“Đại bàng Mỹ” tới Việt Nam tìm địa bàn chiến lược
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Đăng ký
Chiều 22/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất tới Việt Nam từ trước tới nay, như Sputnik đã đề cập trước đó với những cái tên đáng chú ý như tập đoàn công nghiệp quân sự Lockheed Martin, Boeing, SpaceX, Apple, Amazon, Meta, Netflix…
Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu
Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng đoàn đại biểu hơn 50 doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ sang thăm và làm việc tại Việt Nam đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ (2013-2023).
Sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (từ năm 1995) và 10 năm Quan hệ Đối tác toàn diện (ngày 25/7/2013), quan hệ hai nước đã và đang phát triển ngày một tích cực, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa-xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, trên nền tảng hữu nghị, tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi. Hoa Kỳ cũng đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
“Việt Nam luôn coi Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, hoan nghênh Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập và thịnh vượng. Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ ngày càng thực chất, ổn định, đi vào chiều sâu trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau”, - Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên bố.
Thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy Quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển trên cơ sở cùng có lợi, mang lại tăng trưởng và việc làm cho nhân dân cả hai nước, góp phần duy trì, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn và mong muốn phía Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ nhân đạo, hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh do bom mìn, chất độc da cam…
Việt Nam đã xoá quan liêu bao cấp
Tại cuộc gặp với các “đại bàng” Mỹ, Thủ tướng Chính khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn cởi mở và sẵn sàng lắng nghe tâm tư, chia sẻ, ý kiến của cộng đồng các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Hoa Kỳ giải quyết khó khăn, vướng mắc và thực hiện các dự án đầu tư thành công, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, - Thủ tướng nói.
Chia sẻ về những nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đẩy mạnh công cuộc đổi mới dựa trên xóa quan liêu bao cấp, thực hiện nền kinh tế đa thành phần, hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông cũng khẳng định, Việt Nam không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, phát triển văn hóa ngang tầm kinh tế, chính trị, xã hội.
“Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển”, - ông Phạm Minh Chính bày tỏ.
Việt Nam nỗ lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, trải qua nhiều năm chiến tranh, bao vây và cấm vận, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, một tác động nhỏ bên ngoài có thể tác động lớn tới bên trong, như những diễn biến gần đây liên quan tới biến động của đồng USD, hệ thống ngân hàng các nước như Mỹ, Thụy Sĩ...
Mặt khác, Thủ tướng cho biết, nội tại nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nên thời gian qua, Việt Nam đã kiên quyết xử lý các sai phạm trên thị trường bất động sản, trái phiếu, ngân hàng... và “đến nay đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất”.
Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một hợp phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; tôn trọng, khuyến khích, sẵn sàng tạo điều kiện để khu vực này phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả".
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, Việt Nam kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Việt Nam tiếp tục ưu tiên tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số) để tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Việt Nam xây dựng cơ chế, chính sách cho các lĩnh vực mới nổi, ưu tiên các động lực tăng trưởng bền vững như kinh tế số và chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái; thực hiện có trách nhiệm các cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược
Phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN Ted Osius chúc mừng Việt Nam về những kết quả tăng trưởng rất ấn tượng trong năm 2022 mặc dù chịu tác động mạnh từ những biến động toàn cầu, khẳng định niềm tin vào triển vọng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam với vai trò chỉ đạo, điều hành hiệu quả Chính phủ.
Ông Ted Osius cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ coi Việt Nam là thị trường chiến lược với cam kết đầu tư dài hạn, ủng hộ mạnh mẽ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển hạ tầng như đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…
Về phần mình, Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất tới Việt Nam từ trước tới nay, khẳng định cam kết của Chính phủ và khu vực tư nhân Hoa Kỳ trong việc ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, thúc đẩy các hoạt động hợp tác vì sự thịnh vượng của hai quốc gia.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đề xuất những ý tưởng mới, cơ hội mới về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, du lịch, ô tô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, ngân hàng... đồng thời nêu nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng gắn kết, thực chất và thành công hơn nữa.
