Đây là một số trong những chủ đề báo chí và thông tin về Việt Nam trên những phương tiện truyền thông nước ngoài trong tuần qua.
Trên báo chí nước ngoài có một số bài viết về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, chú trọng bảo đảm an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cũng như các hoạt động gìn giữ hòa bình. Một bằng chứng quan trọng cho sự hợp tác này là việc một hàng không mẫu hạm của Mỹ sẽ lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam, theo ABC News.
Tờ The Diplomat đăng tải bài dài về chuyến công du các nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Theo tác giả bài báo, chuyến thăm này là cách phản ứng của Nga trước chính sách quốc phòng của chính quyền Trump trong khu vực, vì có những dấu hiệu cho thấy rằng, chính quyền Hoa Kỳ đang thực thi chính sách cứng rắn hơn với Nga và Trung Quốc. Bài báo nhấn mạnh rằng, Việt Nam coi Matxcơva là đối tác ưu tiên trong sự hợp tác kỹ thuật quân sự.
Những ngày này Việt Nam và Hoa Kỳ đều nhớ lại cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Đây là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam, theo tác giả bài dài đăng tải trên tạp chí History .
Tờ báo Anh The Independent đã nghiên cứu một vấn đề nghiêm trọng là tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long và các cư dân của vùng này. ĐBSCL là một trong những vùng canh tác hiệu quả nhất trên Trái đất và có tầm quan trọng lớn đối với ngành xuất khẩu gạo, tôm và rau. 18 triệu cư dân của vùng đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Trong 10 năm qua, khoảng 1,7 triệu người đã di cư khỏi vùng đất rộng lớn và bằng phẳng này. Trung bình mỗi năm có khoảng 24.000 người phải rời khỏi khu vực để thoát khỏi nghèo đói do biến đổi khí hậu. Xã hội Việt Nam nên chuẩn bị phản ứng một cách công bằng và thích ứng với BĐKH vì xét theo mọi việc, khủng hoảng người di cư đang đến gần, tác giả bài viết kết luận.
Các phương tiện truyền thông có nhiều bài viết về vòng mới của chiến dịch chống tham nhũng, về tăng cường hợp tác với Ấn Độ cũng như về quá trình chuẩn bị một thỏa thuận rất có lợi cho Việt Nam về khu vực thương mại tự do với Liên minh châu Âu.
Và cuối cùng là một đề tài đã đoàn kết toàn dân và làm "bùng nổ" Internet khi Việt Nam thẳng tiến vào chung kết U23 châu Á.
Đây là lần đầu tiên đội Việt Nam vào chung kết của Giải bóng đá vô địch câu lạc bộ châu Á (AFC). Tờ báo Singapore The Independent phân tích những nguyên nhân bảo đảm chiến thắng của đội Việt Nam, và trích dẫn câu nói của tiền vệ đội trưởng Lương Xuân Trường khẳng định rằng, "Tinh thần chính là nguồn sức mạnh và là vũ khí lợi hại nhất của tuyển U23 Việt Nam. Chúng tôi đã chiến đấu hết mình vì nhau, vì người hâm mộ Việt Nam, vì Tổ quốc Việt Nam". Báo chí cũng nhấn mạnh vai trò của huấn luyện viên Park Hang Seo, người Hàn Quốc từng làm trợ lý số 1 của HLV Hà Lan Guus Hiddink, người đã đưa đội tuyển Hàn Quốc tiến tới bán kết World Cup 2002. Các nhà báo thể thao so sánh đội tuyển Việt Nam với đội tuyển Hàn Quốc năm đó. "Chúng tôi chỉ có thể nói WOW!. Đây chắc là đội bóng mạnh nhất của Việt Nam", tờ Fox Sports Asia rút ra kết luận sau khi phân tích trận đấu của đội Việt Nam trước trận chung kết với Uzbekistan.
Sputnik Việt Nam cũng chúc đội U23 Việt Nam gặp may mắn và chiến thắng!