Thủ tướng Chính phủ vừa kí quyết định thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng cuối tuần trước. Theo đó, ông đề nghị Bộ Quốc phòng tập trung vào một số nội dung chính như phát huy vai trò tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo công tác, hoạt động tác chiến không gian mạng đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời sớm nghiên cứu, dự báo chiến lược chiến tranh mạng. Đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch tổ chức hoạt động tác chiến trên không gian mạng đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Việc thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng trực thuộc Bộ Quốc phòng là đáp ứng với yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực an ninh an toàn thông tin, điều đó cho thấy Chính phủ đã có ý thức quan tâm cao đến việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công, Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) — Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh nhấn mạnh. Ông Đồng cũng là một trong các chuyên gia chính tại Hội thảo Luật An ninh mạng và tác động đến các ngành công nghệ, truyền thông và nội dung số: Đánh giá và kiến nghị chính sách, tổ chức hồi tháng 11 năm 2017.
Trong chiến tranh hiện đại, không gian mạng được coi là môi trường tác chiến thứ 5 gắn kết chặt chẽ với tác chiến trên không, trên bộ, trên biển và trong không gian vũ trụ. Tác chiến không gian mạng đã trở thành một phương thức tác chiến cơ bản giữ vai trò quan trọng trong các cuộc chiến tranh có áp dụng các vũ khí công nghệ cao. Hiện nhiều nước đã thành lập lực lượng tác chiến không gian mạng để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề sống còn.
Hiện Việt Nam đang có 3 Bộ phụ trách vấn đề an ninh — an toàn thông tin trên không gian mạng là Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, và Bộ Thông tin và truyền thông.
Vai trò của thiết chế tư pháp — tòa án vốn quan trọng giúp cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức bảo vệ quyền lợi của mình trong các trường hợp bị nói xấu, bị tung tin thất thiệt..; cũng cần được thúc đẩy. Một khi người dân, doanh nghiệp chủ động khởi kiện, và được bồi thường thiệt hại tương xứng và thích đáng gây ra bởi hành vi chủ ý tấn công, xâm phạm lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp khác thì ý thức tuân thủ pháp luật; thực hành các chuẩn mực an toàn thông tin, bảo vệ người dùng, khách hàng của doanh nghiệp sẽ được nâng cao. Hiện nay các giải pháp xử phạt hành chính; sử dụng các biện pháp can thiệp hành chính đang đóng vai trò chủ đạo; còn thiết chế tư pháp hầu như đứng ngoài.
Đơn cử vụ việc rò rỉ thông tin khách hàng đi máy bay của Vietnam Airlines cho các doanh nghiệp taxi, các cá nhân bị xâm phạm quyền riêng tư về thông tin, không có động cơ khởi kiện; cũng không nhận được bồi thường lợi ích thích đáng. Trong khi đó, xử phạt hành chính trong nhiều trường hợp chỉ có tính răn đe, chứ không giảm động cơ xâm phạm quyền riêng tư của một số Doanh nghiệp. Tư pháp, vì thế đang là "điểm yếu" thể chế — mà nếu không khắc phục, hiệu quả tổng thể của mọi chính sách vẫn sẽ bị giảm sút.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết có hơn 10.000 người trong lực lượng 47 là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng. Do vậy, cần thiết phải có sự giám sát, công khai minh bạch các hoạt động của lực lượng này thông qua những báo cáo lên Quốc hội bởi lực lượng này đang sử dụng ngân sách của nhà nước, ông Đồng khuyến nghị.
Bời vì, an ninh mạng là sự đồng bộ giữa 3 trụ cột là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trụ cột Nhà nước ta đã sự quan tâm nhưng trụ cột doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được tốt và chưa có giải pháp cụ thể về mặt chính sách. Cần phải có những sức ép đến doanh nghiệp và nhà nước để nâng cao ý thức trong việc bảo mật an toàn thông tin cá nhân.
Theo quan sát của ông Nguyễn Quang Đồng, một số hạn chế trong lĩnh vực an ninh mạng hiện nay ở Việt Nam về mặt ban hành luật mới ở mức điều chỉnh hành vi con người, chưa đưa ra được giải pháp ứng phó tổng thể cho an ninh mạng. Luật là công cụ chính để điều chỉnh hành vi; và vẫn cần đến những công cụ chính sách khác nữa để hỗ trợ. Ví dụ, về giáo dục ý thức an toàn thông tin; về hợp tác quốc tế để ứng phó với những mối nguy liên quốc gia. Những chính sách này hầu như Việt Nam chưa quan tâm đúng mức và thực hiện được tốt.
Cùng chia sẻ về vấn đề an ninh mạng trong bối cảnh chiến tranh hiện đại, nhóm Chiến lược An ninh mạng thuộc Viện Michael Dukakis (Hoa Kì) cho rằng, "Để có thể phòng vệ thành công trên không gian mạng rất cần những chiến lược phòng vệ có khả năng xác định được tài sản quan trọng của quốc gia, những điểm thiếu hụt của chính sách, và dành sự ưu tiên cho các nguồn lực. Những chính sách này cần được mở rộng nhằm cải thiện trình độ về không gian mạng của người dân, từ sự nhận thức cá nhân. Việc phòng vệ không gian mạng tốt sẽ giúp thể chế phát triển tốt hơn".
Nhóm chuyên gia này đưa ra một số giải pháp an ninh mạng cho các nước trong đó có Việt Nam. Một số giải pháp được nhấn mạnh đó là việc hợp tác xuyên biên giới, hợp tác các lĩnh vực quan trọng với nhau.
Chính phủ Hoa Kỳ đã thành công trong việc tài trợ cho các trung tâm chia sẻ thông tin và các tổ chức trong các lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực tài chính và phân phối điện. Những mô hình này cần được mở rộng hơn nữa để giải quyết sự phụ thuộc phức tạp lẫn nhau giữa các ngành. Chính phủ và ngành cần tiếp tục hợp tác với nhau để xác định cách thức thúc đẩy hiệu quả nhất, hỗ trợ các nhóm làm việc gồm những Giám đốc cấp cao thuộc các ngành nghề khác nhau và Ban tư vấn.Cần tổ chức các cuộc gặp mặt thường xuyên giữa quan chức Chính phủ với lĩnh vực tư nhân để xử lý những vấn đề phức tạp trên không gian mạng.
Xây dựng mối quan hệ giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển là điều rất cần thiết. Những quốc gia phát triển đang xây dựng các tiêu chuẩn quan trọng và soạn thảo những chuẩn mực nhằm tăng cường an ninh thông tin. Tuy nhiên các quốc gia đang phát triển thì lại thiếu nguồn lực để thực hiện những điều đó. Do đó, các quốc gia cần mở rộng các hợp tác truyền thống với mục tiêu thúc đẩy hoà bình và an ninh quốc tế thành những hoạt động hợp tác để tăng cường an ninh thông tin.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis, thành viên của nhóm, cho rằng "Trong chiến lược phòng vệ không gian mạng ở các quốc gia đang phát triển, điều quyết định sự thành bại là cần có những nhà lãnh đạo cấp chiến lược xuất sắc, thay vì chỉ nghĩ đến đầu tư công nghệ".
Nguồn: vietnamnet