Vì sao các công ty Đài nhắm đến Việt Nam?
© Ảnh : Pixabay/MittmacĐài Bắc, Đài Loan
© Ảnh : Pixabay/Mittmac
Đăng ký
Nhiều ông lớn công nghệ cao Đài Loan tìm đến Việt Nam để đề phòng rủi ro chính trị. Việt Nam được đánh giá cao nhờ chi phí thấp và cơ sở hạ tầng giao thông được cải thiện thuận lợi hơn.
Thêm vào đó, việc nằm gần biên giới với Trung Quốc cũng mang lại lợi thế về mặt địa lý cho Việt Nam trong khâu vận chuyển.
Chuỗi cung ứng đang chuyển khỏi Đài Loan, sẽ đến Việt Nam hay Thái Lan
Với mục tiêu giảm thiểu rủi ro, Acer (nhà cung cấp máy tính số 5 thế giới theo quy mô thị trường, có trụ sở tại Đài Loan) đã mở rộng ảnh hưởng của mình ở Ấn Độ vào năm ngoái bằng cách cấp phép sử dụng tên của mình cho một công ty khởi nghiệp địa phương.
Động thái này diễn ra khi công ty 48 năm tuổi đang theo dõi những doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng phần cứng công nghệ Đài Loan dịch chuyển một số hoạt động sản xuất của họ sang các nước khác, theo Giám đốc điều hành Jerry Kao.
“Chuỗi cung ứng đang dịch chuyển ra khỏi Đài Loan rồi. Họ sẽ đến Việt Nam, Thái Lan hoặc một nơi nào khác. Chúng tôi cũng đang đi theo xu hướng đó”, Kao nói bên lề Triển lãm công nghệ Computex Taipei 2024 đầu tháng 6..
“Ngay khi chúng tôi nhận thấy rủi ro, chúng tôi sẽ bắt đầu đa dạng hóa. Chúng tôi có cơ sở lắp ráp nội địa ở các nước như Ấn Độ và Indonesia, vì vậy nếu có điều gì đó không ổn, chúng tôi có thể chuyển sang các nhà máy đó”, ông Kao nói với SCMP.
Acer - với 7.725 nhân viên và 241,31 tỷ Đài tệ doanh thu vào năm ngoái - đã tham gia cùng các nhà phát triển công nghệ lớn khác của Đài Loan chuyển dịch sản xuất sang Nam Á và Đông Nam Á, thay vì chọn mở rộng sản xuất ở quê nhà hoặc ở Trung Quốc đại lục.
Trong 40 năm qua, ngành công nghiệp công nghệ trị giá 130 tỷ USD của Đài Loan đã cung cấp cho thế giới máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử tiêu dùng và các thành phần của chúng. Chẳng hạn, Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới.
"Về sản xuất máy tính xách tay, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia thuận lợi nhất hiện nay, vì chi phí lao động thấp hơn, cơ sở hạ tầng được cải thiện và thị trường nội địa đang phát triển", Sanesha Huang, một nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường TrendForce có trụ sở tại Đài Bắc cho biết.
"Ấn Độ cũng đang trở nên hấp dẫn hơn, với đội ngũ nhân tài khổng lồ... cũng như các chính sách khuyến khích của chính phủ", Huang nói thêm.
Lĩnh vực công nghệ của Đài Loan đã phải đối mặt với những thay đổi chính trị toàn cầu, phát sinh từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra hồi năm 2018.
Luật pháp Hoa Kỳ hiện đang hạn chế Trung Quốc tiếp cận các linh kiện nhạy cảm. Những gã khổng lồ công nghệ Đài Loan cũng đang đa dạng hóa sản xuất ra khỏi hòn đảo này để phòng ngừa các cuộc xung đột với Trung Quốc đại lục, càng khiến những linh kiện đó khó tiếp cận với khách hàng nước ngoài.
Một số khách hàng có thể yêu cầu các nhà cung cấp Đài Loan chuyển dịch sản xuất để tránh xa những rủi ro địa chính trị và giảm chi phí vận chuyển, một số nhà khai thác cho biết.
"Chúng tôi sẽ không rút khỏi Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ bổ sung vào Đông Nam Á hoặc Nam Mỹ", James Hsieh, trợ lý Phó Chủ tịch AcBel Polytech cho biết.
Được biết, AcBel hiện có một nhà máy ở Trung Quốc và đang tìm kiếm các khoản đầu tư mới ở Đông Nam Á.
