Động cơ nào khiến Hoa Kỳ quyết "tố" 8 doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam với WTO?

"Theo quan điểm cá nhân thì đây chủ yếu là việc làm mà phía Hoa Kỳ cố tình gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu", PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận nhận định.
Sputnik

Theo Reuters, hồ sơ đệ trình phía Mỹ gửi cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11/01 cho thấy Hoa Kỳ đã thông báo cho WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo Hoa Kỳ, các DNNN này cần được đăng ký là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy tắc thương mại toàn cầu để đảm bảo tính công bằng, minh bạch của WTO.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), công ty con là Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco/SKYPEC) là các doanh nghiệp lẽ ra phải khai báo là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy định của WTO. Danh sách này cũng bao gồm Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Than — Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

PGS.TS Nguyễn Tiến Thuận, chuyên gia về tài chính quốc tế về vụ việc này.

Tuần trước, Hoa Kỳ đã "tố" 8 doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam chưa khai báo doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy định của WTO. Theo ông, hành động này nhằm mục đích gì?

Theo quan điểm cá nhân của tôi thì đây chủ yếu là việc làm mà phía Hoa Kỳ cố tình gây khó cho các doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu. Qua đó, Hoa Kỳ gây sức ép cho Chính phủ Việt Nam khi Tổng thống Donal Trump có ý đồ đàm phán lại với từng đối tác đã tham gia TPP, trong đó có Việt Nam. Thực tế cho thấy, 8 DNNN ở Việt Nam bị phía Hoa Kỳ cáo buộc lên WTO là không thật sự công bằng, bởi hầu hết tất cả các doanh nghiệp này đã chuyển sang kinh doanh theo cơ chế thị trường rồi (kể cả các lính vực rất nhạy cảm với nền kinh tế như xăng dầu, điện…). Không những thế các doanh nghiệp cũng đã và đang tiến hành cổ phần hóa nên chỉ có vốn chi phối của Nhà nước thôi chứ không phải toàn bộ vốn là của Nhà nước như trước đây.

Thưa PGS, WTO quy định "doanh nghiệp thương mại Nhà nước" dựa trên cơ sở nào?

Thực tế ở Việt Nam không có qui định riêng về doanh nghiệp thương mại Nhà nước, nhưng theo qui định của WTO thì: "Doanh nghiệp thương mại Nhà nước được coi là doanh nghiệp mà Nhà nước dành cho những đặc quyền nhất định trong hoạt động xuất, nhập khẩu". Như vậy có nghĩa là doanh nghiệp thương mại Nhà nước được xác định dựa trên tiêu chí về đặc quyền hay độc quyền về xuất, nhập khẩu chứ không dựa trên tiêu chí có nguồn vốn của nhà Nước hay không. Do đó, doanh nghiệp thương mại Nhà nước có thể có nguồn vốn của Nhà nước hoặc tư nhân.

Mỹ yêu cầu WTO làm rõ về 8 doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam không khai báo

Thưa PGS, trong quy định của WTO, doanh nghiệp thương mại Nhà nước (DNTMNN) đối xử khác với các doanh nghiệp thông thường như thế nào để đảm bảo tính công bằng, minh bạch?

Theo quan điểm cá nhân tôi thì bất kỳ một quốc gia nào tham gia WTO đều phải cam kết thực hiện các nguyên tắc cơ bản khi tham gia hoạt động Thương mại quốc tế. Và một trong những nguyên tắc đó là Không phân biệt đối xử (tức là đảm bảo sự bình đẳng, công bằng trong quan hệ thương mại). 

Trên thực tế, sự bình đẳng, công bằng đó chỉ trên lí thuyết thì thực hiện được. Còn trong thực tế rất khó có thể đảm bảo sự bình đẳng, công bằng bởi nền kinh tế nước nào mạnh hơn, có sức cạnh tranh cao hơn sẽ có lợi hơn và bất lợi thuộc về các nước đang phát triển.

Nếu thực sự các DNTMNN  của một thành viên nào đó bị các nước thành viên khác trong WTO "tố" thì khi đó WTO sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng là có vi phạm hay không. Nếu thực sự đó là các DNTMNN được Chính phủ cho hưởng những đặc quyền (hay độc quyền) trong kinh doanh xuất nhập khẩu thì WTO sẽ cho phép các nước thành viên áp dụng các biện pháp tự vệ (hay trừng phạt). Các biện pháp cụ thể ví dụ như thuế chống bán phá giá hoặc các biện pháp phi thuế khác như hạn chế hoặc thậm chí có thể là cấm nhập khẩu hàng hóa của các DNTMNN vi phạm qui định của WTO.

Theo: Trí Thức Trẻ

Thảo luận