Hơn mười ngày xét xử vụ án Đinh La Thăng và các đồng phạm để lại nhiều xúc cảm, nói đúng hơn đó là những dư âm quá khứ dội vào lòng người cảm giác tiếc, thương, giận, hờn trách, thứ tha một con người. Mọi cảm xúc trái ngược dường như đang đấu tranh để minh chứng lẽ phải, trái.
Tội trạng và công trạng ông Thăng đều đủ cả, tôi thấy nơi ông toát ra một thứ gì đó rất ĐỜI, rất NGƯỜI.
Cảm giác ông cúi đầu trước bục khai báo như dấu hiệu bắt đầu một giai đoạn đen tối trong cuộc đời mình, lúc thịnh lúc suy, hết thịnh lại suy, suy cùng lại thịnh.
Ông lo không được làm "ma tự do" nhưng hiếm ai diễm phúc như ông, chưa đầy sáu mươi năm cuộc đời mà vinh quang tủi nhục đủ cả.
Nói như thế có nghĩa vinh quang lắm dễ rơi vào vực thẳm, lắm tủi nhục còn gì là thái lai.
Từ đỉnh cao quyền lực, chỉ tay một ngón, tung hoành ngang dọc, nói những lời làm lòng dân phấn chấn, làm những việc sung sướng lòng người cho đến những bút phê toạc tờ giấy để giờ đây trở thành bằng chứng chống lại chính mình.
Khổng Tử dạy rằng: "Thập hữu ngũ nhi chí vu học", "Tam thập nhi lập", "Tứ thập nhi bất hoặc", "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh", "Lục thập nhi nhĩ thuận", "Thất thập nhi tòng tâm sử dục, bất du cửu".
Bốn mươi tuổi không còn lầm lạc, u mê, đến tuổi này thì đã chín chắn, lịch duyệt. Có kiến thức và kinh nghiệm phong phú, nên đối với những việc diễn ra trong xã hội có chính kiến rõ ràng, kiên định, không còn nghi ngờ .
"Ngũ thập nhi" phải "tri thiên mệnh". Năm mươi tuổi ắt biết mệnh trời, biết mệnh trời sẽ biết xu thế thời cuộc, ắt tránh được tai ương.
"Lục thập nhi nhĩ thuận". Có lẽ từ đây đến sáu mươi tuổi ông Thăng còn đủ thời gian chiêm nghiệm, suy ngẫm cuộc đời để đạt đến trạng thái "nhi nhĩ thuận".
Tuổi sáu mươi thì không còn chướng tai gai mắt, do lý giải đúng căn nguyên của mọi việc diễn ra xung quanh và thấu hiểu nhân tình thế thái, nên dễ thông cảm và có thái độ khoan dung hơn.
Thế đấy, cuộc đời vẫn còn đủ để ông sống trọn vẹn theo đạo của vạn vật, hãy coi đó là niềm an ủi, "ma trong tù" hay "mà ngoài đường" chẳng có gì phải ngại, cái lo nhất là người đời có dựng cho ông tấm "bia miệng" truyền kiếp hay không?
Trong số núi tiền mà ông và cộng sự làm thất thoát trong đó có những đồng mồ hôi nước mắt của tôi và nhiều người lao khổ khác nữa.
Nhưng người ta vẫn tiếc cho ông, tôi vẫn tiếc cho ông. Điều đó chứng tỏ người dân rất cần những con người dám nói dám làm, dám chịu trách nhiệm. Hãy coi đó là một diễm phúc ân huệ người đời ban cho ông.
Người dân sẵn sàng thứ tha nhưng luật pháp thì không, không ai mong muốn quả cân công lý bị những giọt máu nóng làm tan chảy, không thể lấy những dòng nước mắt để làm nguội công cuộc phòng chống tham nhũng đang trên đà đẩy mạnh.
Trong lời bào chữa của bị cáo Đinh La Thăng có một chi tiết tạo nên sự thương cảm của nhiều người đó là lời kể về nơi giam giữ "chật chội, tối tăm". Điều đó càng làm cho xã hội tin tưởng hơn vào sự anh minh của luật pháp.
Rằng, bất kể ai, đứng trước luật pháp chỉ còn lại "có tội hay không", rằng, bớt đi suy nghĩ luật dành cho dân và lệ dành cho quan.
Ông Thăng kể về gia đình, vợ con mình: Vợ sinh con, ông ở ngoài công trường, làm việc không có thứ bảy, chủ nhật, hoàn cảnh éo le… Đó là sự hy sinh mà chắc chắn người đời sẽ ghi lòng tạc dạ. Chắc rằng, là người có tấm lòng nhân ái phải đổ lòng thương xót.
Thêm một lần nữa ông Thăng cho thấy, để thành người vô sản chân chính là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện, đó là cả một đời cách mạng "cháo bẹ, rau măng, bàn đá chông chênh…" như tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Phải hy sinh vì Tổ quốc vì nhân dân, lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Giá như, không có cuộc bể dâu như hôm nay ông chắc chắn là một người vô sản chân chính. Tiếc thay!
Đương nhiên, những người cách mạng, mang tinh thần vô sản trong sáng không lạnh lùng ăn trắng mặc trơn khi bá tánh lầm than, đè đầu cưỡi cổ nhân dân, tham nhũng vật chất, quyền lực, phá hoại Đảng chống lại nhân dân.
Lịch sử cho thấy ai sung sướng trên xương máu đồng bào đều bị trừng trị.
Ông Thăng có thể kể về những hy sinh, nhưng Đảng và nhân dân đã bù đắp cho ông, đã ngồi trên đỉnh vinh quang, thăng quan tiến chức, huy hoàng tổ tiên dòng họ, được nhân dân yêu mến.
Thử hỏi còn ai bằng?
Có trách là trách chính mình, cầm vàng còn để vàng rơi, vàng rơi không tiếc mà tiếc công cầm vàng.
Có thấy hổ thẹn với anh linh hàng triệu anh hùng liệt sỹ đã nằm lại với đất để chúng ta có ngày hôm nay, họ chiến đấu, hy sinh mà chưa một ngày được ăn bát cơm uống chén nước hòa bình.
Thế còn hàng vạn bà mẹ Việt Nam anh hùng đang cô đơn tuổi già vì cống hiến chồng, con cho Tổ quốc, họ chưa bao giờ kể công!
Những con người có công với Tổ quốc với nhân dân dù không cần kể lể, nhưng hôm nay, có thể thấy trên mọi con đường ai phản lại nhân dân, Tổ quốc cũng chẳng thể dấu nổi con mắt của lịch sử.
Ở giữa được thua, mất còn, ông đã xin lỗi Đảng, nhân dân, nhận món nợ với nhân dân, nhưng nhân dân và Đảng đã rất công bằng, nhân đạo với ông.
Hóa ra chức tước mũ mão, oai phong "hùm", "cáo" chẳng là gì so với đức độ, phẩm giá. Hỡi ai mang trong mình mầm mống tha hóa hãy mau mau phản tỉnh, quay đầu là bờ. Khi trên đỉnh quyền lực đừng chà đạp nhân dân để mai sau nỡ sa cơ còn có nơi quay về.
Tiền tài danh vọng vốn chỉ là phù du, cuộc đời vốn ngắn mà dài, hân hoan mấy mươi năm chưa chắc đong được một ngày thương đau. Sự nghiệp, công danh, uy tín…đổ sông đổ bể chỉ vì quyền lực sai khiến dẫn lối đưa đường đến u mê lầm lạc.
Đường đời chẳng ai nói trước được điều gì, kẻ một bước lên mây, người bỗng chốc hóa hư vô. Hôm nay quyền lực trong tay, hô phong hoán vũ nhưng có thể sau một đêm thức dậy chẳng còn là gì.
Nguồn: Giáo Dục VN