Việt Nam sẽ phủ sóng 5G toàn quốc, EVN cam kết không để thiếu điện
© Depositphotos.com / SvedoliverTrạm thu phát sóng
© Depositphotos.com / Svedoliver
Đăng ký
Năm 2024, Viettel sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc và đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu vùng xa.
Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An khẳng định, EVN quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp, không để thiếu điện trong mọi tình huống.
PVN năm qua đạt nhiều kỷ lục và sẽ tiếp tục có ảnh hưởng trọng yếu đối với toàn bộ chuỗi giá trị năng lượng Việt Nam.
Viettel sẽ phủ sóng 5G toàn quốc
Ông Tào Đức Thắng – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết thông tin này tại cuộc gặp mặt đầu xuân các doanh nghiệp nhà nước tiêu biểu của lãnh đạo Chính phủ.
Ông Tào Đức Thắng bày tỏ, Viettel vinh dự và tự hào, vừa áp lực khi điều hành doanh nghiệp nhà nước để vừa bảo đảm hiệu quả, vừa bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Trong năm 2023, Viettel đã hoàn thành nhiệm vụ, "về đích tốt, an toàn" mà một trong những nguyên nhân giúp doanh nghiệp đạt được thành tích ấy là nhờ sự điều hành sát sao, quan tâm, hỗ trợ về mặt cơ chế, chính sách của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và các bộ, ngành.
“Các chiến lược lớn của Viettel đều đã được phê duyệt rất sớm. Chúng tôi thấy được sự quan tâm, gần gũi, đồng hành của Chính phủ”, báo Chính phủ tổng thuật.
Năm 2024, Viettel xác định rất nhiều thuận lợi phía trước. Cơ hội mở ra, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Những chuyến công tác đối ngoại của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những đoàn đến Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lớn cho thấy nhiều cơ hội đang ở phía trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội sẽ có những thách thức, do đó làm sao để bảo đảm phát triển doanh nghiệp có hiệu quả là điều Viettel đặc biệt quan tâm.
Nhấn mạnh, để có tăng trưởng thì phải có đầu tư, nên trong năm 2024, Viettel sẽ mạnh dạn đầu tư rất nhiều trong lĩnh vực hạ tầng, như hạ tầng giao thông, hạ tầng số…
“Năm 2024 sẽ là năm chuyển đổi lớn khi mà tháng 9 này sẽ tắt sóng 2G, chỉ có sóng 4G và 5G. Năm nay chúng tôi sẽ triển khai 5G phủ sóng trên phạm vi toàn quốc”, Chủ tịch Viettel cho biết.
Năm nay, tập đoàn Viettel sẽ đầu tư gần 30.000 tỷ đồng để đẩy mạnh tần số bao gồm hệ thống kết nối đến các vùng sâu vùng xa.
Tiếp đó là tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn để các doanh nghiệp lớn như Amazon, Microsoft có thể đặt những trung tâm dữ liệu lớn.
Viettel cũng tập trung triển khai chuyển đổi số cho Chính phủ, doanh nghiệp, xã hội.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi ngày hôm qua, từ phiên họp Chính phủ thường kỳ, chúng tôi được biết sẽ có một cơ chế rất quan trọng về việc mua sắm công nghệ thông tin tại bộ, ngành, tỉnh, thành phố dựa trên nguồn chi thường xuyên”, ông Thắng đánh giá đây là thuận lợi lớn để Viettel tập trung cung cấp các giải pháp hiệu quả chuyển đổi số.
Năm nay, Viettel cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công nghệ cao. Ngay từ những ngày cuối năm 2023, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rất sát sao, định hướng rất rõ ràng về công nghệ cao cho tập đoàn. Ngay những tháng đầu tiên của năm 2024, Tập đoàn đã ra quân thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.
Tập đoàn hướng tới bảo đảm hiệu quả sử dụng những gì đã có, đồng thời tìm kiếm những cái mới để có tăng trưởng. Bên cạnh đó, tập trung giải quyết những nút thắt, tồn tại.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ về hành lang pháp lý, chính sách, hợp tác quốc tế để Tập đoàn tiếp tục phát triển lớn mạnh, và có thêm các cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài lớn trong lĩnh vực này”, ông nói.
Trong năm 2024, Tập đoàn phấn đấu triển khai đồng bộ hạ tầng mạng vô tuyến 4G, 5G phủ rộng vùng sâu vùng sâu. Chủ tịch Viettel khẳng định, việc này rất cần sự đồng hành của chính quyền các cấp, UBND tỉnh, huyện, xã.
Sếp Viettel lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân, để người dân thấu hiểu, đồng hành với Viettel trong việc chuyển đổi từ 2G đến 4G, dần giúp cho Việt Nam trở thành thành một quốc gia có một hạ tầng số hiện đại trong tương lai không xa.
“Năm 2024, mặc dù vẫn còn đó những khó khăn thách thức, nhưng Tập đoàn Viettel sẽ luôn luôn tiên phong, lĩnh hội sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng để thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ được giao”, Chủ tịch Viettel Tào Đức Thắng phát biểu.
EVN hứa không để thiếu điện trong mọi tình huống
Phát biểu hôm nay, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, sau 69 năm phát triển, quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng số 1 Đông Nam Á.
Riêng năm 2023 tăng 4,56%, sản lượng điện cả nước là 280,6 tỷ kWh. Khối lượng đầu tư của EVN đạt 90.997 tỷ đồng, giải ngân được 87.545 tỷ đồng, cao nhất khối các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, khởi công 146 dự án, đóng điện hoàn thành 163 dự án cấp điện áp 110-600kV. EVN cấp điện cho 11/12 huyện đảo, bao gồm cả huyện đảo Trường Sa. 99,74 số hộ dân cả nước, nộp ngân sách nhà nước 21 nghìn tỷ đồng.
Dù vậy, EVN thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 cũng có nhiều khó khăn, trong đó đã để xảy ra thiếu điện tháng 5 đầu tháng 6, ông An thừa nhận dù chỉ 2-3 ngày tại miền Bắc nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Đây là bài học sâu sắc mà EVN vẫn đang tiếp tục phân tích, mổ xẻ, có biện pháp khắc phục để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn trong thời gian tới”, Chủ tịch EVN nói.
Để đảm bảo đủ điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5%, không để thiếu điện trong mọi tình huống, ông An nói EVN “quyết tâm bằng mọi nỗ lực, mọi giải pháp” và đã chuẩn bị kịch bản nhu cầu điện tăng trưởng cao (9,18% hoặc cao hơn), sản lượng điện toàn hệ thống có thể đạt 306,4 tỷ kWh (tăng 26 tỷ kWh so với năm 2023).
Đồng thời, tập trung đẩy nhanh, tăng tốc các công trình đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện với khối lượng đầu tư 102.000 tỷ đồng (tăng 11.000 tỷ đồng so với năm 2023).
EVN cũng dồn sức thực hiện các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) dài 519km, tổng mức đầu tư 23.000 tỉ đồng, đóng điện trước 30-6-2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Chủ tịch EVN cũng bày tỏ sẽ phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, việc làm của người lao động, nâng cao năng suất lao động, chống tham nhũng tiêu cực, tăng trách nhiệm với cộng đồng, phục vụ khách hàng tốt hơn.
PVN đạt nhiều kỷ lục
Báo cáo tại sự kiện, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) Lê Mạnh Hùng cho biết, PVN đã vượt qua rất nhiều khó khăn và đạt nhiều kỷ lục mới về doanh thu, nộp ngân sách.
PVN đã giải quyết nhiều dự án khó như Nhiệt điện Thái Bình 2, chuỗi dự án khí điện Lô B-Ô Môn, từng bước tháo gỡ khó khăn của dự án liên hợp lọc dầu Nghi Sơn.
Petrovietnam cũng dịch chuyển năng lượng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Quy mô tổng tài sản của Petrovietnam đến ngày 31/12/2023 đạt 42,5 tỷ USD (998.000 tỷ đồng).
2 tháng đầu năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của Petrovietnam đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 2 tháng từ 5- 30%, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023 như xăng dầu tăng 23,5%; sản xuất điện tăng 11%; LPG tăng 6,7%...
Tất cả các chỉ tiêu tài chính của PVN 2 tháng đầu năm 2024 đều hoàn thành vượt mức từ 16-26% kế hoạch, tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023 như tổng doanh thu toàn PVN đạt 145,4 nghìn tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; nộp ngân sách toàn ước đạt 20,1 nghìn tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch, tăng 3,0% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn ước đạt trên 7,7 nghìn tỷ đồng, vượt 48% kế hoạch.
Bước qua năm 2024, ông Hùng tin tưởng PVN chắc chắn sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức.