Mỹ gia tăng áp lực lên các công ty lớn của Việt Nam

Việc Mỹ đòi hỏi 8 công ty Việt Nam phải đăng ký là công ty nhà nước là nhằm trì hoãn việc xem xét lại tình trạng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.
Sputnik

Ông Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga đã tuyên bố như vậy.

Động cơ nào khiến Hoa Kỳ quyết "tố" 8 doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam với WTO?
Mỹ đã gửi cho WTO yêu cầu 8 công ty xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam phải đăng ký là công ty nhà nước. Theo tuyên bố của phía Mỹ, bước này rất cần thiết để đảm bảo cho tất cả các bên tham gia thị trường được hoạt động công bằng, bình đẳng và minh bạch.

Theo tiến sĩ Vladimir Mazyrin, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đòi hỏi của Mỹ theo đuổi các mục tiêu hoàn toàn khác nhau:

"Trong những năm gần đây, Mỹ và các nước phương Tây đã gia tăng áp lực lên Việt Nam, cho rằng Việt Nam chưa đạt được những cải cách kinh tế triệt để. Trước hết, đó là việc cổ phần hóa các công ty nền tảng cơ bản trong nền kinh tế Việt Nam mà hoạt động xuất khẩu của họ đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Trong trường hợp này, các đối tượng mà phía Mỹ đưa ra yêu sách là các công ty liên quan đến xuất khẩu dầu, gạo, cá và hải sản, tài nguyên khoáng sản, vàng và đá quý.

Hiến chương WTO không yêu cầu công ty hay doanh nghiệp nào đó phải tuyên bố là công ty nhà nước. Tức là, trong trường hợp này, Việt Nam bị buộc phải làm theo những gì không có trong Hiến chương WTO. Các công ty lọt vào danh sách của Mỹ có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp hạn chế. Ví dụ, sản phẩm xuất khẩu của họ sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá và các hình phạt tiềm năng khác", ông Mazyrin nói.

Trên thực tế, các công ty nêu trên đang trong quá trình cổ phần hóa, đó không phải là công ty nhà nước trăm phần trăm, mà có cả vốn tư nhân. Họ xây dựng hoạt động của mình trên cơ sở cơ chế thị trường.

Mỹ yêu cầu WTO làm rõ về 8 doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam không khai báo
Trong điều kiện Việt Nam gia nhập WTO đã ghi nhận rằng kinh tế của nước này không phải là kinh tế thị trường, và chỉ có thể được công nhận là kinh tế thị trường sau khi hoàn thành quá trình cổ phần hoá. Năm 2018, các bên dự định quay lại thảo luận về khả năng sửa đổi các điều khoản về bản chất phi thị trường của nền kinh tế Việt Nam.

Theo chuyên gia Nga, Mỹ đưa ra đòi hỏi đối với 8 công ty Việt Nam là nhằm trì hoãn việc xem xét lại tình trạng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Và trước thời điểm đó, Mỹ có thể cáo buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam bán phá giá và áp đặt các khoản phạt đối với họ.

Nhân đây xin nói thêm là tình hình tương tự đã từng diễn ra với các công ty Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ với các hành động của Hoa Kỳ, đã yêu cầu WTO không cấp cho Trung Quốc tình trạng kinh tế thị trường.

Mới đây, Việt Nam đã đệ trình lên WTO khiếu kiện thứ tư về thuế chống bán phá giá mà Hoa Kỳ áp dụng với hàng thủy sản Việt Nam. Hai trong số các khiếu nại trước đây liên quan đến tôm Việt Nam đã dẫn đến thỏa thuận dỡ bỏ các loại thuế bổ sung đối với các nhà nhập khẩu Mỹ và bù đắp thiệt hại cho phía Việt Nam.

Thảo luận