Trung Quốc thâm nhập 'sân sau' của Mỹ

Giới chuyên gia nhận định với sức ảnh hưởng ngày càng lớn, sớm muộn gì Trung Quốc cũng sẽ hất cẳng Mỹ ngay tại khu vực Mỹ Latin.
Sputnik

Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với các nước thuộc khu vực Mỹ Latin và Caribbean (LAC). Những khoản đầu tư, viện trợ, hợp tác thương mại liên tục được Trung Quốc rót vào đây không chỉ giúp nước này thu về lợi ích kinh tế mà còn giúp đạt được những mục tiêu chính trị chiến lược.

Giành "sân sau"

Cuối tháng 12.2017, tờ South China Morning Post đăng bài viết cho biết Trung Quốc đang xây dựng chiến lược phát triển quốc gia cho đất nước Grenada ở vùng Caribbean với kinh phí nhiều tỉ USD. Kế hoạch đã được hoàn thành và một khi chính quyền thông qua, Grenada sẽ trở thành nước đầu tiên trên thế giới áp dụng toàn bộ một thiết kế phát triển do Trung Quốc vạch ra, giúp gia tăng sức ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực đầy tiềm năng này.
Các khoản đầu tư từ chính phủ và doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc vào LAC chủ yếu là về các dự án cơ sở hạ tầng, cảng biển, phát triển du lịch… nhằm mở ra những thị trường mới cho sản phẩm nước này. Hiện tại, hầu như nước nào trong LAC cũng có nguồn đầu tư của Trung Quốc. Năm 2014, Công ty HKND trụ sở Hồng Kông của tỉ phú Trung Quốc Vương Tĩnh ký với Nicaragua hợp đồng 50 tỉ USD xây dựng kênh đào dài 300 km nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, nhằm cạnh tranh với kênh đào Panama. Tháng 9.2016, Công ty xây dựng CHEC của Trung Quốc nhận hợp đồng 1,5 tỉ USD xây siêu cảng biển tại Jamaica nhằm biến nước này thành trạm trung chuyển của tàu thuyền Trung Quốc tại khu vực.

Giới chuyên gia cho rằng việc thâm nhập thị trường LAC của Trung Quốc còn trở nên dễ dàng hơn nhờ chính sách bảo vệ lợi ích nước Mỹ mà Tổng thống Donald Trump áp dụng. Trong lúc ông Trump đe dọa rút khỏi Hiệp định thương mại tư do Bắc Mỹ (NAFTA), Trung Quốc ngay lập tức tranh thủ thời cơ bắt tay Mexico với những nguồn đầu tư dồi dào. Từ năm 2009, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Brazil. Chuyên gia Gustavo Arnavat thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định không sớm thì muộn, Trung Quốc sẽ đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này.

Dằn mặt Đài Loan

Bên cạnh những lợi ích kinh tế, việc nhắm đến thị trường LAC của Trung Quốc cũng được coi là xuất phát từ động cơ chính trị và mục tiêu chính là nhằm củng cố chính sách "một Trung Quốc", coi Đài Loan là một phần lãnh thổ. Hiện tại, chỉ có khoảng 20 nước thành viên LHQ có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan và phần lớn trong số đó tập trung tại khu vực Trung Mỹ hoặc Caribbean.

Việc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực này giờ được xem là cuộc đấu giữa Đài Loan với Trung Quốc chứ không còn là Mỹ với Trung Quốc nữa khi mà trong
5 năm qua, Chủ tịch Tập đã đến thăm khu vực này 3 lần, còn số chuyến thăm cấp cao và hoạt động giao thương của giới lãnh đạo Đài Loan với các nước LAC cũng tăng lên đáng kể, theo chuyên san The Diplomat. Những khoản đầu tư dồi dào chính là "củ cà rốt" mà Bắc Kinh chìa ra cho các nước LAC nhằm lôi kéo sự đồng thuận từ những đồng minh của Đài Bắc, theo nhận định của ông Jared Ward, sử gia nghiên cứu về quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với các nước Caribbean thời Chiến tranh lạnh tại Đại học Arkon (Mỹ).

Tỉ phú Vương Tĩnh tại lễ khởi công dự án kênh đào ở Nicaragua

Trong khi giới chức Đài Loan ngày càng lo ngại về việc bị mất ảnh hưởng thì hướng đi của Trung Quốc dần tạo ra hiệu quả. Tháng 6.2017, đồng minh lâu năm của Đài Loan tại Trung Mỹ là Panama tuyên bố đoạn tuyệt quan hệ với Đài Bắc để thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, nhiều bên khác cũng bắt đầu suy nghĩ lại về quan hệ với Đài Loan khi các khoản đề nghị đầu tư hoặc viện trợ cho các nước này càng không được đáp ứng một cách cân xứng, theo The Diplomat. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra thì việc Đài Loan mất đồng minh vào tay Trung Quốc được dự đoán chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nguồn: thanhnien

Thảo luận