Kế hoạch dùng 466 bom hạt nhân để hủy diệt Liên Xô của Mỹ

Giới chức Mỹ đánh giá chi tiết số lượng bom hạt nhân cần thiết để xóa sổ Liên Xô khỏi bản đồ thế giới, trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Sputnik

Theo Daily Star, các tài liệu giải mật hé lộ Mỹ đã lên kế hoạch này chỉ chưa đầy hai tuần sau khi Thế chiến 2 kết thúc.

Mỹ và Liên Xô khi đó coi nhau là kẻ thù, mặc dù cả hai đã cùng chung tay đánh bại chủ nghĩa phát xít.

Các tướng lĩnh Mỹ coi 66 thành phố của Liên Xô khi đó là mục tiêu chính cần phải xóa sổ bằng vũ khí hạt nhân, nếu chiến tranh giữa hai cường quốc nổ ra.

Kế hoạch dội bom hạt nhân phủ đầu nhằm đảm bảo rằng "đối phương sẽ bị hủy diệt đến mức không còn tâm trí và sức mạnh để kháng cự".

Đánh giá dựa trên khả năng bom hạt nhân không nổ, số thành phố, căn cứ quân sự Liên Xô, giới chức Mỹ khi đó ước tính cần đến 466 bom hạt nhân.

Đây là nội dung trong tài liệu mật ghi ngày 15.9.1945, gửi đến Thiếu tướng Leslie Groves.

Ông Groves khi đó là tư lệnh phụ trách việc phát triển bom hạt nhân, trong Dự án Manhattan tuyệt mật.

Theo tài liệu giải mật từ Dự án Manhattan, Mỹ cần 204 quả bom để hủy diệt toàn bộ các thành phố của Liên Xô. Thêm 20 bom hạt nhân nữa đảm bảo vô hiệu hóa căn cứ quân sự và đánh bại quân Liên Xô trên chiến trường.

Đánh giá "hiệu quả chiến đấu" vào khoảng 48%, giới chức Mỹ đi kết luận rằng cần tới 466 bom hạt nhân.

Tài liệu giải mật có đoạn viết: "Cuối Thế chiến 2, Mỹ đạt bước tiến vượt bậc về bom nguyên tử. Chỉ 2 quả bom được thả xuống Nhật Bản nhưng cũng đem đến thành công đáng kể".

"Mỹ và Liên Xô giờ đây đã trở thành hai cường quốc hàng đầu. Nghiên cứu này đánh giá mức độ hiệu quả của việc dùng bom hạt nhân trong cuộc chiến tranh với Liên Xô".

4 năm sau khi giới chức Mỹ lên kế hoạch này, Liên Xô đã chế tạo thành công bom hạt nhân của riêng mình.

Liên Xô lần đầu tiên thử bom hạt nhân thành công vào ngày 29.8.1949, leo thang căng thẳng giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh Lạnh khởi nguồn sau Thế chiến 2 và kết thúc kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 và cuối cùng là Liên Xô tan rã năm 1991.

Ngày nay, Mỹ và Nga được cho là sở hữu khoảng 7.000 đầu đạn hạt nhân, trong đó Nga có số lượng vũ khí hạt nhân nhiều hơn. Vũ khí hạt nhân ngày nay cũng mạnh hơn và đạt hiệu suất cao hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh.

Nguồn: danviet

Thảo luận