Ngày 1/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Bộ đã giảm 36 phòng trong các Vụ, Cục; giảm khoảng 105 lãnh đạo cấp phòng (tuyến trung ương). 40 tỉnh, thành đã sáp nhập các Trung tâm làm nhiệm vụ dự phòng tuyến tỉnh thành Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC). Khi thực hiện, cả nước giảm ít nhất 315 đơn vị, ước tính không còn 1.260 vị trí lãnh đạo (một cấp trưởng và hai cấp phó). Trung bình mỗi lãnh đạo một tháng được ngân sách chi trả lương 6 triệu đồng, thì mỗi năm ngân sách tiết kiệm gần 91 tỷ đồng khi cắt giảm.
Tuyến huyện cũng sáp nhập bệnh viện và Trung tâm Y tế huyện thành Trung tâm Y tế huyện hai chức năng, trực tiếp quản lý trung tâm y tế. Hiện có 202 trong số 450 đơn vị đã thực hiện. Dự kiến kế hoạch sáp nhập này giúp giảm 450 trung tâm trong cả nước, bớt khoảng 1.800 vị trí lãnh đạo và nhiều viên chức gián tiếp như hành chính, phục vụ, lái xe, bảo vệ, kế toán…
"Những lãnh đạo không quản lý thì có thể làm công tác chuyên môn hoặc điều chuyển sang những đơn vị khác, phụ cấp lãnh đạo vẫn giữ nguyên cho đến khi về hưu", Bộ trưởng Tiến nói.
Bộ Y tế sẽ rà soát các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trung ương trên địa bàn các tỉnh và chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý. Dự kiến Bộ chỉ quản lý khoảng 20 đơn vị sự nghiệp trực thuộc thay vì 82 như hiện nay. Cả nước còn khoảng 11 tỉnh chưa triển khai sáp nhập các đơn vị y tế nhưng đã có lộ trình.
Theo thông tư 51 liên tịch Bộ Y tế — Bộ Nội Vụ, Sở Y tế có số lượng phó giám đốc không quá ba người, lãnh đạo không kiêm nhiệm chức danh trưởng của đơn vị cấp dưới có tư cách pháp nhân. Số lượng phòng thuộc Sở không quá bảy người, có hai chi cục trực thuộc sở, chi cục không quá ba phòng. Theo lộ trình, các địa phương sẽ hoàn thành việc thực hiện sáp nhập vào năm 2019.
Nguồn: VnExpress