Nhà sư đáp trả TS. Đoàn Hương
© Ảnh : Vạn ThiệnThượng tọa Thích Thiện Thuận trong một chuyến chia sẻ với bà con khó khăn
© Ảnh : Vạn Thiện
Đăng ký
Phát ngôn của Tiến sĩ Đoàn Hương rằng, một số nhà sư "làm tiền", sống xa hoa khiến đi tu trở thành một nghề được đánh giá là nhận định chủ quan, phản cảm.
Nhiều tăng ni, phật tử đánh giá việc phát ngôn "nhà sư làm tiền", "sống xa hoa", "đi tu trở thành một nghề" là những nhận xét đầy ác cảm, thiếu khách quan, thiếu hiểu biết gây tổn thương cho cộng đồng Phật giáo và sự hiểu lầm với nhân dân cả nước của TS. Đoàn Hương.
Hiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đang ghi nhận ý kiến để kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
Phát ngôn gây tranh cãi của TS. Đoàn Hương
Theo phản ánh trên báo Thanh niên, trong một talkshow mới đây, TS. Đoàn Hương có phát ngôn cho rằng:
"Một số nhà sư "làm tiền", sống xa hoa khiến đi tu trở thành một nghề".
TS. Đoàn Hương cũng cho rằng, có hiện tượng đền chùa “mài dao cả năm để chờ chặt chém du khách”.
Phát ngôn này gây xôn xao mạng xã hội trong thời gian qua. Đặc biệt, khiến một số tăng ni, nhà sư có ý kiến cho rằng đây là nhận định chủ quan, vơ đũa cả nắm.
Tiến sĩ Đoàn Hương là người từng có nhiều phát ngôn gây xôn xao mạng xã hội. Mới nhất, bà cũng từng làm "dậy sóng" mạng xã hội khi nói về hoa hậu Ý Nhi.
Trao đổi về phát ngôn "nhà sư làm tiền, sống xa hoa", Thượng tọa Thích Thiện Thuận, Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết, ông đã nghe hết những ý kiến của bà xung quanh chủ đề đưa ra như lên án bói toán, mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn cùng những ý kiến được cho là nhằm bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống nhân Xuân về, Tết đến.
Chánh thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, đây là một chủ đề rất hay, nhưng tiếc thay, cả người dẫn dắt, lẫn người phát biểu lại dắt nhau đi xa quá, rất xa...
"Tôi không biết khi nhận xét ngày nay, đi tu là một sự kiếm lợi, bà đã từng có những trải nghiệm, những hiểu biết về đời sống tu hành chuông mõ 6 thời tinh nghiêm trong ngày, cùng những hy sinh, cống hiến thầm lặng của hơn 50.000 tăng ni và hơn 17.000 ngôi chùa của cả nước? Bà có biết, thực tế con số hơn 2.100 tỷ đồng vào năm 2023 đã được đóng góp cho các quỹ, ủng hộ quốc phòng, biên giới hải đảo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đã đến từ đâu không?" - Thượng tọa Thích Thiện Thuận bày tỏ.
Thượng tọa Thích Thiện Thuận cho rằng, người trí thức luôn kiểm chứng thông tin khi phát ngôn trước công chúng, sự mơ hồ là điều không thể chấp nhận.
"Tiếc rằng, vì thích thể hiện mình, bà đã lựa chọn cách nói quá thô thiển, không xứng tầm học vị khi đưa ra nhận định mang tính phủ quyết danh dự người khác mà không đủ luận cứ xác minh", - Thượng tọa Thích Thượng Thuận bày tỏ.
Kiến nghị đến cơ quan chức năng
Liên quan đến vấn đề này, Đại đức Thích Nguyên Huấn, Trưởng ban TT-TT Phật giáo tỉnh Đắk Lắk cho biết:
"Chúng tôi bị tổn thương khi vừa qua có theo dõi đoạn phỏng vấn của nhà đài VTC Now với bà Đoàn Hương - một nhà trí thức, có ảnh hưởng ít nhiều đến cộng đồng về những nhận định thiếu chuẩn mực, áp đặt và có phần ác cảm đối với Phật giáo".
Đại đức cho biết, là một tôn giáo lớn, có gần 60 nghìn Tăng Ni trong cả nước đang tu học, hành đạo, đem lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, ấm no, hạnh phúc.
Đại đức cho rằng, dù đâu đó vẫn có những hình ảnh không đẹp của tu sĩ Phật giáo, hoặc các hình thức nghi lễ, tuy nhiên đó là con số cực nhỏ.
"Vì vậy, việc khẳng định "nhà sư làm tiền", "sống xa hoa", "đi tu trở thành một nghề" là những nhận xét đầy ác cảm, thiếu khách quan, thiếu hiểu biết gây tổn thương cho cộng đồng Phật giáo và sự hiểu lầm với nhân dân cả nước", - sư Thích Nguyên Huấn nhận xét.
Trong khi đó, liên quan đến phát ngôn của Tiến sĩ Đoàn Hương, theo Thượng tọa Thích Tâm Hải, trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM vẫn đang lắng nghe, tập hợp những ý kiến của tăng ni, phật tử để có kiến nghị đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền.