Theo Reuters, hồ sơ đệ trình phía Mỹ gửi cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào thứ năm (11/01) cho thấy Hoa Kỳ đã thông báo cho WTO về 8 doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo Hoa Kỳ, các DNNN này cần được đăng ký là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy tắc thương mại toàn cầu.
Theo đó, Tập đoàn Dầu khí (PetroVietnam), công ty con là Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) và Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco/SKYPEC) là các doanh nghiệp lẽ ra phải khai báo là doanh nghiệp thương mại Nhà nước theo quy định của WTO.
Danh sách này cũng bao gồm Tổng công ty Lương thực miền Bắc và miền Nam (Vinafood I và Vinafood II), Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn Than — Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Tháng 10 năm ngoái, Việt Nam trả lời rằng hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sẽ được cổ phần hóa và hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, nên sẽ không có được những ưu đãi như trước đó.
"Không lâu sau khi Việt Nam đưa ra câu trả lời, Hoa Kỳ đã tìm hiểu độc lập và dựa trên những thông tin công khai, Hoa Kỳ xác định rằng vẫn còn một số doanh nghiệp Nhà nước mà Việt Nam chưa đăng ký doanh nghiệp thương mại Nhà nước", hồ sơ đề trình của Mỹ cho biết.
Đến nay đã 11 năm kể từ khi Việt Nam đã gia nhập WTO vào 11/01/2017, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chuyển mình nhờ lao động giá rẻ và tăng trưởng xuất khẩu.
Hiện tại Chính phủ đang tiến hành thoái vốn khỏi các DNNN, một phần vì bội chi ngân sách và nợ công gia tăng. Tuy nhiên quá trình thoái vốn vẫn diễn ra chậm chạp.
Chính phủ đang nỗ lực đẩy nhanh kế hoạch và thông báo đầu năm nay sẽ cổ phần hóa gần một nửa vốn điều lệ của Vinafood II.
Theo: Reuters, Trí Thức Trẻ