Bộ đội đặc công, biệt động Việt Nam trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Lực lượng bộ đội đặc công, biệt động ta thực sự là mũi nhọn xung kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Sputnik

Ngày 19 tháng 3 năm 1967, bộ đội đặc công được Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh công nhận là binh chủng chính thức của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Việt Nam đã dạy Mỹ bài học đắt giá

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến thăm và nói chuyện với đại biểu cán bộ, chiến sĩ đặc công trong ngày lễ thành lập binh chủng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt cần phải cố gắng đặc biệt… Đối với đặc công, chữ "đặc biệt" quán xuyến tất cả, từ lúc tập luyện cho đến lúc đi đánh cũng như lúc về.

Mưu trí phải đặc biệt linh hoạt. Kỹ thuật phải đặc biệt huấn luyện thành thục. Lập trường chính trị phải đặc biệt vững chắc…

Kỷ luật phải đặc biệt nghiêm minh. Quyết tâm thắng địch, quyết tâm tiêu diệt địch cũng phải đặc biệt cao" (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, H.1996, tr.243).

Bác Hồ, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Binh chủng Đặc công thời điểm này với ý định trước mắt là sử dụng đặc công như một lực lượng xung kích trong tổng tiến công.

Chiến dịch Mậu Thân 1968: Cú sốc của chính trường Mỹ
Nắm vững quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Binh chủng Đặc công đã khẩn trương xúc tiến mọi công tác chuẩn bị để tham gia cuộc Tổng tiến công.

Ở miền Bắc, trong năm 1967, Binh chủng Đặc công huấn luyện được 3.835 chiến sĩ, đào tạo 457 cán bộ trung đội phó, bổ túc và huấn luyện chuyển binh chủng cho 527 cán bộ từ cấp trung đội trưởng đến tiểu đoàn trưởng.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Đảng, binh chủng đã tăng cường cho các chiến trường 2.563 cán bộ, chiến sĩ.

Tổ chức thành một tiểu đoàn, 40 đội, 7 khung cán bộ tiểu đoàn, 30 khung cán bộ đội.

Ở các chiến trường miền Nam, đến cuối năm 1967 lực lượng đặc công biệt động đã có hàng vạn chiến sĩ gồm 1 trung đoàn, 2 đoàn (tương đương trung đoàn), 21 tiểu đoàn, 58 đội và hàng trăm trung đội, tiểu đội.

Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn - Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968.

Lực lượng đặc công đã tổ chức thành hệ thống, có lãnh đạo chỉ đạo từ trên xuống dưới để làm tham mưu cho chỉ huy các mặt trận và các đơn vị trong xây dựng và tác chiến.

Bộ tư lệnh Đặc công cùng các mặt trận đã tham mưu cho Bộ điều chỉnh lực lượng để bố trí trên các địa bàn chiến lược.

Đến cuối năm 1967, tại vùng ven Sài Gòn, các phân khu 1, 2, 3, 4, 5 có từ môt đến hai tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn trang bị nhẹ và mạnh, được huấn luyện chiến thuật đặc công.

Chiến dịch Mậu thân 1968: Đòn giáng vào niềm tin của Mỹ
Trong nội thành Sài Gòn (Phân khu 6) có 11 đội biệt động, các đơn vị tự vệ mật, công an và các đội công tác vũ trang.

Đặc công và biệt động Sài Gòn đã xây dựng được hệ thống hành lang, bàn đạp, cơ sở nhân dân trong nội thành, vùng ven và quanh các mục tiêu quan trọng gồm 19 cơ sở chính trị, 225 gia đình cơ sở, 400 điểm giấu ém quân, vũ khí, lương thực…

Tại Huế, trong nội thành và vùng ven có 3 tiểu đoàn đặc công và 10 đội biệt động.

Nhân dân các khu vực Viễn Chinh, Đức Thái, Mực Tra, Dương Mông… đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực và hàng trăm hầm bí mật để giấu ém bộ đội đặc công sát mục tiêu tiến công.

Ở các thành thị khác trên toàn miền Nam, các đơn vị đặc công của Miền, các quân khu, sư đoàn, trung đoàn chủ lực và đặc công các tỉnh, huyện đều được luồn ém sẵn ở những khu vực trọng điểm, những mục tiêu quan trọng.

Giáp Tết Mậu Thân, các đơn vị đặc công và biệt động đã được lệnh phân tán thành nhiều tổ, bằng nhiều đường khác nhau hòa nhập vào dòng người đi sắm Tết, bí mật ém quân, vũ khí, đạn dược vào các gia đình cơ sở hoặc các vị trí tập kết cuối cùng, đồng thời trinh sát lại mục tiêu lần cuối.

