Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) mới đây đã thông qua quyết định hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) và hủy đăng ký toàn bộ số lượng cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ý chứng khoán Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ 86,72 triệu cổ phiếu BCI với tổng giá trị 867,2 tỷ đồng sẽ bị hủy niêm yết từ 23/2/2018. Việc hủy niêm yết cổ phiếu BCI để thực hiện sáp nhập Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh vào Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (mã KDH).
Tham vọng phình to quỹ đất
Trước năm 1999, BCI là công ty 100% vốn Nhà nước với tên gọi Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh. Sau khi được cổ phần hóa vào năm 1999, công ty có vốn điều lệ 18 tỷ đồng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thiết kế, thi công, san lấp mặt bằng, đầu tư, xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cao ốc văn phòng cho thuê, dịch vụ bất động sản.
BCI sở hữu quỹ đất lớn tại các quận Bình Chánh và Tân Bình, TP HCM. Đây cũng chính là lý do Khang Điền quyết định thâu tóm BCI nhằm mở rộng quỹ đất, nâng cao khả năng huy động vốn cũng như tối ưu hóa chi phí quản lý doanh nghiệp.
Sự phát triển của BCI gắn liền với tên tuổi ông Trầm Bê. Ông Trầm Bê từng gắn bó với BCI suốt 17 năm (từ năm 1999 đến 2016). Đến tháng 8/2016 thì ông Bê rút lui khỏi Hội đồng quản trị BCI sau khi Khang Điền đã tiến hành mua lại và nắm quyền chi phối BCI với tỷ lệ sở hữu lên tới 57,3% và biến BCI trở thành công ty con.
Theo đánh giá của Khang Điền, đây là khoản đầu tư chiến lược của Khang Điền để phát triển quỹ đất lớn ở Khu Tây Nam TPHCM và gần mạng lưới giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây.
Ngay sau đó, Khang Điền đã tiến hành cơ cấu lại bộ máy quản trị của BCI cùng việc hệ thống và sắp xếp lại chuỗi các dự án. Việc tái cơ cấu BCI trong hơn 2 năm vừa qua đã ảnh hưởng đáng kể đến Khang Điền, mà thể hiện rõ nhất là thu nhập nhân viên Khang Điền đã giảm từ 20,5 triệu đồng/tháng năm 2015 xuống 17 triệu đồng năm 2016 và 18 triệu đồng năm 2017. Sang năm 2018 này, khi đã ổn định, Khang Điền dự kiến thu nhập bình quân của người lao động mới được nâng lên 20 triệu đồng/tháng.
Khang Điền (KDH) hiện có vốn điều lệ 3.360 tỷ đồng và BCI hiện có vốn điều lệ 867,2 tỷ đồng. Năm 2018, sau khi sáp nhập, Khang Điền dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 3.878,3 tỷ đồng với doanh thu thuần dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ dự kiến đạt 800 tỷ đồng. Khi đó, tất cả các cổ đông BCI sẽ trở thành cổ đông của Khang Điền và Khang Điền sở hữu 100% BCI.
Dấu ấn Lý Gia tại Khang Điền
Ông Lý Điền Sơn đã trực tiếp quản lý và điều hành Khang Điền từ những ngày đầu thành lập đến nay. Ông Sơn từng nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Khang Điền trước khi để lại các vị trí này cho người khác, lùi xuống vị trí Phó Chủ tịch.
Theo giới thiệu của Khang Điền, trong 16 năm qua, bằng những kinh nghiệm, hiểu biết chuyên sâu trong lĩnh vực bất động sản, ông Lý Điền Sơn đã đưa công ty này vượt qua nhiều thử thách và đạt được những bước tiến vượt bậc.
"Ông đã cùng với các cộng sự từng bước kiện toàn bộ máy quản lý doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một tổ chức niêm yết, nâng tầm Khang Điền trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại TPHCM", cáo bạch của công ty này ghi nhận.
Tại Khang Điền, ông Lý Điền Sơn trực tiếp nắm giữ 3,14 triệu cổ phần, trong khi em trai ông là Lý Văn Hùng (diễn viên Lý Hùng) sở hữu 56.056 cổ phần và mẹ ông là bà Đoàn Thị Nguyên cũng sở hữu số cổ phần tương tự.
Bên cạnh đó, ông Lý Điền Sơn còn gián tiếp sở hữu 7,46 triệu cổ phần tương đương 2,22% vốn điều lệ Khang Điền thông qua Công ty TNHH MTV Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Lý Gia do ông Sơn làm Chủ tịch.
Nguồn: Dân Trí