Bộ Công an nói rõ về việc tăng tuổi nghỉ hưu, thêm 6 vị trí cấp tướng
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung KiênCông bố lệnh của Chủ tịch nước các luật đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5
© Ảnh : TTXVN - Phạm Trung Kiên
Đăng ký
Theo Bộ Công an, việc tăng tuổi nghỉ hưu với sĩ quan công an đem lại “lợi ích về mọi mặt” cho nước nhà.
Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bổ sung 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng trong công an nhân dân, trong đó 1 Thượng tướng và 5 Thiếu tướng.
Thêm sáu vị trí cấp tướng trong lực lượng công an
Sáng 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố các Luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 vừa qua, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an đã giới thiệu về những điểm mới đáng chú ý về Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Tướng Long cho biết các trường hợp nào sẽ được Chủ tịch nước quyết định thăng Tướng công an. Theo ông Long, sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ ba năm công tác, trường hợp không còn đủ ba năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể tiêu chuẩn, tiêu chí thăng cấp bậc hàm trước thời hạn và vượt bậc đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác.
Luật lần này cũng bổ sung quy định cụ thể sáu vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong Công an nhân dân, gồm một vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng.
Theo Luật vừa được Quốc hội thông qua, sĩ quan công an biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có hàm cao nhất là Thượng tướng.
Năm vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, gồm: Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, một trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và hai vị trí phó cục trưởng tại đơn vị trực thuộc Bộ Công an.
Ngoài ra, Luật cũng quy định Trung đoàn trưởng ở các đơn vị trực thuộc Bộ, Công an TP. Hà Nội, Công an TP.HCM, Trưởng phòng tổ chức cán bộ, công tác đảng và công tác chính trị, Trưởng Công an thành phố thuộc Công an TP. Hà Nội và TP.HCM có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá.
Luật sửa đổi cũng quy định tăng hai tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan. Riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng năm tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng ba tuổi, bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan Công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt.
Theo đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của nam sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá, cấp Tướng, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tá, Đại tá thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.
Cùng với đó, hạn tuổi phục vụ cao nhất của lực lượng công an: nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động. Chính phủ sẽ quy định chi tiết hai nội dung nói trên.
Vì sao phải kéo dài thời hạn phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an?
Trao đổi sau đó tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính (Bộ Công an) đã thông tin thêm về lộ trình thực hiện việc kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan công an.
Theo đó, việc kéo dài hạn tuổi phục vụ áp dụng cho sĩ quan có tuổi phục vụ trên 60 tuổi sẽ áp dụng lộ trình quy định tại Bộ Luật Lao động.
Cụ thể, mỗi năm kéo dài ba tháng đối với nam sĩ quan và mỗi năm kéo dài bốn tháng với nữ sĩ quan cho đến khi nam đủ 62 tuổi vào năm 2028 và nữ đủ 60 tuổi vào năm 2035.
“Nhóm sĩ quan được kéo dài hạn tuổi phục vụ trên 60 tuổi đến 62 tuổi thì mỗi năm kéo dài ba tháng cho đến khi đủ hạn tuổi phục vụ”, - tướng Nguyên cho biết.
Với nam và nữ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ lần lượt dưới 60 - 55 tuổi, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, khảo sát thực tế cho thấy tuổi đang phục vụ rất thấp so với hạn tuổi đề xuất nên áp dụng tăng ngay hai tuổi mà không theo lộ trình của Bộ Luật Lao động.
“Việc này không áp dụng với các trường hợp đã nghỉ theo chế độ trước khi luật có hiệu lực là 15/8”, - Thiếu tướng Phạm Công Nguyên lưu ý.
“Lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là lực lượng đặc thù, mọi cơ chế liên quan đều được tính theo cách khác như tuổi nghỉ hưu thường được tính sớm hơn so với tuổi lao động thông thường. Tuy nhiên, căn cứ để sửa đổi nâng tuổi của lực lượng công an lần này là theo Bộ luật Lao động. Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải thêm về việc này”, - phóng viên báo Thanh Niên đặt câu hỏi.
Đáp lại, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên cho rằng công an cũng là lực lượng vũ trang, nhưng đặc thù công việc của công an khác quân đội.
Khảo sát thực trạng trong lực lượng công an, theo xu hướng chung của thế giới, theo tướng Phạm Công Nguyên, người ta cũng có xu hướng kéo dài độ tuổi lao động, vì sức khoẻ ngày càng được chăm sóc tốt hơn, tuổi thọ được kéo dài hơn.
Nguồn lao động sau khi nghỉ chế độ còn rất dồi dào, khả năng cống hiến cho đất nước, cho xã hội rất lớn.
“Chủ trương này cũng để tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cao, có kinh nghiệm và giảm chi phí đào tạo, đặc biệt trong một vài quốc gia, họ còn cân đối quỹ lương hưu với chi trả lương”, - đại diện Bộ Công an nêu rõ.
Qua rà soát, Bộ Công an đề xuất Chính phủ để tiếp tục sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều trong đấu tranh phòng chống tội phạm, đồng thời giảm đầu vào, giảm chi phí đào tạo, bồi dưỡng.
Cục trưởng Cục pháp chế và cải cách hành chính lý Phạm Công Nguyên nhấn mạnh, đặc thù lao động của lực lượng công an là một lĩnh vực đòi hỏi đào tạo rất bài bản, lâu năm, phải trải qua thực tiễn công tác, tích luỹ nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
“Do đó, việc kéo dài thời hạn phục vụ đối với sĩ quan, hạ sĩ quan trong lực lượng công an là lợi thế, có nhiều điểm tích cực, mang lại lợi ích cho lực lượng công an, cho Chính phủ về mọi mặt”, - ông Nguyên nhấn mạnh.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Bổ sung “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh
Cũng vào ngày 15/8, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực thi thành.
Một trong những điểm mới của luật này, theo Thứ trưởng Bộ Công an, là đã bổ sung thông tin “nơi sinh” trên giấy tờ xuất nhập cảnh và bổ sung quy định “thông tin khác do Chính phủ quy định” để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thực tiễn trong từng thời kỳ.
Hiện, Việt Nam đã bãi bỏ quy định nộp bản chụp chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất.
Luật cũng sửa đổi để bãi bỏ quy định nộp bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
Với người nước ngoài, luật mới đã sửa đổi các điều, khoản để nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên không quá 90 ngày, có giá trị một lần hoặc nhiều lần và quy định tính thời hạn thị thực theo ngày với với các loại thị thực có thời hạn dưới một năm để đảm bảo thống nhất.
Thời hạn tạm trú của công dân các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực cũng được nâng lên từ 15 ngày lên 45 ngày.
Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, luật đã bổ sung quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được sử dụng lao động là người nước ngoài, tổ chức chương trình du lịch cho người nước ngoài hoặc cho người nước ngoài tạm trú khi người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thông báo ngay cho cơ quan công an hoặc đồn, trạm biên phòng nơi gần nhất.