Chiến dịch Mậu thân 1968: Đòn giáng vào niềm tin của Mỹ

Trang The Atlantic vừa có bài viết nói về đòn giáng vào niềm tin của dư luận Mỹ với chính phủ trong Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.
Sputnik

Trong bài viết có tiêu đề How the Tet Offensive Undermined American Faith in Government (tạm dịch: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm suy giảm niềm tin của người dân Mỹ vào chính phủ như thế nào?"), đăng trên tờ The Atlantic, sử gia Julian E.Zelizer của Đại học Princeton khẳng định:

Bóng hồng tuổi 20 tấn công Bộ tổng tham mưu

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968-một cú sốc kinh hoàng, đã phơi bày sự dối trá của giới cầm quyền Mỹ về cuộc chiến tranh tại Việt Nam. 

Từ tháng 12/1967, lực lượng Bắc Việt đã tiến hành hàng loạt cuộc tấn công nhằm đánh lạc hướng Mỹ. Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson và các cố vấn quân sự đã rơi vào cái bẫy đó. Tổng thống Lyndon B. Johnson và tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh Quân đội Mỹ tại Việt Nam, tập trung vào khả năng xảy ra các cuộc tấn công nhằm vào căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ ở Khe Sanh.

Tổng thống Lyndon B. Johnson liên tục hỏi các tướng lĩnh quân đội liệu rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ căn cứ này hay chưa? Tổng thống Mỹ không ngừng cam kết với các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa rằng, các tướng lĩnh quân đội đã bảo đảm mọi chuyện sẽ ổn.

Cùng lúc đó, ông chủ Nhà Trắng cũng thực hiện chiến dịch truyền thông quy mô lớn vào cuối năm 1967, nhằm thuyết phục dư luận rằng chiến tranh Việt Nam đang đi đến hồi kết và nước Mỹ đang giành thắng lợi. Phát biểu trên truyền hình ngày 19/11/1967, tướng William Westmoreland nói rằng, nước Mỹ có thể giành chiến thắng trong vòng hai năm.

Vũ khí nổi tiếng của khối XHCN trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Tới ngày 21/11/1967, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, vị tướng này tuyên bố "hồi kết bắt đầu ló rạng". Trong thông điệp liên bang ngày 17/1/1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson tỏ rõ sự lạc quan mặc dù thừa nhận Mỹ phải đối mặt với những thách thức lớn ở nước ngoài và cần có thời gian để giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Việt Nam.

Khi đề nghị Quốc hội thông qua dự luật tăng thuế nhằm chi trả cho chiến phí ngày càng leo thang, Tổng thống Lyndon B. Johnson tuyên bố đối phương đang thử "ý chí" của Mỹ. Với giọng điệu kiên quyết, Tổng thống Lyndon B. Johnson khẳng định: "Nước Mỹ sẽ kiên trì. Sự kiên nhẫn và quyết tâm của chúng ta sẽ tương xứng với sức mạnh của chúng ta".

Phóng viên Max Frankel của tờ The New York Times thuật lại: "Trong khi một năm trước đó, ông ấy cam kết "thêm tiền, thêm thất bại và thêm đớn đau" trong cuộc chiến, năm nay ông ấy lại nhấn mạnh tới sự tích cực, những gì mà ông ấy gọi là "những dấu mốc tiến triển" và ít nói về toàn bộ vấn đề của cuộc chiến hơn so với hai bài phát biểu trước".

Vài tuần sau đó, tình hình chuyển biến xấu. Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào rạng sáng ngày 30/1/1968. Tại Sài Gòn, Quân giải phóng tấn công tòa Đại sứ quán Mỹ. Chuck Searcy, một binh sĩ 20 tuổi, nhớ lại đã bị đánh thức bởi tiếng còi báo động vang lên sau một đêm ăn chơi trác táng. Anh cho rằng đó chỉ là báo động diễn tập và rồi ai nấy sẽ quay lại giường ngủ tiếp.

"Thế rồi, một vị đại úy trong chiếc xe jeep mang theo loa phóng thanh thông báo rằng đây không phải là báo động diễn tập. Đó là lúc chúng tôi nhận ra rằng chiến tranh đã xảy ra thật sự bởi tới tận khi ấy, Sài Gòn vẫn được xem là nơi rất an toàn và cơ bản sẽ không bao giờ bị tấn công", Chuck Searcy nhớ lại.

Trong cơn tuyệt vọng tìm cách trấn an dư luận, ngày 31/1/1968, Tổng thống Lyndon B. Johnson lệnh cho tướng William Westmoreland tổ chức các cuộc họp báo thường ngày nhằm "truyền tải tới dư luận Mỹ niềm tin của ông vào khả năng chúng ta chặn đứng các bước tiến của đối phương và trấn an dư luận rằng ông kiểm soát được tình hình".

Những bài học lịch sử xương máu từ cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Đây là một thảm họa chính trị đối với chính quyền Lyndon B. Johnson. Dư luận nhận ra rằng chiến tranh Việt Nam sẽ chưa sớm chấm dứt. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho thấy rằng, Tổng thống Lyndon B. Johnson và tướng William Westmoreland đang dối trá về việc "tiến tới một điểm quan trọng, tại đó hồi kết bắt đầu ló rạng" như tướng Mỹ từng tuyên bố.

Bên trong Nhà Trắng, sử gia Robert Dallek nhận ra rằng các cố vấn của Tổng thống Lyndon B. Johnson đều bị chấn động. Sau một cuộc gặp của các cố vấn chính sách đối ngoại, trợ lý Tổng thống Joseph Califano nói rằng mọi người còn "hơn cả bi quan".

Tân Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Clark Clifford nhớ lại: "Thật khó có thể tưởng tượng hay tái hiện lại bầu không khí 60 ngày sau Tết Mậu Thân. Sức ép quá lớn đến nỗi có lúc tôi cảm thấy chính phủ có thể sụp đổ. Sự lãnh đạo rạn nứt ngay từ bên trong-một điều cực hiếm thấy ở một quốc gia có bộ máy chính phủ ổn định như vậy".

Các cuộc thăm dò dư luận vào tháng 3-1968 cho thấy, 49% người Mỹ cho rằng cuộc chiến tại Việt Nam là một sai lầm và chỉ 35% tin rằng cuộc chiến sẽ kết thúc trong hai năm sau đó.

Tỷ lệ ủng hộ đối với khả năng xử lý cuộc chiến của Tổng thống Lyndon B. Johnson chỉ còn 26%. Như sử gia Fred Logevall đã nhận định, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một cú đấm vô cùng mạnh vào một quốc gia sắp vỡ mộng.

Nguồn: The Atlantic, QĐND

Thảo luận