Chuyện gì đang xảy ra với TP.HCM?
© Depositphotos.com / Vietnam_imagesThành phố Hồ Chí Minh
© Depositphotos.com / Vietnam_images
Đăng ký
Từ "đầu tàu về kinh tế của cả Việt Nam", lần đầu tiên TP.HCM nằm trong nhóm tăng trưởng thấp nhất cả nước. Dù đã lường trước tình hình khó khăn và dự báo thận trọng từ cuối năm ngoái, nhưng kết quả thực tế của TP.HCM còn xấu hơn.
Chủ tịch UBND TP.HCM trăn trở, có rất nhiều người đang đặt câu hỏi "điều gì đang xảy ra tại TP.HCM?".
Nhìn thẳng vào sự thật
Một cuộc họp kinh tế- xã hội đầy trăn trở, hàng loạt ý kiến thẳng thắn lý giải nguyên nhân vì sao kinh tế TP.HCM chỉ tăng trưởng 0,7% quý I/2023, giảm sâu hơn dự báo và đâu là giải pháp vực dậy kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra ngày đầu tháng tư, như Sputnik thông tin.
Bí thư Nguyễn Văn Nên điểm lại, GRDP của Thành phố trong quý I ước đạt khoảng 360.000 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, đưa thành phố về danh sách 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp nhất cả nước.
Ông lưu ý, thế giới có các biến động, bất định, phức tạp và nhiều thứ mơ hồ. Thành phố hội nhập sâu rộng, các hoạt động đều ảnh hưởng. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, thành phố đã dự tính được năm 2023 có nhiều khó khăn, thử thách. Do đó, năm 2023, Thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP từ 7,5 đến 8%, thấp hơn năm ngoái.
"Nhưng sự thật chúng ta không ngờ đến là các chỉ số thấp ở mức sâu như thế. Những khó khăn đã được dự tính trước, nhưng các chỉ số giảm sâu hơn điều được dự đoán", - Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ.
Người đứng đầu Thành uỷ TP.HCM bày tỏ, có thể coi bốn quý trong năm như bốn trận đấu vòng loại, trong trận đầu tiên, thành phố đã thua đậm thì ba trận còn lại đều là những trận chung kết để lấy lại những gì đã mất.
"Các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật những nguyên nhân, đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cho quý 2 và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp", - Bí thư Nên nhấn mạnh.
Vì sao kinh tế TP.HCM yếu đi?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai, nguyên nhân mức tăng trưởng của TP.HCM thấp là do bị tác động bởi đà suy giảm của thế giới.
Thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh...
Tuy nhiên, theo chuyên gia, báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố "chưa nêu thẳng được nguyên nhân".
Như Sputnik đề cập, phát biểu tại cuộc họp, TS. Trần Du Lịch (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) chỉ ra 3 nguyên nhân khiến kinh tế TP.HCM tăng thấp hơn mọi dự báo.
Thứ nhất, ảnh hưởng từ bên ngoài. Một vấn đề có tính quy luật đã được chứng minh với TP.HCM, nếu tình hình thế giới tốt thì thành phố chuyển biến rất tích cực và ngược lại.
Nhìn toàn cảnh tình hình thế giới lẫn trong nước, rất không may cho kinh tế cả nước và thành phố trong quý IV/2022 vừa chịu tác động lớn từ bên ngoài là biến động thị trường tài chính thế giới và bên trong với những bất ổn về ngân hàng, tín dụng, thị trường bất động sản.
"Hai yếu tố này cộng hướng làm chúng ta cực kỳ khó khăn và thành phố là địa bàn chịu tác động của 2 yếu tố này mạnh nhất cả nước", - TS. Trần Du Lịch bày tỏ.
Theo chuyên gia, có 3 giải pháp để Thành phố phục hồi sau cơn “bạo bệnh” và đã được nhiều chuyên gia đồng tình, gồm: đầu tư công, tháo gỡ thể chế để hấp thụ vốn, phát triển thị trường nội địa. Tuy nhiên, trong quý vừa qua đều không được sử dụng tốt.
