"Tôi đã tưởng rằng mức kỷ luật với ông Đinh La Thăng sẽ khắc nghiệt hơn — chuyên gia phân tích Grigory Lokshin nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik Việt Nam. — Theo tôi, có lẽ ban đầu đã từng là kế hoạch gì đó lớn hơn, quyết liệt hơn thế. Còn bây giờ dù sao ông Đinh La Thăng cũng vẫn giữ chức vụ trách nhiệm cao ở một hướng công tác rất quan trọng đối với Việt Nam. Tôi cho rằng quyết định được thông qua đã có sự suy tính kỹ lưỡng, không chỉ đơn thuần là cất nhắc hay gạt bỏ một con người. Có lẽ đã có sự ảnh hưởng của cán cân quyền lực trong BCH TƯ Đảng. Những năm gần đây, vai trò của BCH TƯ đang tăng lên. Bộ Chính trị quyết định, còn BCH TƯ có thể không chấp thuận mà giải quyết theo cách riêng của mình. Đã có một số trường hợp như vậy.
Tôi sẽ không bàn luận về đề tài này bởi khi không biết mối quan hệ tương hỗ giữa các Ủy viên Bộ Chính trị hình thành ra sao, có xu thế nào trong BCH TƯ Đảng, thì đánh giá là rất phức tạp, — chuyên gia Nga nêu ý kiến. Nhưng trong trường hợp với ông Đinh La Thăng thấy rõ nguyện vọng phấn đấu lên chức vụ cao hơn trong Đảng: cả cố gắng của riêng cá nhân ông và của nhóm đứng sau ông ta. Cố gắng đó rõ ràng vươn lên phía trên: từ Đoàn TNCS, "Petrovietnam", Bộ Giao thông vận tải, UBND thành phố Hồ Chí Minh, ủy viên Bộ Chính trị. Chỉ chút nữa sẽ đến chức Tổng Bí thư. Mà bây giờ đó là câu hỏi rất có tính thời sự: Ai sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng? Có những ứng viên khác nhau, và giữa họ hiển nhiên có sự tranh đua. Và như vậy có nghĩa là Bộ Chính trị đương nhiệm không muốn thấy gương mặt ông Đinh La Thăng trong số các ứng viên cho chức vụ lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Theo nhãn quan của chuyên gia Nga, một số nước quan tâm đến những cáo buộc nhắm vào ông Đinh La Thăng. Về chủ yếu đó là liên quan đến nhiều năm công tác trước đây của ông ở "Petrovietnam". Nhưng như vậy hóa ra trong suốt nhiều năm, không ai biết rằng công việc của ông này gây thiệt hại lớn như vậy cho đất nước? Bởi sau đó ông còn được đề bạt lên chức Bộ trưởng, và vào Bộ Chính trị. Rồi chỉ đến bây giờ đột nhiên người ta mới sáng mắt ra? Chưa nói đến thực tế là những quyết định cho các dự án nhiều tỷ USD thì ông Đinh La Thăng không thể một mình thông qua được. Những quyết định như vậy thuộc đặc quyền của Bộ Chính trị BCH TƯ Đảng, và không phải cá nhân mà là tập thể chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó, ở những nước chỉ có một đảng Cộng sản cầm quyền, luôn luôn có sự mâu thuẫn giữa các tư tưởng gia của đảng và những người làm việc trong hệ thống Nhà nước, các chuyên viên trong bộ máy Chính phủ. Số này làm việc còn những người khác theo dõi. Mà những người làm thực tiễn thường không thích phải chịu sự chỉ đạo làm theo ý những người rất xa với bản chất công việc mà họ được giao phó.
Tất cả những điều nêu trên — chuyên gia nhấn mạnh — là cái nhìn từ bên ngoài.
Đó là trường hợp ông Đinh La Thăng ở Việt Nam theo nhãn quan của một trong những nhà Việt Nam học kỳ cựu nhất ở Nga, ông Grigory Lokshin.