Việt Nam: 100 và 98

Vừa qua, tại Hà Nội Uỷ ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Sputnik

PV báo Pháp luật để ý đến chi tiết khi lãnh đạo KTNN nêu ra trước UBTV Quốc hội: "Qua đối chiếu 100 doanh nghiệp thì có đến 98 doanh nghiệp trốn thuế".

Tổng cục Thuế bắt đầu “soi” các đại gia Việt bị tình nghi rửa tiền, trốn thuế
Điều này "tự nhiên như cuộc sống". Bạn ra bất cứ nhà hàng ăn nào khi được hỏi hóa đơn đều dễ gặp câu nói: "Hẹn anh/chị hôm sau?". Thưa vâng, mục đích gây khó khăn về hóa đơn chỉ nhằm trốn thuế. Bạn đi mua bất cứ 1 chiếc xe nào, dù là xe máy hay ô tô, hóa đơn ghi số tiền bao giờ cũng thấp hơn tiền bạn bỏ ra để rước chiếc xe về cho mình. Đó là "chiêu thức" trốn thuế. Đáng tiếc, sự việc này diễn ra hàng ngày, hàng chục năm qua. Đáng tiếc, người mua thường rất ít "phản kháng" kẻ bán.

Đáng lưu ý, hiện nay doanh nghiệp kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán chủ yếu đối với tài sản có giá trị như ô tô, nhà, đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử; kê khai doanh thu lỗ nhiều năm, chuyển giao ở các doanh nghiệp FDI… đã và đang gây thất thu lớn cho ngân sách.

Không nói đến các doanh nghiệp dân doanh, các doanh nghiệp vốn là "rường cột", giữ vị trí như là những "công cụ" điều tiết vĩ mô của Nhà nước cũng vậy. Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hoá, thoái vốn và tái cơ cấu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong giai đoạn 2012-2015. Tất nhiên ACV không phải "trốn thuế" mà có các sai phạm khác, như quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, đầu tư xây dựng… TTCP kiến nghị xử lý số tiền là 3.652 tỷ đồng và 7.225,1ha đất (đến nay, ACV đã thực hiện xử lý vi phạm về tài chính tổng cộng 1.158 tỷ đồng).

Những đại gia Việt nào có tên trong Hồ sơ Paradise về rửa tiền, trốn thuế?
Con số không hề nhỏ. Ai cũng biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách. Không có thuế lấy gì nuôi bộ máy hành chính vốn đã như một cơ thể "ung thư" hút hết "dinh dưỡng", lấy gì đầu tư phát triển. Không thể vay ODA/kể cả vay dân mãi vì sẽ nặng thêm "công nợ" trên vai hình hài "suy dinh dưỡng".  Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn ra phức tạp, phạm vi rộng khắp, quy mô lớn với những thủ đoạn tinh vi. Trốn thuế, lách thuế, gian lận thuế đang là một thực trạng đáng lo ngại. 

Trả lời câu hỏi phải làm gì đã có các cơ quan nghiên cứu vĩ mô và các cơ quan hữu trách cho trách nhiệm chống gian lận thuế của các doanh nghiệp.

Người viết bài này chỉ nghĩ rằng, đã có lúc chúng ta quá ngộ nhận và quá ảo tưởng về "hành động yêu nước" của các doanh nhân, doanh nghiệp. Xin thưa, gian lận thuế là lợi nhuận của doanh nghiệp, nên không ai là không cố tình nếu làm được. Một doanh nhân nổi tiếng trên thế giới từng nói: "Trốn thuế là việc hiển nhiên ở các doanh nghiệp còn phát hiện ra trốn thuế là nghĩa vụ của Nhà nước".

Chừng nào môi trường kinh doanh chưa minh bạch, ổn định, tư duy về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế chưa thay đổi, chừng nào các hành vi "tiếp tay" cho doanh nghiệp trốn thuế còn có "đất" sống, xa hơn chưa có văn hóa về thuế thì còn phải "rượt đuổi" với trốn thuế, gian lận thuế.

 

Nguồn: Báo Pháp luật

Thảo luận