Cuộc họp "rất nóng, rất quan trọng" về tín dụng bất động sản của NHNN gây thất vọng?
© TTXVN - Trần Quốc ViệtHội nghị tín dụng bất động sản
© TTXVN - Trần Quốc Việt
Đăng ký
Sau cuộc họp nóng và ‘rất quan trọng’ của Ngân hàng Nhà nước ngày hôm qua 8/2 về tín dụng bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã không giấu được sự thất vọng.
Các chủ doanh nghiệp cho rằng, họ cần những giải pháp cứu thị trường thực tế hơn để thoát khỏi khó khăn hiện tại.
Chưa thoả kỳ vọng của doanh nghiệp?
Liên quan đến cuộc họp gỡ khó tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Tập đoàn G6 Phạm Anh Quê cho biết, ông không tham dự cuộc họp sáng 8/2, nhưng theo dõi thông tin thì nhận thấy, về cơ bản vẫn chưa có giải pháp gì đột phá cho thị trường hiện tại.
"Cuộc họp hôm qua không được như kỳ vọng của doanh nghiệp cũng như người dân. Theo thông điệp của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, những dự án có pháp lý, chủ đầu tư có uy tín mới được vay vốn. Bên cạnh đó, người mua muốn vay cũng phải chứng minh khả năng trả nợ và mua dự án có tính thanh khoản tốt. Như vậy, việc vay vẫn là khó khăn với cả chủ đầu tư và người mua nhà", - báo Tiền Phong dẫn lời ông Quê chia sẻ.
Theo ông, để tháo gỡ khó cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cần hạ lãi suất 2 đầu cả tiết kiệm và cho vay. Hiện nay, lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn nhiều kênh đầu tư khác nên dòng tiền chảy vào ngân hàng lớn. Chỉ khi nào lãi suất tiết kiệm không còn hấp dẫn, dòng tiền mới có thể chảy sang bất động sản. Ngoài ra, ngân hàng cũng nên hạ lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Trong khi đó, một chủ đầu tư lớn ở Hà Nội, người có tham dự cuộc họp ngày 8/2 nhưng không được phát biểu, thì cho rằng, những động thái từ Chính phủ và các bộ, ngành là rất tốt cho thị trường. Tuy nhiên, cuộc họp không kết thúc như cách nhiều doanh nghiệp mong muốn, bởi "nhiều kiến nghị còn bỏ ngỏ".
Vị này cho rằng, các biện pháp gỡ khó cho thị trường bất động sản cần được “tăng tốc” và quyết liệt hơn nữa, khi có đến hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản đang trong tình trạng cực kỳ khó khăn như "nắng hạn chờ mưa rào".
Là nhà đầu tư bất động sản kinh nghiệm 15 năm, ông Nguyễn Văn Định (ở Đống Đa, Hà Nội) nhận định, ngân hàng phải rốt ráo phân loại các dự án và ưu tiên các dự án nào được vay.
"Kể cả với chủ đầu tư uy tín nhưng phải xem dự án nào có pháp lý, khả thi chứ không phải tất cả các dự án của cùng một chủ đầu tư. Không nên đánh đồng các dự án và cũng không nên ưu ái cho một chủ đầu tư nào nhất định bởi có những chủ đầu tư lớn nhưng dư nợ ngân hàng hiện nay đang ở mức báo động", - ông Định kiến nghị.
4 khó khăn
Về phần mình, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, tín dụng bất động sản là vấn đề cấp thiết, cần được tháo gỡ.
Ông Châu mong muốn sẽ sớm có những giải pháp hiệu quả, tránh tình trạng doanh nghiệp không thể tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, lâm vào khó khăn phải giải thể hàng loạt.
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị, Chính phủ cần khẩn trương ban hành hành những giải pháp để giải quyết 4 khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là pháp lý, vốn, quan hệ cung cầu và quy hoạch.
Theo ông, điều quan trọng là phải tháo gỡ được pháp lý cho các dự án, từ đó gia tăng nguồn cung. Về vấn đề vốn, ông Lực cho rằng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 vẫn ở mức 25%. Như vậy, tín dụng không ách tắc và các doanh nghiệp bị thiếu vốn là do bị "phanh gấp". Thêm nữa, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán và trái phiếu cũng đứt gãy, gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.
"Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên chủ động cấp hạn mức tín dụng ngay từ đầu năm. Chậm nhất là trong tháng 2 này. Quan trọng hơn, cần tháo điểm nghẽn trái phiếu với Nghị định 65 để doanh nghiệp có sức khỏe tốt vẫn có thể phát hành trái phiếu. Cùng với đó, tổ công tác về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sớm báo cáo về tình trạng thực tại, có giải pháp kịp thời", - ông Lực khuyến nghị.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, bản thân doanh nghiệp bất động sản cũng cần triển khai tái cơ cấu một cách quyết liệt, có phương án thanh toán trái phiếu đến hạn, chủ động đàm phán với trái chủ để giãn nợ, thậm chí là hoãn đổi trái phiếu sang bất động sản.