Hàng vạn cán bộ chiến sĩ đặc công, biệt động, hàng trăm tấn vũ khí đặc chủng đã được bố trí cất giấu ngay trong lòng địch.

Đội hình quân ta như những mũi dao nhọn sẵn sàng đâm thẳng vào yết hầu của địch khi có lệnh tiến công.

Đêm 30 rạng ngày 31 tháng 1 năm 1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta nổ ra đồng loạt, mạnh mẽ, bất ngờ ở Sài Gòn, Huế và nhiều thành phố, thị xã, thị trấn miền Nam.

Vũ khí nổi tiếng của khối XHCN trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Tại Sài Gòn, lúc 2 giờ sáng ngày 31 tháng 1, đội biệt động số 11 gồm 17 chiến sĩ do đồng chí Ngô Thành Vân (Ba Đen) chỉ huy đã tiến công Đại sứ quán Mỹ.

20 phút sau bọn Mỹ đến ứng cứu bị ta chặn lại ở ngoài cổng chính.

Đến sáng, 1 trung đội lính Mỹ mới vào được bên trong, ta và địch quần nhau quyết liệt trong khuôn viên Đại sứ quán.

Ta đánh chiếm tầng 1, tiến lên tầng 2, tầng 3.

Trước sức chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ ta, bọn Mỹ phải dùng trực thăng đổ quân từ trên nóc nhà tiếp viện.

Trời sáng, do anh em ta không được chi viện nên trận đánh kết thúc, 16 chiến sĩ anh dũng hy sinh. Đồng chí đội trưởng bị thương nặng và bị địch bắt.

Lực lượng tiến công Đài phát thanh Sài Gòn gồm 12 chiến sĩ đội biệt động số 4, do đồng chí Nguyễn Văn Tăng, cụm trưởng cụm 3 — 4 — 5 phụ trách chung, đồng chí Năm Lộc chỉ huy.

Các chiến sĩ ta tiến công làm ngưng trệ phát thanh từ 2 giờ đến 5 giờ sáng, nhưng địch tiếp viện phản kích trở lại, nên ta không chiếm được mục tiêu đề ra.

Đội biệt động số 5 gồm 15 chiến sĩ do đồng chí Ngô Hoài Thanh chỉ huy, tiến vào dinh Độc Lập, tiến công vào cổng dinh phía đường Nguyễn Du, diệt bọn lính gác, nhưng không triển khai được trước sự chống trả quyết liệt của địch.

Địch điều xe thiết giáp đến ứng cứu, buộc ta phải rút lui. Trận này có 8 chiến sĩ hy sinh, 7 chiến sĩ bị địch bắt.

Ở các mục tiêu khác, các đội biệt động đều tiến chiếm và giữ được đến sáng, nhưng các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu không tiếp ứng được kịp thời.

Các chiến sĩ biệt động đã chiến đấu đến giờ phút cuối cùng, nêu cao khí phách anh hùng của biệt động Sài Gòn trong giờ phút lịch sử Tết Mậu Thân 1968.

Tập kích Sơn Tây: Thảm bại của 10.000 lính Mỹ ở miền Bắc Việt Nam
Ở vòng ngoài Sài Gòn, đặc công và biệt động cùng bộ binh đánh phá Tổng kho Hạnh Thông Tây, căn cứ Bộ tư lệnh pháo binh Cổ Loa, Bộ tư lệnh thiết giáp Phù Đổng, sân bay Tân Sơn Nhất, quận Nhà Bè, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, kho xăng dầu Nhà Bè, Thành Tuy Hạ…

Tại Huế, lực lượng đặc công có 3 tiểu đoàn, 6 đội biệt động tham gia.

Trước Tết các đơn vị hành quân theo nhiều hướng, vượt qua nhiều sông ngòi, đồn bốt địch đến vị trí tập kết an toàn, đúng thời gian quy định.

Trên hướng Bắc, đặc công, biệt động được giao nhiệm vụ cùng bộ binh đánh sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 1 của địch ở Mang Cá, sân bay và khu kho ở Tây Lộc, khu Đại Nội.

Hướng Nam, đặc công cùng bộ binh đánh căn cứ trung đoàn thiết giáp ngụy ở Tam Thai và tiểu đoàn bộ binh Mỹ ở Nam Giao.

Lực lượng đặc công, biệt động ở Huế không lớn, nhưng đã cùng 8 tiểu đoàn bộ binh đánh chiếm và làm chủ được 39 mục tiêu quan trọng trong thành phố.

Lực lượng đặc công đã làm nòng cốt cho đánh chiếm các mục tiêu trên, phá hàng trăm xe tăng, xe quân sự, máy bay, tiêu diệt và và bắt giữ gần một ngàn tên địch, cùng lực lượng vũ trang tại chỗ phát động quần chúng nổi dậy mạnh mẽ, rộng khắp, làm chủ nhiều khu vực dài ngày, có khu vực tới 25 ngày đêm, trong đó có khu Đại Nội.

Từ 5 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phấp phới bay trên đỉnh cột cờ trước Ngọ Môn.

Ở Huế, tuy sự hiệp đồng giữa đặc công và các tiểu đoàn bộ binh có khá hơn, nhưng sự hiệp đồng đó vẫn chưa được chặt chẽ, chưa được tiếp sức kịp thời nên chưa phát huy được hiệu quả bước đầu mà đặc công đã đánh chiếm như:

Sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 1 của địch, ta không đánh được mà chỉ bao vây suốt quá trình đánh Huế, sân bay và khu kho Tây Lộc cũng chỉ giữ được có 1 ngày…

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tại các thành phố, thị xã, thị trấn khác trên toàn miền Nam, đặc công được giao nhiệm vụ nòng cốt đánh chiếm các mục tiêu hiểm yếu, quan trọng nhất như các tiểu khu, chi khu, biệt khu, tỉnh đường, quận lỵ, tòa hành chính, ty công an, cảnh sát, biệt kích, biệt động quân, các sở chỉ huy các cấp của Mỹ, ngụy, khu cố vấn, nhà lao…

Các mục tiêu trên, đặc công đã đánh chiếm, làm chủ toàn bộ hoặc một phần mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng nhân dân nổi dậy diệt đầu sỏ, ác ôn, làm tan rã bộ máy ngụy quyền, giành quyền làm chủ trong một thời gian nhất định.

Chiến dịch Mậu Thân 1968 và sự thất bại của truyền thông Mỹ (Ảnh)
Bên cạnh nhiệm vụ làm mũi nhọn đánh trong thành thị, bộ đội đặc công còn được sử dụng đánh các sân bay: Tân Sơn Nhất, Biên Hòa (ngày 31 tháng 1); Xuân Thiều, Bà Rịa (ngày 5 tháng 2); Cù Hanh (ngày 7 tháng 2); Đông Tác (ngày 20 tháng 2)… phá hủy hàng trăm máy bay, tiêu diệt hàng trăm giặc lái của địch, làm hạn chế sức cơ động trong tác chiến của chúng.

Đặc công còn đánh hàng loạt kho tàng lớn của địch như: Hạnh Thông Tây, Nhà Bè, Long Bình (ngày 31 tháng 1), An Khê (ngày 17 tháng 2), Đèo Son (ngày 24 tháng 2), đốt cháy hàng trăm triệu tấn xăng dầu, bom đạn của địch, khiến chúng lâm vào cảnh khó khăn về hậu cần trong tác chiến.

Riêng trận đánh Tổng kho Long Bình đã làm cho các trận địa pháo "vùng chiến thuật 3" của địch bắn thưa thớt vì thiếu đạn.

Đặc công còn đánh nhiều căn cứ xe tăng, thiết giáp, trận địa pháo binh, các cầu giao thông quan trọng.

Đặc biệt Đoàn Đặc công nước 126 đã ngăn chặn vận chuyển đường thủy của địch trên sông Cửa Việt từ mấy tháng cuối năm 1967 đến đầu năm 1968, vây hãm cảng Cửa Việt, phá hủy 14 tàu địch, làm tắc nghẽn đoạn sông từ Thanh Xuân đi Cửa Việt.

Trong đợt hoạt động từ cuối năm 1967 đến giữa năm 1968 mà đỉnh cao là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, lực lượng đặc công Hải quân đã anh dũng chiến đấu hàng trăm trận, đánh chìm, đánh hỏng hơn 100 tàu chiến đấu, tàu vận tải quân sự của địch, tiêu diệt hàng ngàn tên, phá hủy hàng chục chiếc cầu, nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của chúng; góp phần vào chiến công chung của toàn mặt trận.

Lực lượng bộ đội đặc công, biệt động ta thực sự là mũi nhọn xung kích trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tài liệu tham khảo:

— Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh — Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân — 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội — 1998.

— Bộ Quốc phòng — Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam (1944 — 1975), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội — 2005.

— Bộ Quốc phòng — Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội — 2008.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY

Nguồn: Báo GDVN

Thảo luận