PGS Bùi Hiền được cấp giấy chứng nhận bản quyền bài cải tiến chữ viết

PGS-TS Bùi Hiền đã đăng ký quyền tác giả cho bài viết cải tiến chữ quốc ngữ và được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cấp giấy chứng nhận ông là tác giả và chủ sở hữu của công trình nghiên cứu này.
Sputnik

Thời gian qua, bên cạnh việc tranh cãi về ý tưởng cải tiến chữ viết tiếng Việt, trên mạng xã hội đã xuất hiện những phần mềm chuyển đổi chữ "ăn theo" đề xuất của PGS — TS Bùi Hiền. Chỉ cần gõ tên, phần mềm sẽ tự động chuyển tên Tiếng Việt sang thành tên "Tiếq Việt" theo đề xuất đang tranh cãi.

Chia sẻ với Lao Động về điều này, PGS-TS Bùi Hiền cho rằng, việc  bạn trẻ truyền tay nhau, truyền miệng nhau dùng chữ mới thì đó là điều rất mừng. Tuy nhiên ông biết có người dùng công trình nghiên cứu của mình chuyển thành phần mềm để kinh doanh.

Đưa đề xuất cải tiến chữ của PGS.TS Bùi Hiền vào đề thi lớp 12 là sự bất kính

"Đáng lẽ nếu ai muốn sử dụng công trình của tôi thì phải xin phép. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với tác giả. Dù vậy, tôi  cũng không trách họ. Vấn đề bản quyền ở Việt Nam còn khó khăn lắm. Dù không hài lòng nhưng tôi không phản đối. Tôi chỉ không vui khi có người dùng công trình của mình với mục đích xấu, xuyên tạc. Để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, tôi đã nhờ luật sư đi đăng ký bản quyền cho công trình cải tiến chữ quốc ngữ" — PGS-TS Bùi Hiền chia sẻ.

Ông đưa chúng tôi xem tờ giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cuc bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa cấp cho công trình của mình.

Giấy chứng nhận có ghi ở phần nội dung cấp là: Cục Bản quyền tác giả chứng nhận tác phẩm "Bài viết cải tiến chữ quốc ngữ",  loại hình tác phẩm viết là của tác giả Bùi Hiền.

PGS-TS Bùi Hiền cũng chính là chủ sở hữu tác phẩm này.

Giấy chứng nhận quyền tác giả với bài viết cải tiến chữ quốc ngữ.

"Bài viết cải tiến chữ quốc ngữ" được ông đăng ký chủ sở hữu chính là bản 16 trang A4 (cả phần một và phần hai của ý tưởng cải tiến chữ viết) được ông chính thức hoàn thiện và công bố vào cuối năm 2017.

Bên cạnh đó, ngày 12.1, PGS-TS Bùi Hiền cũng hoàn thiện việc dịch tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du từ chữ quốc ngữ sang chữ cải tiến. Do sợ người đọc bỡ ngỡ với cách viết mới nên ông cẩn thận để cả phần chữ quốc ngữ đang được sử dụng và chữ cải tiến trong cùng một trang giấy.

Ông làm công việc này trong khoảng 10 ngày. Toàn bộ tác phẩm "Truyện Kiều" được chuyển thành "Cuyện Kiều" với tên tác giả cũng được "dịch" thành "Wuyễn Zu", đã được ông in để tặng cho bạn bè thân thiết.

Ông khẳng định chữ viết mới của mình vẫn truyền tải chính xác nội dung "Truyện Kiều", không phá vỡ giá trị tư tưởng thẩm mỹ của truyện. Việc ông chuyển đổi tác phẩm văn học này chỉ là do đam mê và sở thích cá nhân, chứ không có ý ép mọi người phải dùng chữ cải tiến.

Nguồn: Laodong.vn

Thảo luận