Quan điểm rõ ràng của NHNN
Như đã thông tin, kết luận Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản sáng 8/2, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhận định, thị trường bất động sản gặp rất nhiều khó khăn vướng mắc, trong đó có vướng mắc về tín dụng.
Quan điểm của NHNN nhất quán và rất rõ ràng. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tóm gọn 17 kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội từ làm rõ, bổ sung các quy định về mục đích vay vốn; quy định về hình thức giải ngân; giãn nợ 24 – 36 tháng; đề xuất giữ nguyên nhóm nợ, không nên phân biệt hệ số rủi ro; cần có hướng dẫn về tín dụng đối với việc phát triển khu đô thị; mở room tín dụng riêng cho bất động sản, vốn để xây dựng nhà ở xã hội; có cơ chế riêng cho bất động sản du lịch (condotel); phối hợp với Bộ Tài chính xử lý những khó khăn, vướng mắc về trái phiếu doanh nghiệp đến sửa Thông tư 16 cho phép cấp tín dụng để cơ cấu lại khoản vay hay nên có một gói hỗ trợ lãi suất tương tự với gói 30.000 tỷ năm 2013 tại Việt Nam.
© TTXVN - Trần Quốc ViệtHội nghị tín dụng bất động sản
Hội nghị tín dụng bất động sản
© TTXVN - Trần Quốc Việt
Thống đốc chỉ rõ, để tháo gỡ khó khăn thì cần rất nhiều chính sách khác nhau gồm cả chính sách tín dụng, đòi hỏi từ hệ thống ngân hàng, từ chính các doanh nghiệp, các dự án phải minh bạch và đủ điều kiện, đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tự mình trong việc tái cơ cấu để phù hợp với khả năng tài chính và khả năng quản lý dòng tiền của mình.
Tại cuộc họp, về phía các doanh nghiệp, Thống đốc NHNN đề nghị, phải theo dõi diễn biến vĩ mô trong nước và thế giới, các chính sách của Chính phủ để chủ động việc đầu tư và sản xuất kinh doanh bởi nếu vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp sẽ khó khăn.
"Tôi nghe một lãnh đạo Bộ Xây dựng nói tại một cuộc họp rằng, có doanh nghiệp (cũng có mặt tại đây) cùng một lúc triển khai trên 50 dự án. Tôi cũng không hiểu việc triển khai đồng thời nhiều dự án như vậy thì doanh nghiệp có chủ động được những khó khăn hay không. Do đó, các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch và thận trọng khi xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh", - Thống đốc nói.
Tiếp đó, Thống đốc NHNN bày bỏ mong muốn, trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, các doanh nghiệp đều cần chú trọng trong việc quản trị dòng tiền của mình.
"Có những doanh nghiệp có rất nhiều dự án và tài sản giá trị lớn, nhưng khi cần tiền ngay lại khó vì bán một dự án không phải dễ, việc này phụ thuộc vào người mua, vào thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính", - bà Hồng lưu ý.
Tiếp đó, theo lãnh đạo NHNN, bản thân các doanh nghiệp cần phải có giải pháp cơ cấu và quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận và khả năng tiêu thụ sản phẩm để có những điều chỉnh phù hợp, đảm bảo năng lực tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hóa khả năng huy động vốn, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng. Nếu doanh nghiệp cứ phụ thuộc vào vốn ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ phải thắt chặt sẽ gặp khó khăn.
Cuối cùng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mong rằng bản thân các doanh nghiệp tích cực phát triển những dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Về phía hệ thống ngân hàng cũng sẽ có giải pháp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào phân khúc này.
Nêu quan điểm tại cuộc họp, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, bản thân NHNN không "bó cứng" room cho tăng trường tín dụng vào bất động sản mà chỉ có định hướng chung là thông báo cho từng tổ chức tín dụng trên cơ sở các tổ chức hoạt động an toàn, lành mạnh. Còn việc phân bổ cho các chi nhánh, địa phương là do các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát rủi ro đối với lĩnh vực bất động sản và chứng khoán thì không phải là rủi ro của việc tín dụng thuần túy, có thể là một dự án đủ điều kiện vay vốn nhưng ngân hàng không cho vay được vì nếu cho vay dài hạn, ngân hàng sẽ không đảm bảo được khả năng an toàn hoạt động, người dân đến rút tiền sẽ không có tiền trả. Do đó, rủi do ở đây là việc chênh lệch kỳ hạn và an toàn hệ thống.
Người đứng đầu NHNN nhắc lại, đối với năm 2023, định hướng tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 14 – 15%, nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình.
"Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nhưng nếu lạm phát có nguy cơ rủi ro tăng cao thì lúc đó NHNN sẽ có điều chỉnh phù hợp", - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.