Ấn Độ đang trông chờ vào quan hệ đối tác với ASEAN để cân bằng tiềm năng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, nhưng không thể nói về cuộc chơi của ASEAN cùng với Ấn Độ chống Trung Quốc, chuyên gia Viện Nghiên cứu phương Đông Tatyana Shaumyan cho biết khi trả lời phỏng vấn Sputnik.
"Hỗ trợ nhân đạo, trợ giúp trong trường hợp thiên tai, hợp tác trong lĩnh vực an ninh và tự do hàng hải sẽ là những lĩnh vực then chốt trong hợp tác hàng hải của chúng tôi." Điều này đã được ông Narendra Modi tuyên bố. Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh rằng hợp tác hàng hải và an ninh là vấn đề quan trọng đối với Nam Á và Đông Nam Á. Chủ đề này là trọng tâm thảo luận của lãnh đạo các bên.
Sau hội nghị thượng đỉnh, ngoaị trưởng Ấn Độ Preti Saran nói với các phóng viên rằng hai bên đã thỏa thuận "thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực hàng hải." Ngoại trưởng lưu ý rằng các nhà lãnh đạo đã xem xét những thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống mà các bên cùng đối mặt, tuy nhiên bà không nêu rõ các chi tiết cụ thể.
Đồng thời, các nhà quan sát chú ý đến việc thiếu thông tin về thỏa thuận của các bên để tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở eo biển Malacca. Trong ý kiến bình luận trước hội nghị thượng đỉnh, truyền thông phương Tây đã gọi đây là chủ đề chính. Chủ đề này không nhận được sự hỗ trợ chính trị của ban lãnh đạo cấp cao. Một trong những lý do có thể là cuộc tập trận hải quân đầu tiên của Trung Quốc với ASEAN đã được lên kế hoạch cho năm nay. Sáng kiến của phía Trung Quốc được các nhà lãnh đạo ASEAN ủng hộ trong hội nghị thượng đỉnh Manila hồi tháng 11 năm ngoái.
Không loại trừ việc các nước ASEAN hiện chưa sẵn sàng hợp tác quân sự với Ấn Độ trên biển để tránh khiêu khích Trung Quốc một lần nữa. Hơn nữa, hầu hết các nhà khoa học chính trị và quan sát đang phân tích cuộc tranh cãi và kết quả của hội nghị thượng đỉnh New Delhi, như một nỗ lực của Ấn Độ phát triển hợp tác với ASEAN nhằm làm cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Chuyên gia Tatyana Shaumyan chia sẻ quan điểm này và cảnh báo rằng, tuy vậy, các nước ASEAN sẽ không bao giờ đứng về phía Ấn Độ chống Trung Quốc để gây thiệt hại cho lợi ích riêng của mình:
"Tất nhiên, các cố gắng ngăn chặn Trung Quốc bằng nỗ lực chung vẫn diễn ra. Sẽ là thiển cận để cho rằng điều này không liên quan đến nỗ lực cân bằng sự lớn mạnh của Trung Quốc — rõ ràng, điều đó hoàn toàn công khai và không giấu giếm. Đồng thời, cân bằng sự củng cố tiềm năng của Trung Quốc là một chuyện, nhưng chống Trung Quốc lại là chuyện khác. Trên thực tế, chống Trung Quốc là việc rất khó khăn. Sự củng cố của Trung Quốc là một yếu tố khách quan. Xu hướng này sẽ phát triển theo mọi hướng. Tuy nhiên, mong muốn của Ấn Độ và ASEAN để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc là điều dễ hiểu, bởi vì Trung Quốc rất tích cực hiện diện trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bao gồm cả về quân sự. Trung Quốc củng cố vị thế của mình ở Ấn Độ Dương, tham gia vào việc tái thiết các cảng lớn trong khu vực. Trung Quốc đang tiến hành cuộc chơi của mình, nhưng tôi không có cảm giác là ai đó sẽ trực tiếp chống đối nước này. Nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục quan sát nỗ lực các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực để cân bằng ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong tất cả các lĩnh vực."