Bà Nguyễn Thị Kim Tiến: Tỷ lệ đăng ký hiến tạng Việt Nam thấp nhất thế giới
17:16 18.01.2024 (Đã cập nhật: 17:26 18.01.2024)
© TTXVN - Phan Thị SáuBác sĩ hai bệnh viện cùng thực hiện điều trị
© TTXVN - Phan Thị Sáu
Đăng ký
Tại lễ ra mắt Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ở Bệnh viện Việt Đức, nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Việt Nam có tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới.
Do vậy, cần vận động để người dân hiểu rằng "làm từ thiện cao nhất là hiến máu và hiến tạng".
Mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức có 3-5 ca chết não. Cần giúp các gia đình có người không may chết não hiểu rằng, người hiến tạng là làm từ thiện lần cuối trong đời. Điều này có ý nghĩa lớn lao khi cứu sống nhiều người khác, cũng như giúp người đó được sống cuộc đời thứ 2 trong những người được cứu sống.
Tỷ lệ đăng ký hiến tạng Việt Nam thấp nhất thế giới
Ngày 18/1, Bệnh viện Việt Đức đã tổ chức lễ ra mắt Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam. Chi hội do Giám đốc Dương Đức Hùng trực tiếp phụ trách.
Được biết, tại Bệnh viện Việt Đức, trong các năm qua, có 107 ca chết não hiến tạng, chiếm 70% số ca chết não hiến tạng trên cả nước.
Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Trưởng ban Bảo vệ, Chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, hiện là Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, cho biết, Bệnh viện Việt Đức là đơn vị đầu ngành về ghép tạng trong cả nước, với công nghệ ghép tạng sánh ngang với các nước trên thế giới.
"Tuy chúng ta làm tốt công nghệ ghép tạng, nhưng trong các hội nghị quốc tế về ghép tạng chưa có tên Việt Nam, vì hội nhập của Việt Nam còn thấp, do nguồn tạng hiến sau chết não trên cộng đồng và vận động tại các bệnh viện rất thấp; tỷ lệ người dân đăng ký hiến tạng thấp nhất thế giới, tỉ lệ người ghép tạng từ người cho chết não cũng thấp", - tạp chí VietTimes dẫn lời nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Bà Tiến hy vọng, trong thời gian tới, việc vận động hiến mô, tạng sẽ có nhiều thay đổi, khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sẽ được sửa đổi, làm rõ quy trình phối hợp trong lấy tạng hiến của các bệnh viện có khả năng lấy tạng và vận động người nhà bệnh nhân chết não hiến, để chuyển cho các bệnh viện ghép tạng.
Theo bà, cần vận động hiến tạng để người dân hiểu rằng làm từ thiện cao nhất là hiến máu và hiến tạng". Vì nếu người chết não không hiến tạng, các bộ phận cơ thể sẽ về với cát bụi, trong khi nếu hiến tạng sẽ cứu được nhiều người bệnh.
© Ảnh : Báo Sức khỏe & Đời sốngPGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã nhấn mạnh những thông tin trên tại lễ công bố thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Việt Đức sáng nay, 18/1.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam đã nhấn mạnh những thông tin trên tại lễ công bố thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Việt Đức sáng nay, 18/1.
© Ảnh : Báo Sức khỏe & Đời sống
Việc làm ý nghĩa
Về phần mình, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết, trên 70% số tạng ghép từ người cho chết não được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức.
Ngoài ghép tạng, bệnh viện còn chia sẻ mô, tạng của người hiến cho bệnh viện khác. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối được cứu chữa.
Trên thực tế, có nhiều người đủ điều kiện hiến mô tạng, nhưng tỷ lệ hiến tạng hiện rất thấp. Công tác vận động đã làm nhưng chưa tốt. Việc thay đổi nhận thức của người dân trong thời gian ngắn là không dễ. Đầu tiên là thay đổi nhận thức của nhân viên y tế và người được trực tiếp giao nhiệm vụ vận động, sau đó mới đến người nhà.
Hiện phía bệnh viện đã điều chỉnh một số quy định, từ đó trong 1 tháng có 5 gia đình đã đồng ý hiến mô tạng của người thân, tuy nhiên chỉ có 2 gia đình đủ điều kiện. Nhờ vậy mà các y bác sĩ đã cứu sống được 8 bệnh nhân.
TS.BS. Dương Đức Hùng nhấn mạnh, trong năm 2024, Bệnh viện Việt Đức sẽ quan tâm đầu tư mọi mặt để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác ghép tạng, nhất là việc vận động hiến tạng, xứng đáng là đơn vị đầu ngành về hiến và ghép tạng.
Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Việt Đức, ông Hùng sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế và cơ quan lập pháp để bổ sung, sửa đổi những bất cập trong Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hy vọng chi hội sẽ là cánh tay nối dài quan trọng của ngành y tế trong việc vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người, góp phần làm thay đổi nhận thức về đăng ký hiến tạng, từ trong nhân viên y tế rồi lan toả ra cộng đồng, qua đó tạo ra thay đổi về hành động.
Được biết, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn, đến nay trên cả nước đã tiếp nhận được hơn 78.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau chết, chết não. Mỗi ngày, Bệnh viện Việt Đức có 3-5 ca chết não.
Do đó, rất cần giúp các gia đình có người không may chết não cập nhật thông tin và hiểu rằng, người hiến tạng là làm từ thiện lần cuối trong đời. Điều này có ý nghĩa lớn lao khi cứu sống nhiều người khác, cũng như giúp người đó được sống cuộc đời thứ 2 trong những người được cứu sống.
Theo ông Phúc, chi hội ra đời, lại do chính Giám đốc Bệnh viện trực tiếp phụ trách, sẽ giúp cho việc vận động hiến mô, tạng tốt hơn. Bên cạnh đó, sự quan tâm của Bộ Y tế cũng sẽ góp phần lan toả văn hoá cống hiến của người Việt Nam.