Ký ức của người lính đặc công Việt Nam “một chọi mười” từng được báo tử

2 lần là cảm tử quân, thậm chí đã từng được báo tử, kí ức chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ký là những trận sống mái với kẻ thù, là nỗi đau khi gần như cả đơn vị bị xóa sổ. Người lính đặc công ấy đã khóc khi những người sát cánh cùng ông năm xưa vẫn đang nằm đâu đó ở dải đất lửa Trị - Thiên này.
Sputnik

Năm 1967, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Ký (quê trú Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vào lính, đi thẳng vào chiến trường Trị Thiên. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân, đơn vị đặc công của ông (Đại đội 1, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324) được lệnh vượt qua kho xăng La Văng (giáp giữa Quảng Trị và Huế) để tiến vào Quảng Điền (Huế).

Bộ đội đặc công, biệt động Việt Nam trong chiến dịch Mậu Thân 1968

"Tôi vẫn nhớ như in, qua đài mật mã giọng nói của Bác Hồ vang lên: "Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước ta, tôi chúc mừng năm mới như sau: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta".

Câu "Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta" vừa dứt, chúng tôi ào lên chiếm lĩnh mục tiêu. Quân địch nhiều, được trang bị vũ khí hiện đại, quân ta mỏng nhưng có lòng yêu nước, dũng cảm, đánh bằng mưu mẹo lại có nhân dân ủng hộ nên có khi trinh sát đặc công 10 người đánh cả tiểu đoàn hay cả đại đội địch, dưới là không đánh, cứ 1 đổi 10", đôi mắt ông rực sáng khi nhớ về thời khắc cả nước vùng lên 50 năm trước.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Ký (bên trái) về thăm lại thành cổ Quảng Trị trong chuyến hành quân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Những chiến công của Sư đoàn 324 và của chính những người lính đặc công Bộ mà địch gọi là "quân chính quy Bắc Việt" ấy đã đóng góp quan trọng giành và giữ Huế suốt 26 ngày đêm trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, các đơn vị của ta được lệnh rút khỏi Huế để tiếp tục củng cố lực lượng.

Bóng hồng tuổi 20 tấn công Bộ tổng tham mưu
Đơn vị của ông Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục tham gia đánh thủy quân lục chiến, "kị binh bay" ở Đường 9 Khe Sanh rồi sang mặt trận Nam Lào (1971). Cũng trong trận chiến này, khi giành nhau với địch trên lô cốt, một quả lựu đạn rơi xuống ngay cạnh ông. Ông cầm lựu đạn ném về phía đối phương nhưng lựu đạn phát nổ, ông ngất đi với cánh tay phải nát bét.

Khi ông tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện. Địch phát hiện ông còn sống, đưa về cứu chữa để khai thác. Không khai thác gì được ông, chúng đưa ông đến nhà tù Phú Quốc giam cầm. Đó cũng là thời điểm gia đình nhận được giấy báo tử của ông.

Với cái tên Trương Minh Quý, ông và đồng đội tiếp tục có những cuộc đấu tranh không kém dữ dội với địch ngay trong nhà lao. Bị tra tấn dã man, người lính đặc công với một cánh tay ấy đã mổ bụng để tỏ khí tiết, khiến kẻ địch phải run sợ. Ông cùng người bạn tù Lê Văn Long (quê Nghệ An) tương kế tựu kế đánh cho tên cai ngục một trận thừa sống thiếu chết. Sau sự việc này, những ngón đòn tra tấn, trả thù đổ lên thân thể người thương binh ấy càng khốc liệt hơn. Năm 1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris…

Cuộc đời binh nghiệp của ông là những trận sống mái với kẻ thù, những cuộc chiến đấu không cân sức nhưng với lòng dũng cảm, mưu trí và lòng yêu nước, ông và đơn vị đã giành được những thắng lợi quan trọng, đặc biệt là trong cuộc tiến công vào TP Huế mùa Xuân 1968

Ngày trở về, người phụ nữ ông yêu, người đã mang nặng đẻ đau cho ông đứa con gái lên 7 tuổi tưởng ông hi sinh đã nên duyên mới. "Tôi về, với một cơ thể không lành lặn, cô ấy xin quay lại để chăm sóc tôi. Tôi bảo "ai khổ để một người khổ thôi, em về với anh ấy đi", ông kể. Người lính ấy chọn cái khổ đau về mình vì không muốn người đàn ông kia phải mất vợ, không muốn người phụ nữ mình yêu phải giằng xé giữa yêu thương và trách nhiệm.

Một năm sau ông lấy vợ, sinh liền 3 đứa con. Ông thương binh nặng, vợ ông — một bà giáo quê tần tảo chăm chồng, nuôi 3 con khôn lớn. "Tôi không nghĩ mình còn sống để quay về. Nghĩ tới những đồng đội đã hi sinh thấy mình còn may mắn quá", ông tâm sự.

Ông về thăm chiến trường xưa với một ước mơ "thắp cho đồng đội một nén hương". Với cánh tay phải cụt đến khuỷu, ông đi khắp các nghĩa trang mà đoàn vào viếng rồi lặng lẽ quay ra.

"Ngày ấy, có những trận, có 10 thằng đặc công đánh cả tiểu đoàn được trang bị tận răng của địch. Hi sinh nhiều lắm, quân số bổ sung liên tục mà có khi đánh xong trận, nhìn lại cả đại đội còn được vài người. Con người ta có phải tự nhiên nhéo một cái mà chết đâu, có khi hi sinh mà không nhặt được thi thể, có trường hợp khi cấp táng chỉ lấy ni lông gói rồi đắp đá xung quanh, có trường hợp không tìm được xác. Có đứa còn trẻ lắm, vào trận chỉ có biết đánh nhau thôi, chết mà vẫn chưa được cầm tay con gái. Tôi chỉ mong vào đây, thắp được cho đồng đội mình nén hương nhưng trời đất mênh mông, biết chúng nó nằm ở đâu…", ông đưa cánh tay còn lại vụng về lau giọt nước mắt ứa ra.

Nguồn: Dân Trí

Thảo luận