình phát triển của Việt Nam; góp phần phát triển Microsoft, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng thực chất và hiệu quả.
“Đầu tiên là tiền đâu?”
Trưa ngày 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự tọa đàm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do Asia Society tổ chức với các Big Tech hàng đầu như Google, Microsoft, Meta (Facebook).
Tại đây, nhà lãnh đạo Việt Nam nêu rõ, Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là động lực quan trọng cho sự phát triển trong giai đoạn mới. Cả 3 đột phá chiến lược mà Việt Nam xác định (thể chế, hạ tầng và nhân lực) đều liên quan đến khởi nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng mong muốn các đối tác Mỹ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Hợp tác khởi nghiệp giữa hai bên cần tập trung các vấn đề mà thế giới đang quan tâm và hai nước đang thúc đẩy hợp tác, như ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ, đa dạng hoá chuỗi cung ứng…Đặc biệt là đổi mới sáng tạo, theo Thủ tướng, khởi nghiệp với sinh viên, thanh niên, tất nhiên khởi nghiệp thì không giới hạn tuổi, giới tính hay biên giới.
“Rất mong các đối tác Hoa Kỳ hiểu điều này và phối hợp với chúng tôi phát động, chung tay tạo ra phong trào khởi nghiệp toàn dân, giải quyết những vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, trên tinh thần chân thành, tin cậy, trách nhiệm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị tất cả các đại biểu với tinh thần và kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, phát huy những kết quả của hội thảo hôm nay để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thực chất, hiệu quả, mạnh mẽ hơn những gì mà Việt Nam đã làm được. Trong phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi và kéo dài hơn dự kiến ngay sau đó, Thủ tướng cùng lãnh đạo các doanh nghiệp lớn của Mỹ tiếp tục đề cập đến cơ hội hợp tác trong đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Bày tỏ sự ủng hộ với Thủ tướng về cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, lãnh đạo Tập đoàn Chevron về năng lượng - tài chính mong muốn các sáng kiến về công nghệ không nằm riêng lẻ mà cần được tích hợp, liên kết để mang đến sự hiểu biết nhiều hơn cho mọi người cũng như gia tăng cơ hội vươn lên cho người dân nhờ vào đổi mới công nghệ.
Đại diện cho một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon nêu, quỹ này vừa hợp tác để làm pin cho ôtô điện cùng VinFast và mong muốn được tìm hiểu một cách có hệ thống về các chính sách của Chính phủ trong việc khuyến khích các doanh nghiệp từ Silicon tới Việt Nam hợp tác.
Đáp lại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam đang thúc đẩy chuẩn bị hệ thống hạ tầng như công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo nhân lực chất lượng tốt hơn để sẵn sàng khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đáng chú ý, lãnh đạo một nhà băng chuyên cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tại Thung lũng Silicon tặng Thủ tướng một chiếc túi được sản xuất tại Việt Nam nhưng gắn logo của ngân hàng này, như một biểu tượng cho mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những nước ký nhiều hiệp định thương mại (FTA) nhất thế giới, độ mở nền kinh tế tới 200% GDP, có quan hệ thương mại với hơn 60 nước. Tuy vậy, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhất là nguồn lực để giải quyết các vấn đề mới như chuyển dịch năng lượng, biến đổi khí hậu… và rất mong muốn có sự chung tay của các định chế tài chính lớn.
Trả lời câu hỏi của giám đốc khối Đông Nam Á và Nam Á của Tập đoàn Meta về đề nghị có sự hợp tác nhóm đặc trách của Hội châu Á với Việt Nam về chuyển đổi số, nhất là trong các quy định liên quan ngành công nghệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, "tài nguyên con người là quý giá nhất" và đề nghị được hợp tác trong nâng cao năng lực, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng bên cạnh đó, hạ tầng liên quan phát triển khoa học công nghệ cần tiếp tục được đầu tư, nâng cao chất lượng để phù hợp yêu cầu phát triển chung.
“Nhưng vấn đề đầu tiên là “tiền đâu?”. Chúng tôi rất muốn huy động các nguồn lực tài chính thông qua hợp tác công tư. Những nước đang phát triển như Việt Nam cần ưu tiên nguồn lực, từ các nước phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý.