Tin mới nhất về vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh

Theo các luật sư, vụ án có khó khăn trong thu thập chứng cứ nhưng dù nghi phạm Shibuya Yasumasa không nhận tội, tòa án Nhật Bản vẫn kết án được khi đủ các chứng cứ khác.
Sputnik

Vụ án bé Nhật Linh bị sát hại dã man ở Nhật xảy ra gần một năm vẫn chưa được Tòa án nước này đưa ra xét xử đã khiến gia đình bé bức xúc.

ĐSQ Việt Nam tại Nhật thông tin về vụ án bé Nhật Linh

Nghi phạm được xác định là Shibuya Yasumasa — người thuộc một trong những dòng họ cực kỳ giàu có ở Nhật. Với nhiều hình ảnh, vật được thu thập tại hiện trường có liên quan đã khiến cơ quan điều tra Nhật bắt giữ Shibuya Yasumasa và xác định ông này là nghi phạm.

Có khó khăn trong thu thập chứng cứ trực tiếp

Tuy nhiên, kể từ khi bị bắt giữ, ông Shibuya đã sử dụng quyền im lặng — đây là lý do mà theo cơ quan tố tụng Nhật Bản, đã khiến tòa án chưa thể xét xử nghi phạm này. 

Theo luật sư Trương Xuân Tám — phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nguyên tắc quan trọng trong pháp luật hình sự của Nhật Bản là tôn trọng chứng cứ.

Cũng tương tự pháp luật hình sự Việt Nam, lời khai nhận tội của nghi phạm (bị can, bị cáo) chỉ được coi là chứng cứ buộc tội nếu phù hợp với các chứng cứ khác mà cơ quan tố tụng thu thập được. Cho nên, việc nghi phạm khai nhận tội không phải là chứng cứ bắt buộc để tòa án ra phán quyết về vụ án.

Cơ quan công tố của Nhật vẫn có thể căn cứ vào các chứng cứ khác thu thập được để buộc tội nghi phạm.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng trong vụ án bé Nhật Linh, trong khi nghi phạm không thừa nhận hành vi phạm tội thì cơ quan công tố của Nhật chỉ có các chứng cứ gián tiếp như hình ảnh nghi phạm dẫn bé đi, kết luận giám định ADN… 

Vụ án không thu thập được chứng cứ trực tiếp, chỉ có các chứng cứ gián tiếp trong khi nghi phạm lại không thừa nhận hành vi. Cho nên có thể nói đây là một vụ án có khó khăn trong thu thập, đánh giá chứng cứ của Nhật Bản.

Cũng tương tự một số vụ án tại Việt Nam, trong những vụ việc điều tra khó khăn như thế, thời gian tố tụng của vụ án có thể bị kéo dài để thu thập đủ các chứng cứ cần thiết, đảm bảo việc xét xử đúng người đúng tội.

Việc kéo dài thời gian tố tụng này đã khiến gia đình bé Nhật Linh và dư luận bức xúc. 

Vì sao vụ xét xử nghi phạm sát hại bé Nhật Linh cứ mãi bị trì hoãn?
Sự lên án của dư luận đối với hành vi tàn bạo trong vụ án sẽ là một tình tiết để hội đồng xét xử tòa án Nhật xem xét trong quá trình lượng hình (áp dụng hình phạt đối với nghi phạm), chứ không có ý nghĩa quyết định việc tòa án ra phán quyết nghi phạm có tội hay không. 

Việc đánh giá có đủ chứng cứ buộc tội nghi phạm hay không phụ thuộc vào quá trình xét xử, xem xét đánh giá toàn bộ chứng cứ của hội đồng xét xử tòa án Nhật Bản.

Để xét xử vụ án này, hội đồng xét xử của tòa án Nhật thường phải có 9 thành viên, trong đó có 3 thẩm phán và 6 tòa án viên (tương tự các hội thẩm nhân dân của Việt Nam).

Trong những vụ án phức tạp, tòa án Nhật Bản có thể mở nhiều phiên tòa để cho các bên công tố, luật sư tranh luận.

Phẫn nộ của dư luận sẽ được tòa đánh giá

Nói về vụ việc này, thạc sĩ Nguyễn Huyền Trang — công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, từng tốt nghiệp Thạc sĩ Luật tại Nhật Bản cho biết việc gia đình bé Nhật Linh xin chữ kỳ cộng đồng đề nghị xử nghiêm nghi phạm có thể được xem là một tình tiết tăng nặng khi tòa án xem xét vụ án.

"Luật Tố tụng hình sự của Nhật Bản không quy định cụ thể về việc sẽ áp dụng mức hình phạt cao nhất đối với những vụ án gây tác động mạnh đến xã hội. Nhưng trong một án lệ của Nhật Bản đã từng tuyên mức án cao nhất đối với bị cáo giết người khi vụ việc bị dư luận lên án mạnh mẽ" — bà Trang nói.

Gia đình bé Nhật Linh xin chữ ký kêu gọi tử hình nghi phạm Nhật
Cũng theo bà Trang, hiện vụ án vẫn đang được tiến hành các thủ tục cần thiết. Việc nghi phạm im lặng, không hợp tác với cơ quan điều tra hoàn toàn là quyền của nghi phạm. 

Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng chứ bị cáo không bị bắt buộc phải khai ra những chứng cứ chống lại mình. 

Theo thông tin từ cơ quan chức năng của Nhật Bản, các cơ quan tố tụng nước này vẫn đang nỗ lực để đưa vụ việc ra xét xử.

Từng có vụ việc tương tự tại Nhật

Anh Trần Ngọc Thi, một người có gần 20 năm định cư tại Nhật Bản cho biết trước đây cũng có một vụ án tương tự xảy ra tại nước này. Bà mẹ của một bé gái người Nhật bị sát hại cũng xin 20.000 chữ ký yêu cầu phải tử hình kẻ phạm tội.

Kết quả trong phiên tòa xét xử nghi phạm, tòa án Nhật đã tuyên bản án tử hình dành cho hung thủ. Bản án đã được dư luận Nhật Bản đồng tình.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Thảo luận