Đà Nẵng có thể là địa phương đầu tiên của Việt Nam được lập khu thương mại tự do
© SputnikSông Hàn và tòa nhà Trung tâm hành chính với lối kiến trúc hình tháp trụ tròn cao 175,5m là hai biểu tượng đăng trưng của Đà Nẵng, thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
© Sputnik
Đăng ký
Nếu Quốc hội chấp thuận đề xuất của Chính phủ, Đà Nẵng có thể là địa phương đầu tiên của Việt Nam được lập khu thương mại tự do.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đã nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc để tiến đến lập khu thương mại tự do ở Đà Nẵng.
Thí điểm khu thương mại tự do ở Đà Nẵng
Ngày 31/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong 5 chính sách đặc thù mới để phát triển TP Đà Nẵng có đề xuất thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng (Điều 13 dự thảo Nghị quyết).
Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định về việc thành lập, hoạt động đối với Khu thương mại tự do.
Trong khi đó, đây là mô hình kinh tế phổ biến đã có trên 150 quốc gia, các quốc gia không ngừng điều chỉnh áp dụng thí điểm các cơ chế đột phá, cạnh tranhđể thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ.
Bộ trưởng cho biết thêm, tại Việt Nam, khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, Việt Nam đã từng bước tiếp cận tới mô hình kinh tế này thông qua việc phát triển những mô hình tương tự có quy mô nhỏ hơn như: Khu chế xuất, khu phi thuế quan, cửa hàng miễn thuế… nhằm tiến tới thành lập khu thương mại tự do ở Việt Nam để hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế.
Cũng theo người đứng đầu Bộ KH&ĐT, trên cơ sở nghiên cứu một số mô hình khu thương mại tự do thành công trên thế giới như EU, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc… tiếp cận có chọn lọc các chính sách ưu đãi đã thành công từ các mô hình kinh tế đã được triển khai trong nước, dự thảo Nghị quyết đề xuất phương án phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Cụ thể, khu thương mại tự do này sẽ được xây dựng gồm 3 khu chức năng: Sản xuất; hậu cần cảng- logistics; thương mại - dịch vụ.
“Quy định các chính sách thí điểm tại khu thương mại tự do Đà Nẵng phù hợp với điều kiện thể chế Việt Nam hiện nay, đảm bảo tính tuần tự, từng bước thí điểm kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau”, TTXVN dẫn tờ trình được Bộ trưởng trình bày hôm nay.
Chính phủ cũng lưu ý, trong quá trình triển khai thực hiện sẽ đánh giá, xem xét đề xuất mở rộng phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm tạo động lực phát triển mới, giúp đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ.
Đây cũng là cơ sở để thí điểm nghiên cứu chính sách mới, làm tiền đề để luật hóa các quy định về khu thương mại tự do cho cả nước.
“Đây là vấn đề lớn”
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, đa số ý kiến Ủy ban thẩm tra tán thành với chủ trương thí điểm thành lập Khu thương mại tự do tại TP Đà Nẵng.
Đa số ý kiến cũng đánh giá, việc thành lập khu thương mại tự do là chủ trương lớn, chính sách mang tính đột phá, là quyết tâm chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của TP Đà Nẵng và Chính phủ.
Nếu thực hiện thành công, khu thương mại tự do sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả vùng.
“Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề lớn, không chỉ mang tính chất kinh tế mà liên quan đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gắn với thể chế và hệ thống pháp luật”, đại diện Uỷ ban Tài chính – Ngân sách bày tỏ thành phố có thể lựa chọn lĩnh vựcđột phá để tập trung phát triển là vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.
Ngoài ra, để triển khai hiệu quả chủ trương này của Bộ Chính trị, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát để quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo Nghị quyết về một số nội dung như khái niệm, mô hình tổ chức; chức năng, nhiệm vụ; chính sách phát triển và quản lý Nhà nước; phương án phát triển khu thương mại tự do.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ nguồn lực thực hiện, đầu tư phát triển hạ tầng; kết quả đầu ra khi thành lập Khu thương mại tự do, bao gồm tác động đến tăng trưởng kinh tế, ngân sách, xã hội.
Nghiên cứu kỹ tác động đến phát triển doanh nghiệp và tính lan tỏa vùng miền; trách nhiệm trong triển khai thực hiện của các cá nhân, tổ chức liên quan; bổ sung hệ thống giám sát định kỳ.
Chú ý việc thu hồi đất
Đa số ý kiến Ủy ban thống nhất về chủ trương thí điểm cơ chế "một cửa" tại Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu thương mại tự do tại Đà Nẵng nhưng đề nghị Chính phủ giải trình thêm về tính hợp lý trong thẩm quyền, tác động về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là khi quy định mới có liên quan đến yếu tố nước ngoài.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho hay, đề xuất thí điểm thực hiện thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội đối với dự án xây dựng trung tâm logistics và trong khu thương mại tự do, phù hợp với đặc thù của TP Đà Nẵng và theo tinh thần của Bộ Chính trị.
“Việc thu hồi đất cần bảo đảm không tác động tiêu cựcđến môi trường sinh thái, cảnh quan; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, cơ quan thẩm tra nêu rõ.
Ủy ban cũng đề nghị việc thu hồi đất phải mang lại hiệu quả kinh tế; tránh lãng phí đất đai, tài nguyên và quy định rõ trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân trong thí điểm thu hồi.
Nhiều ý kiến chính sách cho khu thương mại tự do chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, chưa cụ thể, chưa xác định lợi thế cạnh tranh, chưa đánh giá tác động về an ninh, quốc phòng và chưa có chính sách nổi trội, bứt phá; nhiều chính sách về thuế còn điểm tương tự như khi áp dụng với khu kinh tế.
“Đề nghị làm rõ khái niệm khu thương mại tự do, các điểm giống và khác so với khu kinh tế, khu phi thuế quan; bổ sung kinh nghiệm quốc tế trong hình thành và phát triển mô hình này để làm rõ căn cứ thuyết phục”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách nói.
Cơ quan thẩm tra cũng giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định mô hình khi thực hiện.