Báo cáo mới tinh của Vietnam Report cho biết, doanh thu của thị trường dược phẩm Việt Nam ước tính đạt 5,2 tỉ USD năm 2017, tăng khoảng 10% so với năm trước. Và mỗi người Việt Nam trong năm rồi chi trung bình hơn 56USD tiền thuốc, tương đương gần 1,3 triệu đồng.
Hãy nhìn biểu đồ chi phí. Chi tiêu bình quân đầu người dành cho thuốc tại Việt Nam đã tăng dần từ 9,85USD trong năm 2005 lên đến 22,25USD trong năm 2010 và con số này tăng gần gấp đôi vào năm 2015, với 37,97USD. Dự báo, sẽ tăng lên mức 85USD vào 2020 và 163USD vào 2025.
Nếu để ý, chi phí cho thuốc cứ 5 năm lại tăng gấp đôi. Một mức độ khủng khiếp.
Tất nhiên, chi phí cho thuốc chỉ là một phần trong chi phí y tế nói chung mà ở VN, chi phí y tế từ tiền túi người dân đang là 54,8% — cũng kỷ lục. Chưa kể khoảng 550 ngàn hộ gia đình gánh chịu "chi phí y tế thảm họa" khi chi tiêu cho y tế vượt quá 40% khả năng chi trả.
Nói công bằng là ngành y tế cũng đã có nhiều nỗ lực. Con số hơn 470 tỉ đồng tiết kiệm được từ việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia vừa rồi không những giúp người dân ít nhiều giảm chi phí mà nói như Bộ trưởng Tiến, còn tránh được "hiện tượng nọ kia".
Nhưng cuộc chiến với "hiện tượng nọ kia" trong đấu thầu thuốc chỉ là một khía cạnh nọ kia rất nhỏ mà người dân đang phải gánh chịu, và không có cách gì để kêu được.
Cách đây chưa lâu, dư luận choáng váng khi một đơn thuốc chữa cảm được bạch hóa bởi dược sĩ Trần Thanh Cảnh.
Đơn thuốc chữa cúm ấy gồm đến 4 loại: Flurbiprofen 100mg. Dexamethason 0,5mg. Tecpin Codein (100mg tecpin+2,5mg codein). Và gói bột hương vị cam chanh thành phần gồm: Acid citric, đường gluco, hương liệu…
Cúm, loại bệnh không cần kê đơn, người dân có thể tự chữa. Và ngay cả khi không chữa thì cũng tự khỏi. Nhưng tại sao các bác sĩ lại kê một đơn thuốc gồm cả hạ nhiệt, giảm đau, kháng viêm? thậm chí kê cả hai loại kháng viêm đối chọi nhau?
Dược sĩ Trần Thanh Cảnh nói ông "không hiểu nổi". Không hiểu nổi cũng có thể hiểu đơn giản là "hiện tượng nọ kia". Bác sĩ kê thuốc loại "búa tạ" để trị một loại bệnh con kiến, mà vô số các trường hợp đòi hoa hồng nhà thuốc có thể dùng để cắt nghĩa.
Thuốc là loại hàng hóa đặc biệt, người dân không có kiến thức chuyên sâu, không có quyền từ chối, thậm chí không cả phép mặc cả.
Và giảm chi phí y tế nói chung, hay giảm chi phí thuốc nói riêng, còn cần phải dẹp rất nhiều "hiện tượng nọ kia" mà cái nọ kia đầu tiên là chuyện bác sĩ kê đơn ăn tiền %, một hiện tượng cũ rích nhưng chưa bao giờ thôi nóng, thôi khiến người dân khốn quẫn.
Nguồn: Lao Động