Đầu tiên là giải ngân đầu tư công. Trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành phố chỉ giải ngân được 952 tỷ đồng, tương đương 2% tổng vốn được giao, trong khi cùng kỳ giải ngân được 1.604 tỷ đồng.
"Thành phố đã bỏ hoàn toàn công cụ đầu tư công để kích thích kinh tế", - ông Lịch nói thẳng.
Về thể chế, ông cho biết đã có nhiều kiến nghị thành phố cần công khai, minh bạch thông tin của toàn bộ các dự án đang tồn đọng trên địa bàn. Dù vậy, thông tin đến nay vẫn mù mờ. TS. Trần Du Lịch nhắc lại, đây là vấn đề mà cá nhân ông đã đề xuất thành phố trong năm 2022 với 10 nhóm giải pháp, trong đó cần công khai, minh bạch toàn bộ các dự án đang tồn đọng, cái nào làm, cái nào không làm nhưng tới nay vẫn chưa có. Công cụ hấp thụ vốn không thực hiện được, không thành công.
Vấn đề cuối cùng là phát triển thị trường nội địa, doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tại thành phố chỉ tăng trưởng hơn 3%, trong khi cả nước đạt gần 10%. Điều này chưa bao giờ xảy ra.
"Ba trụ cột thúc đẩy nền kinh tế, liều thuốc sau thời kỳ bạo bệnh nhưng Thành phố đều không sử dụng hiệu quả", - theo ông Lịch và đây là những vấn đề ông đã kiến nghị, không biết thành phố đã triển khai đến đâu.
Thành phố phải tháo gỡ đầu tư công, đầu tư tư nhân để vốn vào nền kinh tế - còn không thì không làm được gì. Vấn đề mấu chốt là Thành phố phải công khai, minh bạch thông tin để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có niềm tin, đầu tư trở lại, kinh tế mới tăng trưởng.
Theo TS. Trần Du Lịch tin rồi TP.HCM sẽ sớm lấy lại được đà tăng trưởng nếu cải thiện được những yếu tố đã phân tích, giải quyết được những vấn đề trì trệ, gỡ khó để hấp thụ vốn, không chung chung mà phải công khai, minh bạch để tập niềm tin cho doanh nghiệp.
Điều gì đang xảy ra với TP.HCM?
Tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, tình hình kinh tế tại thành phố đang gặp nhiều khó khăn.
"Nhiều ngày qua, dư luận cũng đặt nhiều câu hỏi về việc điều gì đang xảy ra tại TP. HCM? TP.HCM đang gặp vấn đề gì?" - ông Mãi nói.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4 và quý II/2023, ông Mãi yêu cầu từng sở, ngành, địa phương phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong đó, các công việc cần được rà soát, phân công, giao tiến độ cụ thể.
Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn. Quán triệt lại quy chế phối hợp đã được UBND thành phố ban hành trước đó, ông yêu cầu các đơn vị không chờ đợi nhau khi xin ý kiến. Trong thời gian nhất định, nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý.
"Gần đây, một số sở phản ánh việc chưa thực hiện công việc và chờ ý kiến góp ý của cơ quan khác. Đặc biệt, thành phố có tình trạng cùng một vấn đề mà văn bản chạy ra, chạy vô các sở nhiều lần. Điều này khiến các công việc của địa phương bị tồn đọng", - ông Mãi đề nghị chấm dứt việc này.
Đồng thời, mỗi quý, mỗi tháng cần tổng hợp danh sách đơn vị không có ý kiến trả lời để UBND Thành phố có hình thức nhắc nhở.
"Các vấn đề tồn đọng khá nhiều và đề nghị thủ trưởng các sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng UBND cần chú ý", - ông Phan Văn Mãi thẳng thắn.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị các sở, ban quản lý dự án cần sớm tháo gỡ và để các dự án công, dự án tư được triển khai. Trong đó, các đơn vị cần lưu ý đến khó khăn của các dự án bất động sản được đề xuất tháo gỡ thời gian qua.
"Chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc, xác định, hành động quyết liệt để sớm thoát khỏi tình trạng này, tiếp tục vươn lên", - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kết luận.