Sysgration, một nhà thiết kế hệ thống điện tử ô tô 47 tuổi người Đài Loan, đang nghiên cứu thiết lập nhà máy tại Việt Nam, theo giám đốc sản phẩm cao cấp Tony Wang.
Theo ông Wang, công ty có hơn 600 công nhân, đã vận hành 2 nhà máy ở Trung Quốc đại lục và 1 nhà máy ở Mỹ, đề phòng trường hợp "khách hàng (Mỹ) không cho chúng tôi xuất khẩu sang Trung Quốc".
"Nếu khách hàng muốn nó được sản xuất tại Trung Quốc, chúng tôi có thể sản xuất nó ở Trung Quốc, và nếu họ muốn nó được sản xuất tại Mỹ, chúng tôi có thể sản xuất nó ở Mỹ", ông Wang lý giải, lưu ý rằng biên giới Trung Quốc-Việt Nam sẽ mang lại thuận lợi về mặt địa lý cho các chuyến hàng.
Trước năm 2018, các công ty Đài Loan thường chọn Trung Quốc để làm việc tại nhà máy. Trung Quốc có lợi thế đất đai và lao động tương đối rẻ, chuỗi cung ứng vững chắc và thị trường nội địa rộng lớn để kinh doanh sản phẩm.
Hàng ngàn công ty Đài Loan trong nhiều lĩnh vực có hoạt động ở đại lục. Tuy nhiên, sau năm 2019, họ đã chuyển khoản đầu tư trị giá 60 tỷ USD trở lại Đài Loan, cựu Bộ trưởng kinh tế Đài Loan Wang Mei-hua từng cho biết 2 năm trước.
Hơn 70% các công ty Đài Loan them gia khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế năm 2022 cho rằng Đài Loan phải giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, viện dẫn những rủi ro do xung đột Mỹ - Trung tiềm ẩn hoặc xung đột xuyên eo biển.
Việt Nam được đánh giá cao
SCMP lưu ý, Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam trong khoảng 15 năm nay và họ đã được chấp thuận đầu tư 1,23 triệu USD từ tháng 1/2023 đến tháng 4/2024, theo Cục Đánh giá Đầu tư Đài Loan.
“Việt Nam được đánh giá cao về chi phí thấp và cơ sở hạ tầng giao thông đang được nâng cấp”, giới phân tích chỉ rõ.
Năm ngoái, Quanta Computer của Đài Loan đã ký kết một thỏa thuận để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, đối tác lắp ráp iPhone của Apple là Foxconn Technology cũng đang hoạt động tại đây.
Với Thái Lan, tính đến giữa năm 2023, các công ty điện tử Đài Loan đã được phê duyệt 20 dự án với tổng vốn đầu tư 30 tỷ baht (816 triệu USD), Bangkok Post đưa tin.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng thu hút sự chú ý với thị trường rộng lớn, trẻ và đang phát triển nhanh, cộng với lực lượng lao động dồi dào và hiệp định bảo hộ đầu tư với Đài Loan. Khoảng 150 công ty Đài Loan đã hoạt động tại Ấn Độ tính đến năm ngoái, bao gồm các đối thủ nặng ký về điện tử như nhà lắp ráp Foxconn, Wistron và Pegatron, theo tờ Topics.
Các công ty có đội ngũ nhân viên nhỏ và phạm vi sản phẩm hạn chế thường chọn tiếp tục ở lại Đài Loan, theo một số lãnh đạo tại Computex Đài Bắc. Theo Gary Hsu – quản lý tại công ty thiết kế khung máy tính Guanghsing Industry – việc “ở yên một chỗ” giúp họ “kiểm soát chất lượng”.
Những công ty có nhà máy ở Trung Quốc không phải lúc nào cũng háo hức rời đi. Quy mô thị trường vẫn còn, cũng như chuỗi cung ứng sôi động. Các nhà cung cấp Trung Quốc bán một số bộ phận điện tử với "giá thấp" khó tìm thấy ở Đài Loan, theo chuyên gia phân tích Angela Huang của Viện Tư vấn & Tình báo Thị trường có trụ sở tại Đài Bắc.
Dù vậy, các khoản đầu tư được phê duyệt cho các công ty Đài Loan ở Trung Quốc đạt khoảng 3 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức thấp nhất trong 22 năm.
"Gần đây, Trung Quốc đã cạnh tranh mạnh mẽ với mức giá thấp, dẫn đến việc các thương hiệu Đài Loan phải gia công một số sản phẩm cấp thấp cho các nhà sản xuất của Trung Quốc để giảm chi phí sản xuất", Angela Huang nói.