Đại diện tập đoàn năng lượng AES cho biết năng lượng tiếp tục là một trong những chủ đề thảo luận chính của các nhà đầu tư với mục tiêu thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng trị giá hàng tỷ USD tại Việt Nam. Tập đoàn AES là nhà đầu Hoa Kỳ lớn nhất trong lĩnh vực năng lượng và đang đóng vai trò tích cực trong hợp tác về năng lượng hai nước, với các dự án bao gồm dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ và nhà máy điện Sơn Mỹ 2. Những tiến triển trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Việt Nam tích cực thảo luận IPEF
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, các bên tiếp tục tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả, bình đẳng, cùng có lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam cũng mong Mỹ tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tăng cường hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng giữa 2 quốc gia, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ sinh sống, làm việc thuận lợi, đóng góp cho sở tại cũng như quan hệ hai nước.
Về triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà hai nước là thành viên và các cuộc thảo luận, đàm phán trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), Thủ tướng hoan nghênh quan tâm của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đối với IPEF.
Hiện nay Việt Nam đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ và các bên liên quan để tiếp tục làm rõ nội hàm của IPEF, trên cơ sở đó cùng thảo luận để bảo đảm sáng kiến này phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như cân bằng lợi ích của các nước. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đóng góp ý kiến, kiến nghị chính sách cho Việt Nam trong công tác rà soát, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế kinh tế nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các Hiệp định FTA, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Trong lĩnh vực năng lượng, Thủ tướng hoan nghênh các đề xuất hợp tác của các tập đoàn Mỹ và cho hay Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng và phát triển theo hướng tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong cơ cấu nguồn cung năng lượng quốc gia; giảm dần sự phụ thuộc nhiệt điện than.
Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các ưu đãi về tài chính, lãi suất và hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị, hoàn thiện thể chế, nguồn nhân lực, làm sao để giá điện phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và thu nhập người dân.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, người dân Việt Nam trong việc kết nối cơ sở sản xuất với thị trường tiêu thụ, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng ĐBSCL…, phía Hoa Kỳ tiếp tục mở rộng thị trường cho trái cây, cá da trơn, tôm… của Việt Nam.
Trong lĩnh vực hàng không, Chính phủ đang nghiên cứu, hoàn thiện quy hoạch hệ thống Cảng hàng không toàn quốc. Trong năm 2023, bên cạnh các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang được Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư, các doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tìm hiểu thêm thông tin về dự án sân bay Long Thành và quan tâm, tham gia dự án trong vai trò là nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị.
Thủ tướng cũng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các vấn đề liên quan đến visa, giấy phép lao động… để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp USABC tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ với Chính phủ Việt Nam, giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai nước; hỗ trợ thúc đẩy các kênh hợp tác giữa hai nước; tăng cường hợp tác thực chất, hiệu quả với Việt Nam trên cơ sở tối ưu hóa tiềm năng của khuôn khổ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại-đầu tư, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên USABC tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và doanh nghiệp của USABC có thế mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu, góp phần giúp doanh nghiệp hai nước đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng.
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp các doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN
© Ảnh : TTXVN - Dương Văn Giang
Cùng với đó, phối hợp với Việt Nam trong nghiên cứu, xây dựng chính sách để có thể tiếp cận và thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ theo hướng thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao; tạo điều kiện để các tập đoàn xây dựng các trung tâm R&D, vườn ươm công nghệ gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị hiện đại… Tăng cường hợp tác, mua sắm, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; công nghệ cao, nông nghiệp số, nông nghiệp sạch, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cân bằng cán cân thương mại
Thủ tướng cho biết Việt Nam sẵn sàng nhập khẩu mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng từ Hoa Kỳ nhằm cải thiện cán cân thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ.
Ông đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ nghiên cứu phát triển hợp tác với Việt Nam theo hướng này và thúc đẩy phía Hoa Kỳ có chính sách phù hợp, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan tới thương mại và đầu tư giữa hai bên một cách thỏa đáng.
Kim ngạch song phương năm 2022 đạt mức kỷ lục hơn 123 tỷ USD (tăng 11% so với 2021), Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 và là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Hoa Kỳ nằm trong top 10 quốc gia mà Việt Nam có dự án đầu tư.